Sóc Trăng kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước

(Dân trí) - Tối qua ngày 27/4, tỉnh Sóc Trăng đã long trọng tổ chức kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015). Đến dự và chỉ đạo có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Lực lượng vũ trang Sóc Trăng tham dự lễ kỷ niệm.
Lực lượng vũ trang Sóc Trăng tham dự lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu đã ôn lại những chặng đường vẻ vang của cả nước nói chung, của quân và dân Sóc Trăng nói riêng trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Theo dòng lịch sử, ngày 1/4/1975, tại căn cứ U Minh Thượng, Khu ủy Tây Nam Bộ tổ chức cuộc họp Khu ủy mở rộng để phổ biến Nghị quyết 15 của Trung ương Cục. Sau khi phổ biến Nghị quyết 15, Khu ủy giao nhiệm vụ cho Đảng bộ Sóc Trăng phải tự lực hoàn toàn, trên tinh thần xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh, khu không chi viện.

Ngày 6/4/1975, Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ huy tỉnh với nhiệm vụ xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cụ thể, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dứt điểm thị xã Sóc Trăng. Trong đó, ở thị xã Sóc Trăng, kế hoạch tổng công kích - tổng khởi nghĩa được chia làm hai khu vực, trong đó khu vực I là khu vực quân sự, hành chính, gồm các cơ quan đầu não của địch như: Dinh tỉnh trưởng, Tòa Hành chính, Tiểu khu Ba Xuyên, Hậu cứ các tiểu đoàn trực thuộc Tiểu khu Ba Xuyên, lực lượng quân sự vùng 4 chiến thuật, trại giam, sân bay, ụ pháo, trại thiết giáp… Khu vực II là khu vực dân sự, nhưng cũng có nhiều mục tiêu quân sự như: Ty cảnh sát quốc gia, Đại đội cảnh sát dã chiến, trại Bạch Đằng, Phân chi khu Khánh Hưng… Theo kế hoạch, thống nhất giờ G là 3h sáng ngày 30/4/1975 các lực lượng của ta đồng loạt nổ súng tiến công địch ở thị xã Sóc Trăng.

Đến sáng ngày 30/4/1975, ta chiếm 2/3 khu vực Liên đoàn 953 đóng quân. Cùng thời gian này, bọn chỉ huy Liên đoàn 953 tổ chức lực lượng phản kích, quyết chiếm lại vị trí bị mất nhưng bị Tiểu đoàn Phú Lợi III đẩy lùi. Tỉnh trưởng Ba Xuyên Liêu Quang Nghĩa bỏ trốn. Trước sự tiến công mãnh liệt của quân và dân Sóc Trăng, khoảng 12 giờ ngày 30/4/1975, toàn bộ lực lượng địch trong thị xã Sóc Trăng bỏ súng đầu hàng, cờ Mặt trận dân tộc giải phóng tung bay trên đường phố, nhân dân xuống đường reo hò, mừng vui đón lực lượng ta tiến vào thị xã.

Cùng với thị xã Sóc Trăng, cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa đã diễn ra quyết liệt ở khắp nơi trong tỉnh. Nhiều huyện được giải phóng trong ngày 30/4/1975 và đến sáng sớm ngày 1/5 tỉnh Sóc Trăng được hoàn toàn giải phóng.

Sau 40 năm xây dựng và phát triển, từ một địa phương còn nhiều khăn, đến nay, Sóc Trăng đã có nhiều đổi thay, cuộc sống nhân dân ổn định. Nhìn chung, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế tăng trưởng 10,04%; GDP bình quân đầu người đạt 34,3 triệu đồng/năm; huy động được trên 2.468 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới; Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 9.559,8 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 650 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 ước đạt 1.989,3 tỷ đồng; Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.888,8 tỷ đồng và vốn ODA là 104 tỷ đồng; Sóc Trăng cũng thực hiện nhiều hoạt động tư vấn, xúc tiến đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên nhiều lãnh vực và nổi bật là triển khai dự án Trung tâm điện lực Long Phú 2 và dự án điện gió ở thị xã Vĩnh Châu; Hết năm 2014 Sóc Trăng có 175 trường đạt chuẩn quốc gia; tỉnh có 73,39% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 77,32%; Đến nay, toàn tỉnh đạt 77,7% 317.556 hộ sử dụng điện…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu, năm 2015, Sóc Trăng phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 10-11%; GDP bình quân đầu người đạt 38,6 triệu đồng/năm; sản lượng lúa đạt trên 2 triệu tấn; sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản đạt 220.000 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.000 tỷ; xuất khẩu hàng hóa đạt 700 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.903 tỷ đồng.

Lực lượng vũ trang Sóc Trăng tham dự lễ kỷ niệm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể ở Sóc Trăng.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích mà quân và dân Sóc Trăng đã đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong 40 năm xây dựng, phát triển.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Sóc Trăng là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng; nhân dân các dân tộc Sóc Trăng luôn cần cù, lao động, cùng chung sức khai phá, xây dựng quê hương; anh hùng bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Quân và dân Sóc Trăng luôn đoàn kết một lòng phát huy tinh thần yêu nước, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng và ý chí quật cường lập nên những chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Trong cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy khu 9 với tinh thần xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh, quân và dân tỉnh Sóc Trăng đã chủ động kiên quyết, tiến công địch giành thắng lợi trọn vẹn, tự lực giải phóng tỉnh nhà, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Phó Thủ tướng cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các đồng chí đã không ngại hy sinh xương máu, mồ hôi, nước mắt cho sự nghiệp cách mạng, anh dũng chiến đấu vì độc lập dân tộc, mang lại hòa bình cho đất nước

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Đảng bộ, nhân dân tỉnh Sóc Trăng phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết 3 dân tộc, làm tốt công tác chăm lo đời sống cho đồng bào, nhất là đồng bào Khmer còn nhiều khó khăn.

Tại Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Sóc Trăng vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng cho 7 tập thể danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cũng dịp này, tỉnh Sóc Trăng đã trao tặng và truy tặng 7 bà mẹ danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng ở TP Sóc Trăng. 

Cao Xuân Lương