Thanh Hóa:

Sử dụng điện vượt định mức, chủ tịch xã phải bỏ tiền túi trả

(Dân trí) - Một quy chế về việc sử dụng điện tại cơ quan công sở xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đã được đặt ra. Theo đó, nếu phòng ban nào sử dụng quá số điện quy định thì cán bộ phải tự bỏ tiền túi ra thanh toán phần chênh lệch.

Theo quy định của UBND xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, để sử dụng tiết kiệm điện, chống lãng phí, địa phương này đã tổ chức Hội nghị cán bộ, nhân viên của đơn vị để triển khai. Hội nghị đã đi đến thống nhất phương án lắp đặt tại mỗi phòng một công tơ và giao khoán mức sử dụng điện cụ thể.

UBND xã Vĩnh Long đã áp dụng mô hình tiết kiệm điện và có mức quy định cụ thể
UBND xã Vĩnh Long đã áp dụng mô hình tiết kiệm điện và có mức quy định cụ thể

Mức điện được đưa ra đối với mỗi phòng làm việc là 100.000 đồng/tháng. Mức tiêu thụ điện này đã được tính toán trên cơ sở phù hợp và đáp ứng cho nhu cầu công việc của các phòng ban.

Theo phương án được UBND xã Vĩnh Long đưa ra, đến kỳ cuối tháng, nếu phòng nào sử dụng quá định mức 100.000đ/tháng thì cán bộ phải tự bỏ tiền túi ra để thanh toán phần chênh lệch.

Phương án này đã được triển khai từ đầu năm 2016, tất cả 14 phòng của UBND xã Vĩnh Long, từ phòng Bí thư đảng ủy cho đến Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND xã cũng như các phòng của cán bộ, bộ phận khác đều được lắp công tơ.

Để việc thực hiện tiết kiệm điện khoa học, chống lãng phí, UBND xã đã xây dựng quy chế chung và giao cho Văn phòng UBND xã cuối tháng tổng hợp số lượng sử dụng điện của từng phòng.

Số lượng điện sử dụng được tính thành tiền theo giá của ngành điện, nếu phòng nào vượt quá số tiền 100.000đ thì trực tiếp thu tiền của phòng đó, không phân biệt lãnh đạo hay nhân viên. Toàn bộ số tiền thu được từ việc sử dụng điện vượt quy định sẽ nộp về quỹ sử dụng điện của UBND xã để trả cho ngành điện.

Ông Hoàng Văn Lơi, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Long cho biết: “Hàng năm, ngành điện đều có thông báo và tuyên truyền tiết kiệm điện, chống lãng phí. Xuất phát từ đó, chúng tôi nhận thấy, cán bộ phải làm gương trước thì khi tuyên truyền xuống dân dân mới phục mà làm theo”.

Cũng theo ông Lơi, từ khi lắp công tơ cho từng phòng, cả bản thân ông cũng như những cán bộ khác luôn tuân thủ nguyên tắc ra khỏi phòng phải tắt tất cả các thiết bị điện, hoặc tắt những thiết bị điện không cần thiết.

Mỗi phòng được lắp 1 công tơ, nếu sử dụng quá số tiền điện quy định thì cán bộ tự bỏ tiền túi ra trả phần chênh lệch
Mỗi phòng được lắp 1 công tơ, nếu sử dụng quá số tiền điện quy định thì cán bộ tự bỏ tiền túi ra trả phần chênh lệch

Ông Vũ Đình Viên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long, cho biết: Sau thời gian thực hiện lắp công tơ, giao khoán mức sử dụng điện thì tiền điện mỗi tháng của UBND xã đã giảm phần nào. Đặc biệt là ý thức của từng cán bộ được nâng cao, không còn tình trạng để các thiết bị điện hoạt động mỗi khi rời phòng làm việc.

Bản thân ông Viên nếu có tháng nào sử dụng quá 100.000 đồng tiền điện trong phòng thì cũng tự giác bỏ tiền túi ra trả phần chênh lệch.

Đánh giá về mô hình tiết kiệm điện nêu trên, bà Vũ Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết, đây là đơn vị xã đầu tiên có cách làm hay mà những đơn vị khác trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc nên học tập. Việc tiết kiệm điện, chống lãng phí cũng nên bắt đầu từ chính cán bộ thì khi triển khai xuống người dân mới nể phục mà noi theo.

Duy Tuyên