Siết chặt quản lý hình thức giúp việc gia đình

(Dân trí) - Hình thức lao động giúp việc gia đình đang ngày càng phát triển kéo theo hàng loạt phát sinh phức tạp giữa người lao động và chủ sử dụng. Tới đây Bộ luật Lao động sửa đổi và chính thức đưa các quy định cụ thể để quản lý hình thức này.

Trở về quê với thân hình gầy guộc và đôi mắt thâm quầng, chị Lê Thị Nhàn (thôn La Mai - xã Ninh Giang - Ninh Bình) khiến láng giềng không khỏi ngạc nhiên. Hai tháng trước đây chị Nhàn hồ hởi chào mọi người lên Hà Nội đi làm người giúp việc cho một gia đình khá giả, với mức lương khá hấp dẫn. Về nhà vài ngày sau, chị Nhàn mới bật khóc kể lại quá trình lên thành phố làm việc: Gia đình nơi chị đến ở là một cặp vợ chồng giàu có, đứng tuổi và hai đứa con trai nhỏ. Ngôi nhà 4 tầng với nhiều tiện nghi hiện đại khiến chị choáng váng, hoa mắt chóng mặt, mãi mới học được cách sử dụng. Sáng sớm tinh mơ chị đã phải dậy lo chợ búa, phục vụ bữa sáng cho cả nhà. Sau đó quần quật lau dọn 4 tầng nhà và vô số công việc gia đình do bà chủ giao lại trước khi đi làm. Phục vụ chuyện ăn uống là nỗi khổ của chị. Nhà mỗi người một tính, ai cũng thích đòi hỏi phải được ăn theo đúng khẩu vị. Kết quả, đến bữa ăn, chiều được người này thì chị liên tục nhận được những lời đay nghiến, chê bai của những thành viên còn lại.

Thế nhưng chuyện khiến chị kinh sợ nhất là ánh mắt và thái độ của ông chủ. Mỗi khi vợ vắng nhà, ông này liên tục tìm cách lại gần, cố tình đụng chạm thậm chí có những hành vi khiếm nhã khiến chị rất sợ hãi và tủi hổ. Nhưng nghĩ đến đứa con nhỏ cần tiền ăn học ở quê, chị nuốt nước mắt, cố gắng làm việc.

Sự việc xảy ra khi đến một ngày bà chủ bắt gặp người chồng đang sàm sỡ cô giúp việc. Mọi tức giận trong lòng bà trút cả lên người chị. Có lúc lỡ tay vỡ một chiếc đĩa, chị Nhàn bị bà chủ đánh chửi tơi bời. Không thể chịu thêm khổ nhục, sau 2 tháng làm việc, chị đành xin thôi việc, trở về quê. Nỗi ám ảnh khiến chị không thể tiếp tục công việc, mặc dù Trung tâm môi giới hứa sẽ tìm cho chị một nơi làm việc khác.

Cũng liên quan đến người giúp việc, chuyện tại gia đình chị Thu Hiền, Cầu Giấy, Hà Nội lại ”éo le” kiểu ngược lại. Chị Hiền mới sinh con nhỏ, trong khi chồng bận công việc liên miên, cha mẹ hai bên lại già yếu, không thể đỡ đần chị, nên nhu cầu thuê người giúp việc rất cấp bách.

”Mỗi lần ra trung tâm mất 1 triệu tiền môi giới. Vậy mà trong 3 tháng tôi phải ra trung tâm đổi người, tìm người 7 lần, bởi cứ được 1-2 tuần người giúp việc do trung tâm gửi đến lại tìm đủ lý do để xin nghỉ, hoặc người được đưa đến quá tệ hại, không thể làm việc do mắt kém, sức khỏe yếu hoặc biếng nhác. Thậm chí, 2 người giúp việc cũ trước khi đi còn ”cầm nhầm” một mớ quần áo đắt tiền và đồ trang sức của tôi. Uất ức, mệt mỏi lắm, nhưng do nhu cầu rất cần người giúp việc, tôi vẫn phải nhẫn nhịn nhờ đến trung tâm tiếp tục tìm người”- chị Hiền than thở.

Siết chặt quản lý hình thức giúp việc gia đình - 1
Hình thức giúp việc gia đình ngày càng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp cần quản lý. (Ảnh minh họa)
 
Theo phản ánh của các Trung tâm môi giới giúp việc gia đình (GVGĐ) tại Hà Nội, trên thực tế, nhu cầu người giúp việc tại các gia đình thành phố đang ngày càng tăng. Tuy nhiên cũng từ đó nảy sinh rất nhiều phức tạp trong quan hệ, thỏa thuận giữa người làm và chủ sử dụng.

Trong khi, đòi hỏi của các gia đình về trình độ, kỹ năng của người giúp việc ngày càng cao thì phía nguồn cung vẫn chưa thể đáp ứng. Theo điều tra của Viện công nhân công đoàn về Thực trạng lao động GVGĐ ở Hà Nội cho thấy, trong số lao động giúp việc có 60% số người trông coi trẻ em và 19,3% làm các công việc nội trợ. Lao động giúp việc thiếu chuyên môn, không biết sử dụng các thiết bị trong gia đình, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, trẻ em không cao. Vì vậy, người giúp việc phải đối mặt với việc không được tôn trọng, nguy cơ bị trừ lương, bị mắng chửi. Có đến 60% người giúp việc không biết sử dụng bếp ga, 38,7% không biết sử dụng nồi cơm điện, 80,7% không biết sử dụng máy giặt, 18% không biết sử dụng ti vi, 93,3% không biết sử dụng lò vi sóng. Trình độ học vấn của lao động giúp rất thấp, có 15% ở trình độ tiểu học, trên 60% ở trình độ trung học cơ sở và trên 20% ở trình độ trung học phổ thông. Với trình độ thấp như vậy, nên có 23,3% gia đình thuê giúp việc gặp khó khăn trong việc hướng dẫn/đào tạo người giúp việc...

Cùng đó, chuyên gia ngành đã đưa ra kết quả nghiên cứu: lao động GVGĐ là loại hình công việc khá đặc biệt, dễ bị lạm dụng. Tình trạng người lao động trong loại hình lao động đặc biệt này bị lạm dụng cũng đang diễn ra ngày càng phổ biến. Dó đó càng cần có sự ràng buộc về mặt pháp lý và người GVGĐ phải thực sự chuyên nghiệp.

Về vấn đề này, ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH cho biết, tới đây Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ chính thức đưa các quy định cụ thể, có tính chất pháp lý, để quản lý loại hình công việc này. Theo đó sẽ hướng tới quy định về hợp đồng bằng văn bản đối với nhưng công việc mang tính chất dài hạn. Hợp đồng sẽ quy định về thời giờ làm việc. Người thuê lao động GVGĐ phải dành cho người GVGĐ thời gian nghỉ phép, có ngày nghỉ. Trong trường hợp người GVGĐ có nhu cầu đi học, chủ sử dụng phải tạo điều kiện... Trong hợp đồng cũng sẽ có quy định rõ về trách nhiệm của người GVGĐ. Ngoài ra, khi xảy ra tranh chấp, nếu là vấn đề tranh chấp lao động, thì ra tòa án lao động, tranh chấp dân sự thì ra tòa dân sự.

P. Thanh