Tai nạn ám ảnh lái tàu

Gần đây, sau nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng gây chết người, nhiều người lái tàu hỏa rất hoang mang và lo âu mỗi khi cầm lái.

Một ngày sau vụ tai nạn tàu hỏa SE8 TPHCM - Hà Nội đâm xe ô tô xảy ra trên tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam khiến một người chết tại chỗ, chúng tôi gặp lái tàu Phương Thành Đại (SN 1967) - người điều khiển đoàn tàu nói trên.

Anh Đại vẫn chưa hết bàng hoàng bởi đúng vị trí vừa xảy ra tai nạn, cách đây 2 tuần, đồng nghiệp của anh là anh Trương Xuân Thức đã có hành động dũng cảm để cứu 350 hành khách thoát nạn, bản thân anh Thức bị tàn tật, một cánh tay bị cắt đến tận khuỷu.

“Đến đoạn đường “tử thần” này mình đã chú ý, đề phòng nhưng tài xế ô tô quá bất cẩn, cứ lao qua đường sắt dù tàu hỏa đang rú còi, lao tới”, anh Đại buồn rầu.

Căng thẳng từng phút

Vụ tai nạn nói trên làm ô tô do tài xế Nguyễn Hải Âu (SN 1969) điều khiển bị hất văng sang một bên, cabin bẹp dúm. Còn anh Âu chết tại chỗ.

Nhưng theo những người lái tàu lâu năm, nếu chiếc xe tải trên cũng nằm chắn ngang đường sắt như vụ tai nạn trước đó (ngày 6/8) thì có thể nhiều toa tàu của đoàn tàu SE8 chở trên 400 hành khách phải lật nghiêng. “Lúc đó, hậu quả sẽ khôn lường” - anh Đại nhớ lại.

Sau khi đoàn tàu dừng hẳn và biết tài xế ô tô đã chết, phải cố gắng trấn tĩnh lắm, anh Đại mới tiếp tục điều khiển đoàn tàu về Hà Nội.

Đó không phải lần đầu anh Đại có cảm giác day dứt vì những cái chết thương tâm. Cách đây vài năm, khi điều khiển tàu qua địa bàn tỉnh Quảng Trị, một người điều khiển xe máy không quan sát lao ngang đường sắt cũng bị đoàn tàu do anh điều khiển đâm chết tại chỗ...

Anh Đại dẫn tôi vào khoang đầu tàu SE8 đang nằm trong xưởng sửa chữa. Toàn bộ phần kính trên đầu tàu bị rạn nứt, một số chỗ bị móp méo do húc thẳng vào chiếc ô tô tải.

“Khi chạy tàu, cánh lái tàu chúng tôi phải huy động hết các bộ phận của cơ thể để lái đấy”, nói rồi anh Đại ngồi vào chỗ quen thuộc chỉ dẫn: Tay phải luôn phải cầm vô lăng, tay trái cầm cần hãm, chân phải thường trực bấm còi, trong khi chân trái cứ 30 giây phải nhấn vào nút chống ngủ gật.

Không những thế, trên suốt hành trình mắt thường trực hướng về phía trước và cùng phụ lái “hô - đáp”: “Chú ý đường ngang”, “an toàn”...  

Tai nạn ám ảnh lái tàu - 1
Tài xế tàu hỏa phải điều khiển tàu trong môi trường nguy hiểm như thế này.
 
Ông Hoàng Ngọc Trìu, Phó Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho biết, làm nghề lái tàu hỏa ở Việt Nam rất khó tránh khỏi những vụ va quệt, tai nạn bởi ý thức chấp hành an toàn đường sắt của người dân quá thấp, trong khi nhiều nơi, đường sắt như chạy trên sân nhà người dân, đường ngang dân sinh “mọc” lên khắp nơi.

Bản thân ông Trìu khi còn cầm vô lăng tàu hỏa cũng không tránh khỏi những vụ tai nạn, có vụ làm chết người mà đến giờ ông không thể nào quên.

Những cái chết thương tâm

Ông Trìu kể để trở thành một lái tàu phải mất ít nhất 9 - 10 năm miệt mài học tập, rèn luyện. Trong đó, phải lái phụ 5-6 năm, phải bảo đảm số km phụ lái an toàn, không vi phạm kỷ luật mới được xí nghiệp xét duyệt hồ sơ gửi Cục Đường sắt Việt Nam sát hạch thành lái tàu chính.

Ngoài ra, mỗi năm, các lái tàu đều phải qua một đợt kiểm tra hết sức khắt khe. “Những lái tàu không đạt tiêu chuẩn, không đáp ứng yêu cầu đều không được cầm lái”, ông Trìu cho biết.

Trên chặng đường sắt Bắc - Nam, đoạn Hà Nội - Thanh Hóa được coi là cung đường nguy hiểm bởi ở khu vực này, đường sắt chạy qua khu dân cư, đường ngang dân sinh dày đặc như mạng nhện.

Lái tàu Đỗ Văn Tuy đã có 13 năm lái tàu, kể về câu chuyện mà đến giờ vẫn khiến anh rùng mình và nếu không được sự động viên của đồng nghiệp, có thể anh đã giải nghệ.

Vào một buổi chiều của năm 2009, khi đang điều khiển tàu qua địa bàn huyện Diễn Châu, Nghệ An, một đôi nam nữ không đội mũ bảo hiểm, để tránh CSGT đã đột ngột rẽ từ đường dân sinh vào đường sắt.

Anh Tuy nhớ mãi tiếng hét xé tai của cô gái ngồi sau khi phát hiện đoàn tàu lao tới. Sau này, biết được nạn nhân là đôi trai gái chuẩn bị cưới nhau, anh Tuy không khỏi nghẹn đắng.

“Cách đây 3 tháng, một thanh niên đã nhảy vào đứng trước mũi tàu tôi điều khiển. Tôi không sao quên được ánh mắt quyên sinh của người thanh niên ngắn số đó” - anh Tuy nhớ lại.

Mấy năm qua, sau những vụ tai nạn, đã có hơn chục lái tàu làm đơn xin bỏ nghề. Họ đã không thể chịu nổi nỗi dằn vặt ghê gớm dù những cái chết đó không có lỗi của họ.

Điển hình như vụ tàu hỏa húc văng ô tô chở đoàn cựu chiến binh đang trên đường về thăm lại chiến trường xưa cách đây vài năm khiến 12 người thiệt mạng. Khoảng cách quá gần khiến lái tàu Nguyễn Tiến Đức không thể hãm phanh, đoàn tàu lao thẳng vào chiếc ô tô đang bị chết máy nằm giữa đường ray.

Những ánh mắt thất thần của những cựu chiến binh nhìn qua cửa kính đã ám ảnh anh Đức đến giờ. Sau vụ tai nạn, trở về Hà Nội, Đức dứt khoát xin nghỉ lái bởi không chịu nổi nỗi day dứt đó.

Theo ông Hoàng Ngọc Trìu, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội hiện có 400 lái tàu chính và phụ đảm nhiệm cung đường sắt Bắc - Nam đoạn từ Hà Nội đi Quảng Bình và ngược lại.

Tất cả số lái tàu này đều gặp tai nạn tàu hỏa. Sau mỗi vụ tai nạn chết người, xí nghiệp phải chủ động cho anh em nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng tinh thần.

Theo Phùng Kha
NLĐ