“Siết” điều kiện cư trú, cơ quan quản lý thực sự lợi?

(Dân trí) - Tại sao phải kéo dài thời hạn tạm trú để thắt nhập khẩu vào thành phố? Việc kéo dài chắc chắn gây khó khăn cho người dân, còn cơ quan quản lý được lợi gì?... Một loạt câu hỏi được đặt ra trong phiên họp thẩm tra dự thảo luật Cư trú sửa đổi.

Chiều 12/3, UB Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú.
 
Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo (Bộ Công an), việc đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương được gia tăng điều kiện về thời gian tạm trú từ 1 lên 2 năm. Ngoài ra, dự luật còn đề xuất giao HĐND thành phố quy định về điều kiện diện tích chỗ ở bình quân đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tại địa bàn. Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú...
 
Dự án luật cũng sửa đổi bổ sung nội dung về đăng ký tạm trú theo hướng quy định sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn 12 tháng. Trước khi hết thời hạn tạm trú 15 ngày, công dân đến cư quan công an đã cấp sổ tạm trú để làm thủ tục gia hạn, thay cho quy định tại Luật cư trú hiện hành quy định sổ tạm trú không xác định thời hạn.
 
Khi nhập cư vẫn là nhu cầu có thật, việc thắt các điều kiện sẽ mở cho nhiều hướng lách, chạy mới.
Khi nhập cư vẫn là nhu cầu có thật, việc "thắt" các điều kiện sẽ mở cho nhiều hướng lách, chạy mới.
 
Chính phủ cho rằng, sửa luật Cư trú lần này (luật ban hành năm 2007) là nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân trong cư trú, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của mọi cá nhân, tổ chức; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
 
Tuy nhiên, ý kiến của nhiều thành viên trong UB Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án luật - cho rằng, các quy định cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong cư trú, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp công dân, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng ký, quản lý cư trú trong giai đoạn hiện nay.
 
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thẳng thắn nhận xét, dự thảo luật sửa đổi đang tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước với các điều khoản siết chặt hơn việc đăng ký hộ khẩu vào thành phố đối với người nhập cư. Theo ông Minh, một số nội dung sửa đổi, bổ sung đã siết chặt việc nhập cư vào những đô thị lớn và nhiều quy định như thời gian tạm trú, diện tích nhà ở... nếu được ban hành chắc chắn sẽ gây khó khăn cho người dân.
 
Đại biểu đặt câu hỏi, tại sao cơ quan soạn thảo không tiếp thu ý kiến của của các Bộ, ngành, đặc biệt là văn bản của Bộ Tư pháp.
 
Nhiều đại biểu cũng chỉ ra một số quy định chưa hợp lý, mâu thuẫn với quy định công dân được quyền tự do cư trú, không đúng với tinh thần Hiến pháp về bảo đảm quyền con người và quyền công dân...
 
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Trần Đình Long cho rằng, về thời hạn tạm trú, việc quy định “người dân phải có thời gian tạm trú trên 1 năm mới được đăng ký hộ khẩu thường trú” là không phù hợp. Đại biểu lập luận, tại sao phải kéo dài thời gian tạm trú? Việc kéo dài thời gian tạm trú thì cơ quan chuyên môn của Nhà nước có lợi ích gì?
 
Tán thành hướng phân tích này, đại biểu Trần Thanh Hải (TPHCM) cho rằng, quy định dù chặt hơn nhưng vẫn phải là quy định mở để giải quyết việc giãn dân ở gốc của vấn đề chứ không phải xử lý phần ngọn. Cụ thể, muốn giãn dân thì phải phát triển các đô thị vệ tinh đi liền với các chính sách để thu hút người dân. Những đối tượng được thu hút này cần được tạo điều kiện tối đa để người dân tự nguyện đến đó ở. Còn đã thường trú trên địa bàn thì không nhất thiết phải hoàn thành quy định về thời gian.
P.Thảo