Sống mòn ở bản có hơn nửa số hộ nghiện thuốc phiện

(Dân trí) - Bản Nậm Củm, xã Bum Nưa (huyện Mường Tè, Lai Châu) có 29 hộ thì có tới 28 hộ nghèo và 17 hộ có người nghiện thuốc phiện. Tình trạng nghiện thuốc phiện và rượu khiến những con người nơi đây đang “chết dần” trong sự sống mòn mỏi.

 

Bản Nậm Củm, có 29 hộ thì có tới 17 hộ có người nghiện thuốc phiện
Bản Nậm Củm, có 29 hộ thì có tới 17 hộ có người nghiện thuốc phiện

 

Nghiện vì dùng thuốc phiện để chữa bệnh?

Bản Nậm Củm cách trung tâm xã Bum Nưa khoảng 7km, cách trung tâm huyện Mường Tè chừng 10km, giao thông khá thuận lợi, có đường nhựa đi tới tận bản, trường học được xây dựng kiên cố; hệ thống điện, nước khá đồng bộ… Nhưng có 1 điều không bình thường ở Nậm Củm là trong số 29 hộ dân là người dân tộc Mảng với 162 nhân khẩu, thì có tới 17 hộ có người nghiện thuốc phiện. Không chỉ nghiện thuốc phiện, tình trạng nghiện rượu, nát rượu nơi đây cũng khá phổ biến.

 

Chị Đôn đang chăm sóc đứa con út của mình
Chị Đôn đang chăm sóc đứa con út của mình

 

Chị Lò Thị Đôn (32 tuổi) cho biết, chị đã nghiện thuốc phiện được hơn 4 năm, chồng chị kém 1 tuổi nhưng cũng nghiện được trên 3 năm. Kinh tế của vợ chồng chị Đôn chỉ trông chờ vào vài sào ruộng nương, kiếm củi và đi lấy hoa lan trên rừng để bán. Nhưng tình trạng nghiện ngập khiến cuộc sống của vợ chồng chị Đôn đi đến tận cùng của đói nghèo. Gia đình chị có 4 đứa con, đứa lớn nhất năm nay 10 tuổi, đứa bé nhất mới 6 tháng tuổi. Những đứa trẻ này đang nheo nhóc sống nhờ sự may rủi của “ý trời”, vì bản thân bố mẹ chúng cũng đang “chết dần” vì thuốc phiện.

“Mình đau răng mọi người nói hút thuốc phiện sẽ khỏi, thế là mình hút và cũng thấy nó hết đau. Hút nhiều lần thế là mình nghiện nó mất. Mỗi ngày 2 vợ chồng mình hút hết 80.000 - 100.000 đồng, mình đi hái phong lan, đi làm thuê để mua thuốc phiện. Hôm nào không có tiền mua thuốc phiện thì đành chịu, lại lấy rượu ra uống cho quên cái thuốc phiện đi…” – chị Đôn cho biết.

Ánh mắt lờ đờ, giọng có phần méo đi, bước chân xiêu vẹo vì đang phê rượu, Lò Thị Thủy (23 tuổi) dẫn chúng tôi về thăm nhà mình. Nói là nhà nhưng thực sự nó giống như chiếc lều được quây tạm bằng những tấm phên nứa, may mắn phía trên có lợp bằng tấm tôn, Thủy cho biết đã dành dụm nhiều tháng trời mới có 2 triệu đồng để mua “căn nhà” này.

 


Căn nhà của Thủy

"Căn nhà" của Thủy

 

Sống mòn ở bản có hơn nửa số hộ nghiện thuốc phiện - 4

 

Thủy trước đây được coi là “hoa khôi” của bản vì có dáng dấp dong dỏng cao, khuôn mặt dễ nhìn, lại học đến tận lớp 11. Nhưng rồi Thủy nghỉ học, lấy chồng hơn mình vài chục tuổi, có thời gian nghiện thuốc phiện 28 năm. Kể từ đó “bóng ma thuốc phiện” cũng bắt đầu bao vây Thủy. Trong 1 lần bị bệnh dạ dày, chồng bảo hút thuốc phiện sẽ hết đau thế là Thủy cũng nghiện thuốc phiện từ thời điểm đó.

Thuốc phiện như “cơn gió độc” khiến Thủy trở lên tiều tụy, gầy guộc, gia đình rơi vào cảnh nghèo đói xơ xác. Vợ chồng Thủy ngoài làm nương còn lên rừng kiếm củi và hoa lan để bán lấy tiền, nhưng được bao nhiêu tiền đều “đốt” vào thuốc phiện. Ý thức được sự nghèo đói nên sinh được 1 đứa con, Thủy đã chủ động triệt sản để không sinh con nữa vì không nuôi được.

“Ở đây mọi người toàn dùng thuốc phiện đen chứ không dùng heroin như nơi khác. Bọn mình mua thuốc phiện của người ngoài bản mang tới. Trước đây nhà mình còn có bàn đèn, người lạ đi vào mượn bàn đèn để hút, nếu là người tốt, họ để lại cho cái sái thuốc phiện để mình hút lại cho đỡ thèm. Nhưng nhiều người họ hút nhờ xong, họ mang cả sái đi, mình cũng chẳng có cái mà hút” – Thủy hồn nhiên kể.

 

Chị Hiền ôm đứa con nhỏ của mình trong ngày đông giá rét
Chị Hiền ôm đứa con nhỏ của mình trong ngày đông giá rét

 

Trường hợp của chị Lò Thị Hiền (24 tuổi) cũng không khác nhiều so với 2 trường hợp kể trên, chị Hiền “dính” vào thuốc phiện ban đầu cũng dùng để chữa bệnh, sau đó nghiện. Gia đình chị có 3 đứa con, nguồn lương thực trông chờ vào 5 sào ruộng nương và đi làm thuê. Nhưng thuốc phiện cũng khiến gia đình chị rơi vào tận cùng của đói nghèo.

“Chồng mình cũng nghiện nhưng nó đi làm thuê ở xa, tháng mới về 1 lần. Mình cũng cấy lúa, nhưng nếu con trâu người Thái không phá thì 1 sào mình cũng được 5-6 bao, còn không chỉ được 1-2 bao thôi. Gạo không đủ ăn, bọn mình còn được gạo của chính phủ cấp 1 năm 2 lần nữa mà, thiếu thì bọn mình ăn thêm khoai, sắn” – chị Hiền cho biết.

Tuy nhiên, những người nghiện nói trên cho biết, giờ mua thuốc phiện khó khăn hơn rất nhiều do công an làm chặt chẽ. Mặt khác, những người nghiện trong bản đã bắt đầu giác ngộ từ bỏ thuốc dần thuốc phiện chuyển sang uống Methadone - 1 dạng thuốc gây nghiện khác, ít hại hơn, lại được Nhà nước cấp miễn phí.

Bán cả gạo trợ cấp đi mua thuốc phiện

Vào bản Nậm Củm, chúng tôi tới thăm nhà trưởng bản Lò Y Van – người làm trưởng bản gần 30 năm tại đây, hộ duy nhất trong bản không thuộc diện hộ nghèo. Khi hỏi vì sao không phải hộ nghèo, trưởng bản này hồn nhiên đáp “vì họ không cho vào hộ nghèo (cười)”.

 

Trưởng bản Lò Y Van trò chuyện với PV Dân trí
Trưởng bản Lò Y Van trò chuyện với PV Dân trí

 

Trưởng bản Lò Y Van cho biết: “Trước đây tình trạng nghiện thuốc phiện trong bản nhiều lắm, rộ lên từ năm 2000. Người nghiện thuốc phiện cứ nằm vật vạ ở nhà không chịu đi làm, hết thuốc phiện là quay ra uống rượu. Nhưng từ khi Nhà nước quan tâm đến người nghiện cho uống thuốc Methadone thay thế thuốc phiện từ đầu năm 2015, nên những người nghiện có cuộc sống khá lên, họ không còn phải mất tiền mua thuốc phiện nữa. Nhưng những người nghiện nặng họ vẫn hút thuốc phiện vụng trộm. Thời gian gần đây tình trạng trộm cắp gà, chó, lợn…trong bản đã giảm hẳn đi”.

Cũng theo trưởng bản Lò Y Van, người dân nơi đây 1 năm được nhà nước trợ cấp gạo 2 lần vào dịp giáp tết và ngoài tết. Nhưng nhiều hộ đã dùng cả gạo trợ cấp để nấu rượu uống, đặc biệt gia đình có người nghiện còn mang gạo đi bán để lấy tiền mua thuốc phiện. Hiện trong bản Nậm Củm có 3 phụ nữ phải đi tù vì liên quan đến buôn bán ma túy, 6 người mới đi tù về cũng do ma túy.

 

Người phụ nữ này cho biết, cứ 10 ngày là lại nấu 1 nồi rượu to như vậy. Gạo nấu rượu cũng rất tốn kém, có khi dùng cả gạo trợ cấp của Nhà nước để nấu rượu.
Người phụ nữ này cho biết, cứ 10 ngày là lại nấu 1 nồi rượu to như vậy. Gạo nấu rượu cũng rất tốn kém, có khi dùng cả gạo trợ cấp của Nhà nước để nấu rượu.

 

Một cán bộ y tế nơi đây cho biết, có gia đình trong bản bữa cơm chỉ có 1 đĩa rau lá sắn mà uống hết 3 chai rượu, mỗi chai 1,5 lít.

Chuẩn bị chia tay Nậm Củm, bác sĩ Tình – cán bộ của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Lai Châu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vui: “Hôm trước vào bản, em Thủy (nhân vật Thủy nói ở trên - PV) nói: “Nay có chút mồi ngon, cán bộ cho xin 10.000 nghìn để mua chai rượu”, mình hỏi “thế mồi ngon là gì, em nó nói là có đĩa rau dớn”.”.

 

Khi thấy người lạ vào bản, nhiều người cứ ra cửa nhà ngồi nhìn theo nhưng không nói gì...
Khi thấy người lạ vào bản, nhiều người cứ ra cửa nhà ngồi nhìn theo nhưng không nói gì...

 

Một người đàn ông say rượu đi xiêu vẹo về nhà
Một người đàn ông say rượu đi xiêu vẹo về nhà

 

Câu chuyện của bác sĩ Tình khiến mọi người trong đoàn ai nấy đều cười xót xa. Những phận người nơi đây đang phải “vật vờ” sống trong sự đói nghèo và tình trạng nghiện ngập triền miên, họ và những đứa con của họ đang “chết dần” trong sự sống.

Nguyễn Dương