Số phận ngôi chùa cổ đi về đâu?

Sau vụ Báo Lao Động tố cáo thảm họa “trùng tu” di sản chùa Trăm Gian, chúng tôi đã nhận được nhiều lời kêu cứu từ một ngôi chùa làng nhỏ bé thuộc xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Bà con khóc: “Chùa mới” tòa ngang dãy dọc được xây ngay trên đất xưa của chùa làng cổ.
 
Số phận ngôi chùa cổ đi về đâu?
Chùa Vạc cổ bị xâm hại nghiêm trọng, sân và mộ tháp bị đào bới tan hoang vào tháng 4.2012. Các công trình ở chùa Sùng Đức (mới) liên tục mọc lên (nay cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ thi công).

 

Chùa Vạc, thôn Văn Khê- còn có tên chữ là Sùng Đức Tự, theo nội dung chữ ghi ở cửa, thì chùa được khởi dựng từ năm 1407. Chùa lợp ngói, cấu kiện gỗ cổ, trong chùa còn lưu giữ quả chuông đúc từ thời Cảnh Hưng, đã vài trăm năm tuổi. Chùa Vạc đã bao đời gắn bó linh thiêng trong tâm thức người địa phương.

 

Sóng gió bên các pho tượng cổ

 

Thế rồi, phương án “trùng tu tôn tạo” chùa Vạc ra đời. Mười mấy nghìn mét vuông đất thôn Văn Khê được cơ quan chức năng giao cho người ta xây dựng các công trình. Lần lượt, nhà Tam Bảo nguy nga mọc lên rồi đến nhà tổ, nhà kinh sách, nhà cho phật tử sinh sống và tu tập... Chùa làng Vạc càng trở nên bé xíu, không bằng một phần mười của một cái gian nào đó trong rất rất nhiều gian tráng lệ của kiến trúc chùa đang được thi công.

 

Điều đáng nói, đại công trình tầng tầng lớp lớp kia cũng mang tên... Sùng Đức Tự. Biên bản giao mặt bằng gần 15.000m2 chùa Vạc ghi: Dùng đất này để “có kế hoạch trùng tu, cải tạo, xây dựng chùa”. Các báo cáo, văn bản đều dùng từ “trùng tu, tôn tạo chùa Sùng Đức”. Xin trích: “Trước thực trạng chùa cũ hiện nay khuôn viên hẹp, đặc biệt là phần gỗ của chùa bị mối mọt có nguy cơ sụp đổ... Trước tình hình trên, tăng ni phật tử nhà chùa đã báo cáo UBND xã, cho kiến thiết tôn tạo cảnh chùa” (Chủ tịch xã Nghĩa Hương ký ngày 24.8.2007).
 
Số phận ngôi chùa cổ đi về đâu?

 

Năm này qua năm khác, các công trình mới 100% cứ bề thế mọc lên, trong khi chùa làng thân thiết của bà con vẫn xập xệ, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Người dân liên tục kiến nghị: Tại sao không tu sửa chùa cũ như đã hứa, như trong kế hoạch? Hoặc là: Chùa mới đã khánh thành nhiều hạng mục, sao không rước các vị Phật cổ ở chùa cũ sắp sập sang chùa mới để thờ?

Trong đơn tố cáo, kiến nghị, trong tất cả các cuộc tiếp xúc với PV, bà con đều trích lời của một người quản lý công trình “chùa Sùng Đức mới”: “Vì Phật ở chùa cũ bé (quá), chùa nào cảnh khó (nghèo) thì cho Phật ở chùa cũ (đi)”.

Đây là “lời nhục mạ đối với các pho tượng Phật chùa cũ mà nhân dân thôn Văn Khê đã thờ phụng trên 600 năm nay”. Lập tức, hội nghị bàn về bảo tồn chùa Vạc cổ được ông Nguyễn Hữu Hạnh - Trưởng thôn Văn Khê - triệu tập. Có 45 đại biểu tham dự, 100% ý kiến biểu quyết giữ nguyên trạng ngôi chùa Vạc cổ. Bà con quyết liệt: “Dự án khổng lồ” mang tên trùng tu tôn tạo chùa Sùng Đức (chùa Vạc), thi công xây dựng trên chính đất chùa Sùng Đức, thì cần phải có trách nhiệm tu sửa chùa cổ, không để dột nát như bây giờ. Nếu ai đó tự ý tháo dỡ chùa cổ, “động long mạch”, xảy ra những rủi ro xúi quẩy cho dân thôn thì người đó phải chịu trách nhiệm.

“Sư nói sư phải”

Có cảm giác, tất cả chỉ là cái cớ để hai bên (tạm gọi: Đại diện chùa cũ và chùa mới) tấn công nhau. “Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, đúng theo nghĩa đen của những từ này. Ông Vương Trường Tăng - trung tá quân đội đã nghỉ hưu, 39 năm tuổi Đảng; bà Nên - 38 năm tuổi Đảng- đại diện cho gần chục vị cao niên đang ngồi trong lòng chùa Vạc cổ, cứ thề thốt với PV: “Bên kia” nhục mạ các cụ, thả chó ra nói là “tiễn khách”, bật đài to át tiếng các cụ làm lễ, đào tung sân chùa sâu cả 1,5m, đào trơ gốc mộ tháp sư tổ (nhằm làm cho các hạng mục này bị đổ), chặt cụt hết những cây nhãn cổ thụ nửa thế kỷ nay vẫn tỏa bóng bên ngôi cổ tự.

Người của “chùa mới” còn ngăn chặn bà con đem vật liệu tu sửa chùa, thuê cả “đầu gấu” đe dọa. Nhà sư Tú - người đại diện “chùa mới” - tiếp chúng tôi thì lại bảo rằng: Các cụ vu khống, chửi bới, dùng “bom xăng” đốt cây cối trong chùa, phát tán truyền đơn, có biểu hiện “bị kẻ xấu lợi dụng”, vu oan hầm chứa kinh sách đang xây là nơi chứa... vũ khí!
 
Số phận ngôi chùa cổ đi về đâu?

 

Không biết tin vào “bên nào”, chúng tôi ra trụ sở gặp ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hương. Ông Thắng xác nhận: Đúng là ông có nghe chuyện người đại diện chùa mới muốn dỡ bỏ chùa cũ. Rồi cả chuyện, họ bảo tượng ở chùa cũ nhỏ quá, đặt lên Tam Bảo chùa mới rất hoành tráng thì không tương xứng, nên đem cho chùa khác- cảnh khác người ta thờ. Và nữa: “Không biết vô tình hay hữu ý”, lúc các cụ vãi kéo đến chùa, thì đúng là có đối tượng “đầu bò đầu bướu” ở trong chùa ra ngăn cản các cụ. Việc bà con dùng xăng đốt bụi trúc cổng chùa là có thật. Việc “chú tiểu” xua chó “tiễn khách”, rồi người dân đi xe máy vào chùa, vác gậy đánh chó để trả thù cũng là có thật.

 

Long đong phận chùa

 

Vì chùa cũ quá xuống cấp, nhưng “chiến đấu” mãi không ngăn được “người ta” tôn tạo, các cụ đã xin tự đi quyên góp mấy trăm triệu về tôn tạo chốn tâm linh bao đời nay của mình. Việc các cụ xây dựng “mới toe” nhiều phần ngôi chùa cổ, khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, cũng là việc “phát tâm” chưa đúng.

 

Trò chuyện với phóng viên Lao Động, nhà sư Thích Đạo Tú - người tự giới thiệu là từ lâu đã thay mặt “thầy” quản lý ở khu vực Sùng Đức Tự - cho biết, các ông dỡ các cấu kiện, đồ thờ kể trên đi để... tu sửa vì nó quá xuống cấp. Đây là một giải thích không được ai chấp nhận, vì làm sao mà dỡ ra để sửa, lại phải đem cất đi tận đẩu tận đâu? Sao lại đào sân chùa sâu xuống hàng mét?

 

Ông Tú còn quả quyết: Chùa Vạc cũ đó, trên góc độ tổng thể quy hoạch của đại công trình Sùng Đức Tự (mới) là không có. Mà vị trí chùa Vạc cổ đang tọa lạc bây giờ, sau khi phá dỡ, sẽ mọc lên một ngọn tháp rất cao. Toàn bộ tượng Phật của chùa Vạc cổ sẽ được thỉnh lên chùa Sùng Đức mới để thờ. “Phải hóa ngôi chùa đó đi” - một vị sư sâu sát với đại công trình chùa Sùng Đức (mới) đay đi đay lại. Ông Thích Đạo Tú nói thêm: “Bà con chưa đồng thuận thì cứ để (chùa Vạc cổ) đó thôi; mình xây công trình khác đã, bao giờ họ đồng thuận thì làm (phá, hóa bỏ ngôi chùa cổ)”.

 

Chùa là của dân, của nước. Di sản chùa đình- dù lớn dù bé, dù nghìn tuổi hay một vài trăm tuổi - đều là giá trị tâm linh không thể đánh đổi, không thể đong đếm so bì được. Hãy tôn trọng bà con, tôn trọng ký ức và bước chân gồm nhiều nét son văn hóa của người đi trước.
 
Ông Nguyễn Vũ Hán - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quốc Oai - cho biết: Phương án dỡ bỏ chùa cổ, biến khu vực thành một hạng mục khác mới xây của chùa Sùng Đức (mới) là không nên. Cứ để hai công trình song song tồn tại, nhất là khi bà con đã tôn tạo chùa Vạc cổ lên như thế rồi. Giữ gìn giá trị di sản cổ (chùa Vạc) là một hành động tri ân với lớp người đi trước. Việc “ai đó” dỡ các phần của ngôi chùa, hoặc dỡ ngôi chùa cổ ra là sai, chùa là của dân, dân giao cho ai trông coi thì chỉ việc trông coi, quản lý thôi chứ.
 

Theo Lãng Quân

Lao Động