1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tan “giấc mơ vàng”: Bỏ mạng nơi xứ người

(Dân trí) - Rời bản làng ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) vào các bãi vàng Quảng Nam để tìm kiếm cơ hội, những lao động này phải chấp nhận đối mặt với nhiều rủi ro, nguy cơ. Trên thực tế, đã có nhiều vụ sập hầm vàng khiến những lao động này phải bỏ mạng ở nơi đất khách.

Đến bản có 3 anh em tử vong dưới hầm vàng ở Quảng Nam

Chúng tôi trở lại bản Xao Va (xã Bảo Thắng, Kỳ Sơn, Nghệ An) sau gần 1 tháng xảy ra vụ sập hầm vàng thuộc thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) khiến ba anh em trai trong một gia đình bỏ mạng nơi xứ người. Đường vào bản Xao Va quanh co men theo sườn núi. Những cán bộ xã nhiệt tình đã làm “xe ôm” chở chúng tôi vào tận nơi.

Chiếc xe máy chạy số 1, ì ạch leo dốc, xả khói đen khét lẹt. Thi thoảng, những rãnh đường bùn nhão nhoét do cơn mưa trước đó một tuần để lại khiến anh Xeo Văn Xoài – cán bộ tư pháp xã Bảo Thắng vừa vặn ga hết cỡ, vừa “bơi” hai chân để giữ thăng bằng. Tôi ngồi sau, hai thái dương đau buốt vì căng thẳng, sợ chiếc xe có thể lao xuống vực bất cứ lúc nào.

Đường vào bản Xao Va (Bảo Thắng, Kỳ Sơn, Nghệ An), nơi có 3 anh em trong 1 gia đình tử vong khi đi đào vàng ở Quảng Nam.
Đường vào bản Xao Va (Bảo Thắng, Kỳ Sơn, Nghệ An), nơi có 3 anh em trong 1 gia đình tử vong khi đi đào vàng ở Quảng Nam.

Con đường hiểm trở này chẳng thể ngăn giấc mơ đổi đời của hàng chục thanh niên Khơ – Mú ở cái bản xa nhất xã Bảo Thắng. Thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những chiếc xe chạy ngược lại, trên xe là những thanh niên vai mang một cái túi nhỏ. Có thể họ đang ra khỏi bản, đi tìm kiếm cơ hội việc làm ở đâu đó, ở các bãi vàng Quảng Nam chẳng hạn. Và cũng trên con đường này, ba anh em Cụt Sơn Hải đã trở về nhà bằng những tấm chiếu bó tròn vắt ngang xe máy.

Ông Cụt Thanh Hoài - Chủ tịch UBND xã Bảo Thắng: "Theo thống kê sơ bộ, toàn xã có gần 90 lao động rời khỏi địa phương, nghi là đi làm vàng. Đây chỉ là con số mà xã nắm được, còn cụ thể là bao nhiêu người thì không rõ”.

Bản Xao Va có 73 hộ dân, 372 nhân khẩu thì có đến 51 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo. Ông Ốc Văn Phương – Bí thư Chi bộ bản Xao Va nhẩm tính: “Có khoảng 40 thanh niên rời bản đi làm, nghi là đi làm vàng. Họ đi không báo với cán bộ bản đâu. Giờ đang là mùa phát rẫy chứ vào khoảng tháng 12 đến tháng 4 hàng năm thì chẳng có mấy thanh niên ở nhà”.

Người thân đưa thi thể của 3 anh em Cụt Hải Sơn về bản trên con đường gian nan này.
Người thân đưa thi thể của 3 anh em Cụt Hải Sơn về bản trên con đường gian nan này.

Căn nhà của ông Cụt Phò Quyền, Cụt Mẹ Quyên – bố mẹ của 3 nạn nhân tử vong dưới hầm vàng ở Quảng Nam vào ngày 12/4 vừa qua tuềnh toàng nằm giữa bản. 3 anh em Cụt Hải Sơn (SN 1982), Cụt Phò Phèng (SN 1985), Cụt Văn Ngọ (1997) – con trai ông Quyền vừa vào Quảng Nam làm vàng được hơn 2 tháng thì xảy ra chuyện.

“Cả 5 con trai của ta đều đi làm vàng. Ở nhà hết mùa rẫy thì không biết làm chi ăn, không đi làm thì đói thôi. Ăn Tết xong thì ba anh em hắn đi, nghe người ta hứa là lương cao lắm, đến 7-8 triệu một tháng nhưng chưa gửi được đồng mô về thì sập hầm, chết cả ba”, ông Quyền nói.

Vợ chồng ông Cụt Phò Quyền có 5 đứa con trai thì cả 5 đều đi làm vàng, trong đó 3 người con trai phải bỏ mạng nơi xứ người.
Vợ chồng ông Cụt Phò Quyền có 5 đứa con trai thì cả 5 đều đi làm vàng, trong đó 3 người con trai phải bỏ mạng nơi xứ người.

Ngày 12/4, khi anh em Sơn đang ở dưới hầm đào vàng thì căn hầm sập xuống, chôn vùi cả nhóm khiến 4 người tử vong. Ngoài 3 người con trai của ông Cụt Phò Quyền còn có 1 người quê Quảng Nam. Khi anh em Cụt Hải Sơn bỏ mạng ở hầm vàng thì người con trai thứ tư của ông Quyền là Cụt Văn Bình (SN 1995) cũng đang đi đào vàng cho một hầm vàng ở Khe Vinh (Nam Giang, Quảng Nam). Ở tách biệt nhau, lại không có sóng điện thoại nên mãi mấy ngày trước Bình mới biết tin dữ. “Nghe 3 anh em chết, em cũng về luôn. Sợ lắm, không muốn bỏ mạng ở bãi vàng mô”, Bình thảng thốt.

Theo Bình thì bãi vàng nơi anh ta làm việc có 18 người thì đến 16 người quê ở Kỳ Sơn, trong đó có 9 người ở xã Bảo Thắng, 3 người ở Phà Đánh… Cái chết của ba anh em Cụt Sơn Hải chỉ khiến một mình Bình khiếp sợ mà bỏ bãi trở về, 17 người còn lại vẫn bám trụ lại, tìm cơ hội đổi đời.

Sự thảng thốt vẫn hằn nguyên trên khuôn mặt Cụt Văn Bình sau cái chết dữ dội của 3 người anh em trai. Bình cũng vừa trở về từ một bãi vàng ở Quảng Nam.
Sự thảng thốt vẫn hằn nguyên trên khuôn mặt Cụt Văn Bình sau cái chết dữ dội của 3 người anh em trai. Bình cũng vừa trở về từ một bãi vàng ở Quảng Nam.

Cụt Sơn Hải, Cụt Phò Phèng, Cụt Văn Ngọ không phải là những người đầu tiên ở Kỳ Sơn bỏ mạng ở các bãi vàng ở Quảng Nam. Ngày 13/5, tại sông Bung thuộc xã La Êê, huyện Nam Giang, Quảng Nam cũng xảy ra một vụ sập hầm vàng khiến hai phu vàng tử vong. 1 trong hai nạn nhân là Bịt Văn Quang (SN 1993, trú tại xã Mỹ Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An). Đây là một hầm vàng khai thác trái phép nên khi vụ việc xảy ra, chủ bãi vàng đã dấu nhẹm thông tin bởi vậy mãi tới ngày hôm sau quan chức năng mới biết và triển khai lực lượng đến hiện trường tổ chức tìm kiếm thi thể các nạn nhân xấu số.

Lô Văn Thôn (SN 1995, trú bản Xao Va) rùng mình ớn lạnh khi kể về thời gian mình làm “phu vàng” ở Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam). Hồi đó, Thôn vừa học xong lớp 11, thấy người ta rủ đi làm vàng với lời hứa hẹn được trả công cao thế là đi.

Một góc bản Xao Va, nơi có đến 51/73 hộ dân thuộc diện hộ nghèo.
Một góc bản Xao Va, nơi có đến 51/73 hộ dân thuộc diện hộ nghèo.

Thôn kể: “Hồi đó được trả công 4 triệu/ tháng là lớn lắm, ở bản không việc chi kiếm ra được nhiều tiền rứa mô. Em đi đợt 1 là tháng 9/2011, đến khi về được trả 11 triệu. Về ăn Tết xong thì đi tiếp. Đến tháng 7/2012 thì hầm vàng chỗ em làm bị sập làm 2 người quê ở Hà Giang chết. Em sợ quá nên đòi về luôn. Lần đó được 29 triệu”.

Sau thời gian bỏ hầm vàng về quê, Thôn được tuyển đi lính. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì về bản làm thôn đội trưởng mỗi tháng được hỗ trợ 750 nghìn đồng. “Làm vàng thì nhiều tiền đó nhưng nguy hiểm lắm, không biết sống chết khi mô nên giờ có cho nhiều tiền hơn cũng không dám đi”, Thôn tâm sự.

Hoàng Lam

(Còn nữa)