Sống hồn nhiên trong "cơn bão AIDS"

(Dân trí) - Khi căn bệnh thế kỷ đang hoành hành dữ dội trên mảnh đất này, mỗi năm cướp đi gần 30 sinh mạng, thì chính những người dân nơi đây lại cứ hồn nhiên sống - chẳng màng quan tâm đến “con ết”.

Sống hồn nhiên trong cơn bão AIDS
Đ. vẫn không biết mình đã nhiễm HIV/AIDS nên khái niệm phòng chống cho vợ cũng không tồn tại

Câu chuyện rùng mình của Phó trạm y tế 

Trước khi xâm nhập các bản AIDS ở xã vùng cao Đồng Văn (Quế Phong, Nghệ An), chúng tôi đã được một số người dân bản địa rào trước cản sau, rằng: người nhiễm “H” nhiều vô kể, các bản ở đây sắp hết thanh niên vì “ết” cả rồi… Dù đã hiểu rõ cơ chế lây lan của căn bệnh thế kỷ, nhưng quả thật tôi cũng không thể bình tâm mà đi vào giữa cơn bão AIDS. Một chị cán bộ phụ nữ xã mách nước “Không có công an, vào nhà có người AIDS khó lắm, họ không tiếp xúc, nói chuyện với mình đâu”... Hỏi về số lượng người nhiễm H trên địa bàn xã, cán bộ phụ nữ lẫn công an xã đều lắc đầu “không nắm được”.

Ông Vi Thanh Hà - Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Đồng Văn buồn bã kể: Hiện tại, trong danh sách mà các trung tâm xét nghiệm chuyển về thì trong năm 2010, toàn xã phát hiện 52 trường hợp dương tính với vi rút HIV/AIDS. Tháng 1/2011 có đoàn xét nghiệm của tỉnh lên, phát hiện thêm được 13 trường hợp nữa. “Lâu lắm rồi không thấy đoàn nào lên nên hiện giờ trạm cũng không nắm rõ lắm. Danh sách họ chuyển về cho trạm là vậy nhưng trong thực tế chắc chắn còn lớn hơn vì nhiều người sau khi chồng chết cũng không đi xét nghiệm bởi họ không quan tâm đến căn bệnh xã hội này”.

Sống hồn nhiên trong cơn bão AIDS

Dù chồng và cả bố chồng đều đã chết vì căn bệnh thế kỷ nhưng Hà Thị Hương vẫn không biết "ết" là gì

Chúng tôi toát cả mồ hôi hột khi thấy cây bút của ông Hà mãi tích vào danh sách dài ngoẵng - Một dấu phết mực buông tức là một người đã ra đi mãi mãi vì căn bệnh thế kỷ này. Chỉ trong năm 2010 - 2011, xã Đồng Văn đã có 21 người chết vì “ết”, còn năm 2012, chưa có thống kê cụ thể nhưng ông phó trạm áng chừng cũng đã có khoảng hơn 10 người.

“Có nhà chết gần hết rồi, tất cả đều nhiễm HIV, trừ đứa con gái đầu lòng đang học lớp 5” - ông Hà nói về căn bệnh "thường ngày” ở đây. “Năm 2011, ông chồng L.V. Đ (bản Huôi Muồng) phát hiện nhiễm “ết” và chết sau đó ít lâu. Đến cuối năm 2011 đến lượt thằng con 2 tuổi. Đầu năm 2012 này, chị vợ cũng mất vì lây nhiễm từ chồng. Giờ chỉ còn có con bé LTV (12 tuổi) sống với ông nội nữa thôi. Có nhà cả bố lẫn còn chết cách nhau có 2 ngày vì bị AIDS, có nhà cả hai anh em ruột đang sống lay lắt... Hầu hết là lây nhiễm do tiêm chích ma túy cả”.

Sống hồn nhiên trong cơn bão AIDS

Dù rất lo lắng mình đã nhiễm HIV từ chồng nhưng chị T lại không có tiền để đi xét nghiệm

Chuyện ông phó trạm kể khiến chúng tôi không khỏi rùng mình bởi sự khốc liệt của cơn “bão ết” quét qua vùng biên này, để lại những hậu quả quá nặng nề ở xã được xem là nghèo nhất nhì tỉnh Nghệ An. Trong danh sách do trạm cung cấp, một điều dễ nhận thấy là số người nhiễm “H” hầu hết ở thế hệ 8X, 9X và đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Không đi xét nghiệm vì không có tiền

"Bão AIDS” hoành hành vùng biên khiến nhiều người có trách nhiệm không khỏi lo lắng, quan ngại thế nhưng đối với hầu hết những bệnh nhân “ết” và người nhà của họ, dường như chẳng mấy ai bận tâm về căn bệnh này.

Căn nhà của chị H. (SN 1991, tại bản Na Chảo) như trống rỗng bởi vật dụng đáng giá nhất chỉ là 2 chiếc giường xập xệ. Chồng chị H. và bố chồng chết cách nhau có 2 ngày hồi cuối tháng 4 vừa qua. H. nghe người ta nói là chồng mình chết vì bệnh AIDS chứ bản thân Hương cũng chẳng biết “ết” là gì.

Sống hồn nhiên trong cơn bão AIDS

Nhiều đàn ông ở xã Đồng Văn đã chết vì AIDS, gánh nặng cuộc sống dồn sang đôi vai những người phụ nữ

Chồng chị H là con nghiện lâu năm, khi hút, hít không đủ phê, đã chuyển sang chích. Chồng chị dùng chung kim tiêm với nhiều người khác nên chuyện gì đến cũng sẽ đến. Lúc phát hiện nhiễm AIDS cũng là khi con trai của hai người tròn 1 tuổi. Chỉ biết là căn bệnh đáng sợ nhưng đáng sợ như thế nào thì cả chồng và vợ đều không biết, bởi vậy khái niệm phòng tránh lây nhiễm cũng là điều quá mơ hồ. Buồn hơn, khi quyết tâm cai nghiện và dứt cơn được tròn 1 tháng thì chồng H. chết. Hai ngày sau thì bố chồng H. cũng theo con, cũng một nguyên nhân mắc AIDS vì chích ma túy.

Tôi hỏi H. về AIDS, cô chỉ cười rồi lắc đầu “không biết”. Hỏi có sợ mình mang bệnh từ chồng không, cô cũng lắc đầu. Giảng giải một lúc, dường như chớm hiểu ra vấn đề, cô bảo sắp tới sẽ đưa cả mình và con đi xét nghiệm nhưng rồi lại lưỡng lự “chưa có tiền, không đi được”.

Rời nhà H,, chúng tôi đến nhà anh Đ. ở cùng bản. 23 tuổi nhưng trông Đ. như người đã qua dốc phía bên kia cuộc đời. Đ. nằm vật ra phản, phơi cơ thể chỉ xương là xương rồi thở dốc. Dụi mắt ngồi dậy, nhìn ra đường, Đ. nói: “Em không nghiện, chỉ chích có mấy lần thôi”. Nhiễm “ết” như thế nào, Đ. không biết, mà “ết” đáng sợ thế nào cũng không cần hay nên chẳng cần biết phải phòng tránh như thế nào, khi nào vui vẫn hồn nhiên bắt vợ "chiều".
 
Mà chị Y - vợ Đ. sinh năm 1992 cũng hồn nhiên chẳng kém chồng, chưa bao giờ biết bao cao su là gì dù rằng Y. cũng nghe đâu đó bảo con “ết” đáng sợ lắm... Hỏi lỡ nếu một mai hai vợ chồng đều bị "con ma ết" bắt đi, ai nuôi con? - Y. cười, cái cười méo xệch, câm lặng... Em trai của Đ. cũng đang lay lắt trong những ngày cuối đời cùng vợ và 2 đứa con nhỏ. Cái chết cận kề mà chính họ cũng như cả bản này đều không quan tâm!

Chợt nhớ câu chuyện của anh Bính - kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm Quế Phong kể. Đồng bào nghĩ rằng con “ết” là con sâu chui vào bụng làm mình đau nên rủ nhau uống rượu để giết “con sâu ết”... Không biết câu chuyện của anh Bính thật hay đùa nhưng nghe đến xót xa. Cán bộ phụ nữ xã Đồng Văn còn cho biết một thực trạng đang tiếp diễn - một số phụ nữ có chồng chết vì AIDS vài tháng sau lại thấy sống chung như vợ chồng với người đàn ông khác. Nếu tình trạng này có thật thì không hiểu vài ba năm nữa danh sách của ông Phó trạm y tế kê sẽ kéo dài đến đâu?

Trong những người tôi đã gặp chỉ có chị T. là rơi nước mắt, lo lắng cho số phận mình và các con. Trần Thị T. sinh năm 1981 nhưng trông già sọm như người qua 50 tuổi. Khuôn mặt đen đúa khắc khổ nhễ nhại mồ hôi vì phải vác một bó củi to từ trên núi xuống. Từ hồi chồng mất, tất cả mọi công việc nặng nhọc trong nhà đều một tay T. lo: “Anh ấy đi khám dưới Nghĩa Đàn (Bệnh viện đa khoa Tây Bắc Nghệ An - PV), người ta bảo nghi nhiễm HIV, em chỉ nghe anh chị đằng nhà chồng nói lại thế thôi chứ không biết đích xác được. Giờ anh chết rồi, em sợ lắm. Sợ mình bị lây từ chồng, sợ đứa con cũng bị nhiễm H nhưng chưa có tiền đi xét nghiệm. Nếu con em cũng nhiễm AIDS thì tội lắm, nhưng nếu chỉ mình em nhiễm thì nó sống với ai…”. Câu hỏi của T. buông giữa lưng chừng núi...

Bao nhiêu đàn ông trai tráng ở vùng biên này đã và đang tự tìm đến cái chết bởi cơn lốc ma túy và sự thiếu hiểu biết . Còn bao nhiêu người vợ trẻ sớm phải chịu cảnh góa bụa? Bao nhiêu đứa trẻ rơi vào cảnh mồ côi? Bao nhiêu người còn ngây thơ như Hương, như Yên? Bao nhiều người phụ nữ phải phấp phỏng lo sợ như chị T.? Tôi hiểu vì sao ông Trạm phó Trạm y tế xã Đồng Văn lại mong mỏi có đoàn về tổ chức xét nghiệm cho người dân toàn xã đến thế...

Hoàng Lam