Tăng phí sân bay, chất lượng phục vụ có bớt tệ?

(Dân trí) - Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đồng ý cho tăng phí phục vụ hành khách tại 7 sân bay quốc tế nhằm tăng thu, tăng tích lũy. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phí sân bay tăng, liệu chất lượng phục vụ có tương xứng giá tiền mà tốt hơn?

Trong văn bản trình Bộ GTVT về kế hoạch đầu tư dự án giai đoạn 2016-2020 mới đây, ACV đề nghị Bộ chủ quản đồng ý về chủ trương tăng phí phục vụ hành khách đi các chuyến bay nội địa tại 7 sân bay quốc tế, gồm: Nội Bài, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc.

Cần phải nhắc lại rằng, từ năm 2010 - 2014, phí sân bay đã liên tục tăng, trong khi đó theo quy định của Bộ Tài chính, mức phí sân bay được ban hành theo khung từ thấp đến cao nhưng hầu hết sân bay đều thu mức cao nhất.

Bằng chứng là phí sân bay đối với chuyến bay nội địa của các sân bay nhóm A năm 2010 là 40.000 đồng/người, năm 2012 lên 60.000 đồng/người, năm 2014 lên 70.000 đồng/người; Phí sân bay đối với chuyến bay quốc tế của các sân bay nhóm A lần lượt trong các năm 2010, 2011, 2012, 2014 tăng từ 14 - 25 USD/người (riêng sân bay Đà Nẵng năm 2011 thu 8 USD/người tại nhà ga cũ, nhà ga mới là 16 USD).

Đáng nói, tuy là các sân bay quốc tế thuộc nhóm A nhưng chất lượng hạ tầng chỉ xứng tầm quốc nội, tình trạng quá tải trầm trọng ở các sân bay lớn xảy ra, các dịch vụ thiết yếu tại sân bay như nước uống miễn phí, thiếu ghế ngồi, Wifi chập chờn, thiếu xe đẩy hành lý, thiếu khu vực vệ sinh… gây bức xúc cho hành khách. Đặc biệt, năm 2014 sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất còn “lọt” top các sân bay tệ nhất châu Á.

Sân bay quốc tế Nội Bài nằm trong danh sách tăng phí
Sân bay quốc tế Nội Bài nằm trong danh sách tăng phí

Với đề nghị tăng phí này, theo một số ý kiến trong lĩnh vực hàng không, về nguyên tắc ACV đã đầu tư mới hạ tầng CHK, SB thì đề xuất tăng phí để thu hồi vốn là đúng, nhưng vấn đề đặt ra là tăng phí thì có tăng chất lượng dịch vụ không? Lộ trình giảm phí là khi nào?

Lí giải cho đề nghị tăng phí, ông Đào Việt Dũng - Phó Tổng Giám đốc ACV - cho biết Dũng, số lượt hạ-cất cánh và sản lượng hành khách quốc nội chiếm khoảng 2/3 tổng sản lượng phục vụ. Tuy nhiên, theo ban hành mức giá, khung giá một số dịch vụ hàng không tại CHK, SB thì mức giá dịch vụ hạ-cất cánh tàu bay quốc nội thấp hơn khoảng 2,5 lần tàu bay quốc tế, mức phí phục vụ hành khách cũng thấp hơn từ 2,5 đến 8 lần tùy theo từng sân bay, mức phí soi chiếu an ninh cũng thấp hơn 6 lần. Về mặt chi phí đầu tư cảng quốc tế và quốc nội chỉ chênh lệch nhau từ 20 - ­30%.

ACV đề xuất Bộ GTVT xem xét về việc phê duyệt lộ trình điều chỉnh khung giá thu đối với hành khách đi tuyến quốc nội hiện nay theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa quốc nội và quốc tế xuống từ 2 - 4 lần trong vòng 5 năm sau cổ phần hóa để đảm bảo hiệu quả trong đầu tư và khai thác tài sản.

“Trước mắt, điều chỉnh khung giá thu theo lộ trình từ 2015-2020 đối với hành khách đi tuyến quốc nội tại một số cảng mới đầu tư, thuộc các địa bàn có kinh tế phát triển, phục vụ khách du lịch có điều kiện về kinh tế nhất định như cảng Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Vinh, Phú Bài. Qua đó, sẽ góp phần tăng thu, tăng tích lũy, thúc đẩy quá trình tái đầu tư của ACV, cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh. ACV sẽ trình phương án cụ thể đối với từng cảng khi được chấp thuận về mặt chủ trương” - Phó Tổng Giám đốc ACV cho hay.

ACV đang chịu trách nhiệm quản lý, khai thác toàn bộ hệ thống 22 Cảng hàng không, sân bay (CHK, SB), trong đó 21 CHK, SB đang hoạt động khai thác; CHK Nà Sản đang dừng khai thác). Hệ thống CHK, SB gồm 9 CHK quốc tế: Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Vinh ; 13 CHK nội địa: Điện Biên, Đồng Hới, Thọ Xuân, Tuy Hoà, Phù Cát, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Sơn, Chu Lai, CHK Nà Sản. Tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không tính đến 31/12/2015 là 80 triệu khách/năm.

Châu Như Quỳnh

Tăng phí sân bay, chất lượng phục vụ có bớt tệ? - 2