1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sẽ sửa đổi phương thức thu phí đường bộ nếu chưa hợp lý

(Dân trí) - Tại hội nghị triển khai quy định thu phí bảo trì đường bộ tổ chức ở TPHCM ngày 19/12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, sau 3 hoặc 6 tháng thực hiện thu phí sẽ xem xét điều chỉnh bổ sung những vấn đề chưa phù hợp.

Tại hội nghị này, các doanh nghiệp vận tải TPHCM tiếp tục phản ứng cách thu phí tại các trạm đăng kiểm là phiền hà, thu phí theo năm vào thời gian đầu năm là chiếm dụng vốn của doanh nghiệp…

Sẽ sửa đổi phương thức thu phí đường bộ nếu chưa hợp lý
Các doanh nghiệp vận tải phản đối mạnh các quy định bất hợp lý trong việc triển khai thu phí bảo trì đường bộ

Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa (VTHH) TPHCM, cho rằng thu phí qua xăng dầu sẽ tốt hơn, công bằng và thuận tiện hơn. Vì doanh nghiệp không phải mất thời gian đóng phí, không cần tổ chức bộ máy thu phí, ai đi nhiều, dùng xăng nhiều thì đóng phí càng nhiều.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhận định việc trả lại tiền phí đã thu (qua xăng dầu) cho các đối tượng không sử dụng đường bộ khi thu phí qua xăng dầu rất phức tạp, dễ nảy sinh tiêu cực. Ngoài ra, giá xăng dầu đang biến động mạnh nên đưa phí đường bộ vào giá xăng dầu có nhiều bất cập.

Ông Đinh Nam Dinh đề nghị nên thu phí theo tháng bởi theo ông, quy định phải đóng trước phí đường bộ cả năm là hình thức chiếm dụng tiền của người nộp phí. Ông cũng đề nghị cơ quan thu phí nên mở tài khoản chung liên thông với tất cả các trạm đăng kiểm để người nộp phí có thể nộp ở bất kỳ trạm đăng kiểm nào trên cả nước, không bắt buộc phương tiện chỉ được vào nơi đăng kiểm của mình để nộp phí.

Ông Lê Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, phản ánh một thực tế là trong cảng có hàng trăm ô tô đầu kéo và rơ-moóc vận chuyển hàng nội bộ, không chạy ra đường, nhưng theo quy định vẫn phải đi đăng kiểm, vẫn phải đóng phí là không hợp lý.

Ông Đinh Nam Dinh cũng phản ánh nhiều doanh nghiệp có số rơ-moóc gấp nhiều lần so với số đầu kéo để đảm bảo cho công tác bốc dỡ hàng hóa. Trong khi đầu kéo hoạt động trên đường thì chỉ kéo theo 1 rơ-moóc, số rơ-moóc còn lại đều phải nằm ở kho hàng, tại sao vẫn phải đóng phí? Ông cho rằng việc phân biệt đầu kéo và rơ-moóc là 2 đối tượng thu phí khác nhau là không hợp lý.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn lập ra danh sách những đầu kéo, rơ-moóc chỉ hoạt động trong cảng và có xác nhận của công an là không hoạt động ngoài đường bộ, nộp cho cơ quan đăng kiểm, sẽ được xem xét để không phải đóng phí. Các doanh nghiệp có rơ-moóc nằm không cũng có thể lập danh sách có xác nhận của công an để đề nghị không nộp phí.

Hiệp hội VTHH TPHCM cũng kiến nghị việc không thu phí đối với ô tô khi bị hủy hoại do tai nạn hoặc thiên tai, bị tịch thu, bị tai nạn, nên được tính theo ngày. Theo Hiệp hội VTHH TPHCM, nếu mỗi tháng đóng phí 1 triệu đồng thì mỗi ngày đã hơn 30 ngàn đồng, nếu xe hỏng dưới 30 ngày vẫn phải đóng phí thì số tiền này cũng không nhỏ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, khi thông tư hướng dẫn thu phí được ban hành cũng không lường hết được những trường hợp phát sinh trong thực tế. Do đó, sau khi thực hiện 3,6 tháng đến 1 năm, Bộ sẽ điều chỉnh, sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp, còn bất cập.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ GTVT và Bộ Tài chính cũng kiến nghị Bộ Công an trong năm 2013 chưa tiến hành xử phạt đối với các phương tiện chưa nộp phí bảo trì đường bộ, để sửa đổi quy định cho hoàn thiện, phù hợp với thực tế.

Tùng Nguyên