Tài xế kiệt sức, xe buýt thành “hung thần”

Áp lực về lịch trình, thời gian đã khiến nhiều tài xế xe buýt tại Hà Nội và TPHCM phải phóng nhanh, vượt ẩu. Nhiều tài xế thừa nhận, họ luôn trong trạng thái mệt mỏi, thậm chí ngủ gật khi đang lái xe giữa phố đông người. Gần đây nhất có lái xe buồn ngủ đến mức xe lao cả lên vỉa hè mới tỉnh.

Chạy đến “kiệt sức”

Anh T, tài xế tuyến xe buýt số 01 (Long Biên - Hà Đông) bức xúc: “Quy định về thời gian ăn uống, nghỉ ngơi trong một ca đối với lái xe quá ít và không hợp lý. Trung bình mỗi lượt các lái xe chỉ được nghỉ không quá 5 phút, vì thế vào giờ làm việc làm sao mà tỉnh táo…”. 

Không chỉ anh T, những tài xế khác đều cho rằng họ phải chịu sức ép quá lớn về lịch trình chạy xe cũng như làm việc quá thời gian theo quy định.

Theo Quyết định của UBND thành phố Hà Nội định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt áp dụng từ ngày 30/6/2003 (đến nay vẫn chưa thay đổi), thời gian làm việc của một lái xe là 420 phút mỗi ngày. Số ngày làm việc một tháng là 24 ngày, một năm là 288 ngày.

Lái xe buýt là một nghề có đặc thù riêng nên Tổng Công ty vận tải Hà Nội lại ra quy định, để nhận được đủ lương cơ bản, mỗi lái xe phải chạy 24 công vận chuyển và kèm theo 2 công trực, thậm chí nhiều tài xế phải chạy tới 29-30 ngày mỗi tháng.

Thời gian làm việc của tài xế xe buýt thuộc Công ty xe buýt Hà Nội cũng quá sức. Ví dụ, lộ trình tuyến buýt 03 (Giáp Bát - Gia Lâm), áp dụng từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần, áp dụng từ ngày 1/10/2006, mỗi ngày phải thực hiện 194 lượt xe với 22 lái xe. Như vậy, mỗi lái xe phải chạy 9 lượt một ca.

“Với thời gian chạy mỗi lượt là 55 phút thì tổng thời gian một lái xe phải làm việc theo các lộ trình là 485 phút mỗi ngày. Nếu cộng với thời gian để chuẩn bị xe và đưa xe đến một trong hai đầu bến lấy khách, một ngày của lái xe của tuyến 03 chúng tôi là 535 phút”- một tài xế tuyến 03 phân tích.

Vừa chạy vừa ngủ

Theo các tài xế, chính áp lực về lịch trình chạy xe, về thời gian là nguyên nhân dẫn đến việc các lái xe phải chạy ẩu, quá tốc độ quy định. Anh P.T.D, tài xế tuyến 01 cho hay: “Chuyến đầu tiên trong ngày tôi xuất phát lúc 5h46 và phải về bến lúc 6h23. Với vỏn vẹn 37 phút để di chuyển hết chặng đường với 19 đèn xanh, đèn đỏ và 29 điểm dừng đỗ bắt trả khách. Đó là chưa kể đến đường đông, tắc đường…

Các lài xế cho biết, nếu chạy với tốc độ 20 km mỗi giờ đảm bảo 100% lái xe đều về bến chậm. Dù biết vi phạm quy định nhưng họ vẫn phải làm. Thà chạy nhanh để về bến đúng giờ còn hơn bị phạt hoặc phải chạy đuổi lịch xuất bến.

Anh T tài xế tuyến 01, cho biết họ phải làm việc liên tục không có nhiều thời gian nghỉ giữa giờ. Nhiều lúc mệt mỏi có người còn vừa điều khiển xe vừa ngủ gật. Gần đây nhất có trường hợp lái xe buồn ngủ đến mức xe lao cả lên vỉa hè mới tỉnh ngủ.

Lái xe buýt tại TPHCM: “Tôi chỉ được ngủ 5 tiếng mỗi ngày”

 

Có thâm niên hơn 25 năm ôm vô-lăng xe buýt, anh N.V.Q kể: “Tôi phải thức dậy lúc 4 giờ, 4 giờ 30 nhận xe và hoạt động liên tục đến 20, 21 giờ mới rời vô-lăng, nhiều hôm ngồi sau vô lăng mà mắt vẫn cứ muốn sụp xuống. Lái xe trong trạng thái mệt mỏi như vậy rất dễ gây tai nạn Chuyện cáu gắt (thậm chí ẩu đả) giữa tài xế với hành khách, người đi đường rất dễ xảy ra”.

 

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an TPHCM, trong 11 tháng đầu năm 2006 trên địa bàn TP đã xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe buýt, làm 5 người chết, 7 người bị thương... Trong đó, nguyên nhân chủ quan - tức phần lỗi thuộc về tài xế xe buýt chiếm 25%.

 

TPHCM đã sử dụng nhiều biện pháp xử lý nghiêm khắc - kể cả đuổi việc tài xế vi phạm và xem xét trách nhiệm liên đới của lãnh đạo đơn vị vận tải. Từ năm 2004 đến nay, đã có 1.438 tài xế bị xử lý. Riêng trong 11 tháng đầu năm 2006, có 775 tài xế bị kỷ luật.

 

Theo một số tài xế, một trong những nguyên nhân khiến họ phải phóng nhanh, vượt ẩu gây TNGT còn xuất phát từ quy định về giờ xuất bến, khoảng cách giữa hai chuyến của ngành giao thông công chánh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Theo Phạm Tuyên, Nguyễn Tú, Huy Thịnh
Tiền Phong