Sống giữa Thủ đô, 48 tuổi 14 lần sinh nở... tại nhà

(Dân trí) - Đến đầu xóm Cổ Bản (phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội), chỉ cần hỏi nhà đông con nhất thì ai cũng biết và hào hứng tranh nhau kể những câu chuyện liên quan đến "gia đình nhiều con nhất Hà Nội" này.


Người phụ nữ 48 tuổi có vẻ ngoài như 60 bởi đã trải qua 14 lần sinh nở và phải gánh vác một cuộc sống quá khốn khó.

Người phụ nữ 48 tuổi có vẻ ngoài như 60 bởi đã trải qua 14 lần sinh nở và phải gánh vác một cuộc sống quá khốn khó.

"Nghèo rớt mùng tơi" vẫn sinh con liên tục

Từ nhiều năm nay, gia đình bà Đặng Thị Hải (48 tuổi), ông Ngô Doãn Năm đã quá “nổi tiếng” với 14 đứa con ra đời liên tiếp. Đầu năm 2016, ông Năm mất do bệnh hiểm nghèo, gánh nặng mưu sinh dồn lại hết cho bà Hải.

Mới 48 tuổi, bà Hải đã sinh 8 người con trai và 6 người con gái, đứa lớn nhất sinh năm 1990, còn đứa út sinh năm 2011. Hiện tại có 4 người con của bà đã lập gia đình và bà đã có cháu nội.

Bà Hải kể: “Cô lập gia đình năm 1988 do mai mối, lúc đó mới 19 tuổi. Gia đình chú Năm cũng chẳng khá giả gì. Cưới nhau xong không có đất ở, hai vợ chồng nghèo phải dắt díu nhau ra ngoài đê dựng tạm căn lều để ở.

Thời gian đầu khổ lắm, miệng ăn hai vợ chồng còn không đủ huống chi là nuôi con. Ấy vậy mà thời gian ở căn nhà tạm ngoài đê cô đẻ hẳn 4 đứa, xong vẫn nuôi được.

Mãi sau này, anh em trong gia đình thương xót cho hoàn cảnh của cặp vợ chồng nghèo, con cái nheo nhóc, họ họp bàn và thống nhất chia cho nhà cô một mảnh đất nhỏ khoảng 30m2 ở giữa xóm Cổ Bản”.

Tính trung bình, cứ 2 năm người đàn bà 48 tuổi ấy lại sinh một lần, cũng có những lần đứa sau chỉ cách đứa trước 1 năm. Điều đặc biệt là tất cả 14 lần sinh ấy đều không ở các cơ sở y tế mà sinh ngay... tại nhà.


Đứa con trai thứ 8 của bà Hải giúp mẹ làm việc.

Đứa con trai thứ 8 của bà Hải giúp mẹ làm việc.


Cuộc sống quay cuồng với guồng quay mưu sinh nuôi con của bà Hải.

Cuộc sống quay cuồng với guồng quay mưu sinh nuôi con của bà Hải.

Đông con khiến cảnh nghèo càng nghèo hơn. Ngoài việc hằng ngày đi làm để chạy ăn từng bữa cho 14 đứa con, bà Hải còn tự tăng gia sản xuất trên một bãi đầm phá do hai vợ chồng bà tự canh tác.

Kể từ khi chồng mất, bà Hải còn nhận thêm việc trông đàn vịt gần 200 con cho người cháu để kiếm thêm thu nhập.

Bà Hải kể, hàng ngày bà đi làm, đến thời gian để ăn một bữa cơm hẳn hoi cũng không có. Những hôm bận việc quá, bà chỉ kịp về nhà ăn vội một bát cơm nguội rồi lại phải chạy ra đầm.

Đi làm về, rảnh phút nào là bà lại lao vào thu dọn nhà cửa, chăm sóc cho bọn nhỏ, rồi lại lao ra đầm trông coi. Có những hôm đến 10h đêm bà vẫn phải đi cắt cỏ cho cá.

Cuộc sống khốn khó, lại quá đông con nên bà Hải không thể chăm lo cho các con được học hành tử tế. Hiện tại có 6 đứa con của bà Hải đang đi học song con học như thế nào bà cũng không quản nổi.

Hàng ngày, mấy đứa lớn theo mẹ ra ao mò cua, bắt ốc, cất lưới, đánh cá tôm. Những đứa bé ở nhà tự chăm nhau, đứa lớn hơn chăm đứa nhỏ... Cuộc sống bởi vậy cứ nghèo từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Cuộc sống của người đàn bà 14 con ở Hà Nội

"Không chịu kế hoạch hóa gia đình"

Ông Nguyễn Đình Bằng, 49 tuổi, hàng xóm của bà Hải cho biết: “Gia đình nhà bà Hải vất vả lắm, anh chồng số khổ cho đến lúc chết, tất cả cũng chỉ vì đông con quá. Nhưng dù nghèo khổ, bà Hải vẫn sống rất tốt với hàng xóm, láng giềng. Đặc biệt bà ấy còn rất khoẻ, tôi là đàn ông mà cũng phải nể phục sức khỏe của bà ấy. Một thân một mình nuôi bằng đấy đứa con đâu phải chuyện đơn giản!”.

Bà Liên bán thịt lợn gần nhà bà Hải kể: “Nói đến ai chứ nhắc tới bà Hải thì cả làng này đều biết. Bà ấy chịu thương chịu khó lắm, mỗi tội số khổ. Trước đây xã phường, bên dân số đến thuyết phục gia đình kế hoạch hóa gia đình nhưng ông chồng chửi đuổi, không chịu kế hoạch nên giờ mới khổ vậy”.

Sống giữa Thủ đô, 48 tuổi 14 lần sinh nở... tại nhà - 4


Những đứa con của bà Hải tự ăn, tự chơi, tự trông nhau. Việc học của các con bà cũng chẳng thể quan tâm dạy dỗ.

Những đứa con của bà Hải tự ăn, tự chơi, tự trông nhau. Việc học của các con bà cũng chẳng thể quan tâm dạy dỗ.


Quần áo của cả nhà giăng kín mấy dây phơi.

Quần áo của cả nhà giăng kín mấy dây phơi.

Trao đổi với một cán bộ dân số ở Trạm Y tế phường Đồng Mai, được biết, việc gia đình bà Hải quá đông con địa phương nắm được và rất quan tâm.

Trước đây, hàng tháng trạm đều cho người xuống nhà vận động để gia đình kế hoạch hoá nhưng ông Năm phản đối kịch liệt. "Thậm chí chúng tôi cho người tới chở chị Hải xuống trạm đặt vòng, triệt sản, anh Năm còn cầm dao xuống doạ chém và chửi bới chúng tôi, nên cũng bất lực với việc kế hoạch hoá của gia đình này", vị cán bộ này cho biết.

Cũng theo lời vị này, vào mỗi dịp cuối năm, cán bộ chính quyền địa phương cùng các đoàn thể đều xuống nhà bà Hải để tặng quà và thăm hỏi, động viên gia đình.

Trần Thanh