TPHCM:

Tăng phí đường bộ các trạm cửa ngõ thành phố

(Dân trí) – Tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, HĐND TPHCM đã chấp thuận tờ trình của UBND TP về việc tăng mức thu phí đường bộ đối với các phương tiện xe cơ giới khi qua cầu Bình Triệu 2, xa lộ Hà Nội và đường Kinh Dương Vương từ 1/7.

Cả 3 trạm thu phí trên đều do công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (Công ty CII) quản lý và thu phí.

Hiện tại, công ty này áp dụng mức thu phí thấp hơn mức thu của các trạm thu phí giao thông đường bộ khác trên phạm vi cả nước. Đồng thời, bên cạnh sự phát triển thêm hệ thống hạ tầng giao thông, thành phố cho phép phân luồng giao thông hợp lý, kéo giảm lưu lượng xe qua trạm nên giảm lượt thu phí. Nếu tiếp tục duy trì như mức thu hiện nay thì công ty CII không thể hoàn thành kế hoạch thu phí theo lộ trình đã được quy định…
 
Tăng phí đường bộ các trạm cửa ngõ thành phố - 1
Trạm thu phí cầu Bình Triệu là 1 trong 3 trạm được UBND TP đề nghị tăng mức phí đường bộ
 
Hơn nữa, UBND TP cho rằng việc điều chỉnh tăng mức thu phí này vào thời điểm hiện nay là phù hợp, nhằm rút ngắn thời gian hoàn vốn đối với các hợp đồng đã ký kết và tạo điều kiện để tiếp tục hoàn vốn đầu tư cho những dự án kế tiếp. Do vậy, HĐND TP khóa VII đã thống nhất cho UBND tăng mức thu phí đường bộ tại các điểm này.
 
Mức tăng lần này được đề nghị đối với ba nhóm xe. Nhóm xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có trọng tải 4 tấn đến dưới 10 tấn tăng từ 20.000 đồng lên 22.000 đồng (vé lượt), 600.000 đồng lên 660.000 đồng (vé tháng), tăng từ 1,6 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (vé quý). Nhóm xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet tăng từ 20.000 đồng lên 40.000 đồng (vé lượt), từ 600.000 đồng lên 1,2 triệu đồng (vé tháng), từ 1,6 triệu đồng lên 3,2 triệu đồng (vé quý). Nhóm xe tải có trọng tải từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet tăng từ 30.000 đồng lên 80.000 đồng (vé lượt), từ 900.000 đồng lên 2,4 triệu đồng (vé tháng), từ 2,4 triệu đồng lên 6,5 triệu đồng (vé quý).
 
Tăng phí đường bộ các trạm cửa ngõ thành phố - 2
Còn nhiều đại biểu e ngại việc tăng mức thu phí đường bộ là quá vội vã.

Nhóm xe dưới 12 chỗ ngồi, xe từ 12 chỗ đến dưới 30 chỗ, xe có trọng tải từ 4 đến dưới 10 tấn... vẫn giữ như mức thu hiện hành. Thời gian áp dụng mức thu mới dự kiến bắt đầu từ ngày 1/7/2011.

Tuy nhiên, trước khi đi đến việc biểu quyết, trong phần thảo luận nhóm, cũng có nhiều đại biểu e ngại rằng, nên lùi thời gian tăng mức thu phí đường bộ. Vì hiện tại, thành phố cũng như cả nước đang tập trung vào việc kiềm chế lạm phát thì việc tăng phí giao thông lúc này là khá nhạy cảm.

Liên quan đến trạm thu phí trên Xa lộ Hà Nội, đã có doanh nghiệp kiện công ty CII đòi trả lại phần phí thu sai khi trạm này dời từ vị trí cũ (gần chân cầu Sài Gòn) ra vị trí hiện nay (gần ngã tư Minh Khai).

Về vấn đề này, ông Trần Quang Phượng - Ủy viên UBND thành phố đã khẳng định: “Nếu các chủ xe có đầy đủ tài liệu chứng minh không sử dụng đường Điện Biên Phủ mở rộng nhưng đã nộp phí tại trạm thu phí trên Xa lộ Hà Nội trong thời gian từ ngày 28/8/2009 - 10/11/2009 thì sẽ được công ty CII hoàn trả đầy đủ phí đã thu”.
 

HĐND TP cũng đã thông qua tờ trình về Chế độ hỗ trợ hoạt động cho các di tích và trợ cấp thường xuyên cho cán bộ, viên chức bảo tàng, thư viện.

Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TPHCM, tính đến tháng 10/2010, TP có 124 công trình địa điểm được xếp hạng di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 53 di tích quốc gia, 70 di tích cấp thành phố.

Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc quản lý trực tiếp di tích chủ yếu thuộc đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, chưa nhận được sự quan tâm hỗ trợ hợp lý. Nhiều di tích có nguồn thu hạn chế gặp khó khăn trong hoạt động thường xuyên, chăm sóc di tích, những khoản chi phí liên quan đều do các tổ chức, cá nhân này tự chi trả…

Đến hết tháng 8/2010, tổng số viên chức, người lao động của 7 bảo tàng, Trung tâm bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, Thư viện Khoa học Tổng hợp là 432 người (biên chế 211 người), trong đó có 7 tiến sĩ, 17 thạc sĩ, 207 cử nhân.

Kinh phí ngân sách cấp hàng năm cho hoạt động của các bảo tàng, Bảo tồn và Thư viện này chưa đủ để trang trải cho các hoạt động, trang bị phương tiện phục vụ cho công tác chuyên môn… Thu nhập của viên chức, người lao động trong lĩnh vực này còn quá thấp nên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của sự nghiệp di sản văn hóa và thư viện của thành phố.

Do vậy, UBND TPHCM trình HĐND xem xét mức chế độ trợ cấp khuyến khích cho viên chức, người lao động. Theo đó, viên chức các đơn vị Bảo tàng, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị lịch sử - văn hóa thành phố, Thư viện khoa học tổng hợp được áp dụng chế độ trợ cấp khuyến khích như sau:

Đối với người có trình độ Tiến sĩ: 2 triệu đồng/người/tháng, Thạc sĩ: 1,5 triệu đồng/người/tháng, Đại học chính quy: 750.000 đồng/người/tháng, trình độ Đại học các hệ còn lại: 500.000 đồng/người/tháng. Thời điểmthực hiện các chế độ hỗ trợ nêu trên bắt đầu từ ngày 1/1/2011.
 
Công Quang

Tùng Nguyên - Công Quang