Tại sao tiền xu bị ruồng bỏ?

Chỉ sau một năm lưu hành, người dân có chiều hướng muốn tẩy chay tiền xu vì những lý do: không an toàn cho trẻ em, bất tiện để cất giữ và nặng nề. Nhiều nơi còn không chấp nhận tiền xu.

Trong khi đó Chính phủ đã ban hành Quyết định 130, nghiêm cấm việc từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, những ai từ chối tiêu dùng đồng tiền xu là trái với quy định của Nhà nước.

 

Tại sao lại có phản ứng tiêu cực từ phía người tiêu dùng đối với tiền xu ở Việt Nam trong khi tiền xu ở các nước khác lại hữu dụng không kém gì tiền giấy?

 

Tại Việt Nam, cả tiền giấy và tiền xu có chung một loại mệnh giá từ 200 đồng cho đến 5.000 đồng. Vì tiền xu cồng kềnh, dễ rơi vãi, lại nguy hiểm cho con trẻ, thì tại sao người ta lại phải sử dụng tiền xu? Cùng một mệnh giá, đã có giấy thì không có xu cũng là lẽ tự nhiên.

 

Ngoài ra, việc bố trí các máy bán hàng, thu tiền tự động hầu như chưa có. Như vậy, với sự bất tiện của tiền xu, không ai muốn đem theo cho nặng túi. Nếu lập luận cứ dùng đi, sẽ có máy thì chẳng khác nào “sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”.

 

Một điểm nữa quan trọng hơn hết là mãi lực của đồng tiền. Tiền xu Việt Nam có mệnh giá lớn nhất là 5.000 đồng, nhỏ nhất là 200 đồng. Không biết hiện nay có bao nhiêu loại hàng hóa có giá dưới 1.000 đồng? Và chắc là không có đơn vị hàng hóa nào có giá 200 đồng. Theo thời gian, không chóng thì chầy, tiền xu mệnh giá 200 đồng cũng sẽ bị cáo chung như tiền mệnh giá 100 đồng hiện nay hoặc như tiền xu mệnh giá 1 xu của Úc.

 

Tóm lại, tiền tệ là một thứ tài sản quốc gia, người dân tiêu dùng có trách nhiệm với đồng tiền theo tinh thần của luật pháp. Tuy nhiên, đồng tiền cũng là một thứ hàng hóa trao đổi, nó cũng phải chịu ảnh hưởng của quy luật cung cầu và trao đổi hàng hóa. Một khi nó đáp ứng được nhu cầu, thuận lợi cho tiêu dùng thì nó tồn tại và trở thành thiết yếu; còn một khi nó không có khả năng đáp ứng nhu cầu thì tự bản thân nó cũng đi vào quá trình đào thải.

 

Tiền xu ở nước ngoài có các đặc điểm sau:

1. Tiền xu và tiền giấy không có đồng thời hai mệnh giá tương đương, trừ ở Mỹ (tờ 1 đô la giấy). Nghĩa là từ 1 xu cho đến 2 đồng nếu đã là xu thì không giấy. Như vậy, khi trao đổi mua bán hàng hóa có mệnh giá nhỏ, chỉ có cách phải dùng tiền xu.

2. Tất cả các dịch vụ tự động hóa gần như 100% phải chi trả bằng tiền xu. Thí dụ như trạm điện thoại công cộng, máy bán hàng lẻ như bán nước, cà phê, máy bán quà bánh ăn vặt; đến máy thu tiền lệ phí cầu đường; máy bán vé tàu xe… Nếu không có tiền xu thì thật phiền phức.

3. Điều quan trọng nhất là mãi lực của tiền xu và tuổi thọ mãi lực dài. Hầu hết mệnh giá từ 2 đồng trở xuống đều có thể sử dụng để mua bán được nhiều thứ thiết yếu hàng ngày.

Tại Úc, vào hàng chạp phô hay tạp hóa, có thể tìm được hàng trăm món hàng trị giá dưới 5 đô la (giá một tô phở tại Úc trung bình là 7,5 đô la, so với Việt Nam là 10.000 đồng/tô). Rẻ hơn là một ổ bánh mì có 20 xu, hoặc cái kẹo, trái cây có thứ cũng chỉ 1 đô la/kg theo mùa. Nhiều hàng hóa niêm yết giá ở mức 1,15 hay 2,25 đồng…

Cũng tại Úc, tính trong thời gian chín năm, giá của một ổ bánh mì sandwich (20 lát cắt) tăng có 20 xu; giá gạo không những không tăng mà lại giảm xuống, có nơi giảm đến hơn 50 xu/kg!

 

 

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn