1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội

Sẽ đồng loạt giảm 10% cước taxi

(Dân trí) - Tại cuộc họp của Hiệp hội taxi Hà Nội ngày 12/11, đại diện của nhiều hãng taxi trên địa bàn Hà Nội đều cam kết sẽ giảm cước khoảng 10%, muộn nhất là trong 7 ngày tới.

Giảm thì có giảm...

Trước câu hỏi, tại sao so với việc tăng cước, việc giảm giá cước taxi tại Hà Nội lại có phần chậm chạp như vậy, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết: những ngày qua hiệp hội và các doanh nghiệp vận tải taxi đang chịu “sức ép” rất lớn từ phía dư luận, các ngành quản lý về giảm cước. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của các hãng taxi không chỉ liên quan đến giá xăng dầu mà còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác. Hơn nữa, giá xăng thời gian qua tuy giảm nhưng rất “nhỏ nhọt”, chỉ 1.000 đồng/lít.

Trong khi đó, thuế trước bạ đăng ký ô tô đã tăng từ mức 2% đến 10%. Đồng thời lãi suất ngân hàng từ 12%/năm đã tăng lên đến 21%/năm. Cộng với đó là chi phí mua sắm, sửa chữa phụ tùng ô tô tăng đến 30% so với năm 2007. Nên các doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ trước khi đưa ra mức giảm giá. Ngoài ra, các đơn vị còn phải đợi thời gian kiểm định lại đồng hồ.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng taxi Net cho rằng, nếu tiến hành giảm giá cước mà không kiểm định lại đồng hồ thì sẽ bị thanh tra giao thông xử lý. Vì thế, doanh nghiệp đang phải tính toán mức giảm giá cước và làm việc với Trung tâm kiểm định 1 - Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng để sắp xếp thời gian kiểm định lại đồng hồ.

Giám đốc taxi Nguyên Minh ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Tháng 7/2008, chúng tôi đã tăng giá 15%. Từ hôm 11/11, chúng tôi đã giảm 10%, từ 9.000đ xuống 8.000đ/km cho 20 km đầu. Nếu chỉ nhìn vào mức tăng giảm giá xăng, nhiều khách hàng thắc mắc rằng sao tăng 15% mà chỉ giảm 10% trong khi giá xăng đã trở về mức cũ. Tuy nhiên, ngoài xăng, các chi phí liên quan khác vẫn tăng chóng mặt, nên thực tế mức tăng cước 5% còn lại vẫn chưa thể bù đủ các chi phí này”.

Giám đốc taxi Sao Mai, Chủ tịch HĐQT taxi Thế Kỷ, cùng cho biết, các hãng này sẽ hoàn tất giảm giá 10% trong khoảng 3 ngày tới.

Sai luật nhưng vẫn phải chạy!

Lãnh đạo một công ty vận tải taxi khi trao đổi với Dân trí đã lắc đầu ngán ngẩm nhắc đến cái vòng luẩn quẩn: thay đổi giá cước - phạm luật - vẫn chạy - “dính” phạt - chạy tiếp. Ông Đỗ Quốc Bình cũng thừa nhận một thực tế rằng có rất nhiều hãng taxi buộc phải vi phạm luật, sẵn sàng chịu phạt để đưa xe ra đường, tránh phá sản.

Theo Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường khu vực 1 - Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học công nghệ), trước khi thực hiện việc tăng cước taxi, các doanh nghiệp phải đưa phương tiện đến trung tâm để tiến hành kiểm định, kẹp chì lại đồng hồ. Sau khi hoàn tất việc kiểm định, các đơn vị mới được phép đưa xe ra hoạt động và tính tiền theo giá mới.

Ông Trần Đắc Sửu - Trưởng phòng Đo Lường cơ - độ dài cho biết, mỗi ngày trung tâm kiểm định khoảng 20 - 30 xe taxi. Trong khi đó, Hà Nội hiện có khoảng 10.000 xe taxi. Vì thế, phải mất hơn 1 năm mới hoàn tất kiểm định cho tất cả.

Điều này dẫn đến có nhiều đơn vị đã điều chỉnh giá cước trước khi đưa xe đi kiểm định. Thậm chí, có những đơn vị tăng giá cước đến 3- 4 tháng rồi mới đưa xe đến trung tâm.

“Nếu chờ đúng lịch kiểm định, dán tem, kẹp chì đồng hồ tính cước mới phải mất hàng tháng mới đến lượt. Để không bị đẩy đến bờ vực phá sản, doanh nghiệp phải chủ động phá kẹp chì, áp giá cước mới và hoàn tất niêm kẹp sau, dù biết điều này là phạm luật và luôn phải “đánh đu” với phiếu phạt”, lãnh đạo một doanh nghiệp taxi cho biết.

Để giảm thiểu rủi ro cho các đơn vị trong mỗi dịp thay đổi giá cước, Hiệp hội taxi Hà Nội đều bàn bạc, trao đổi với Sở GTVT và Thanh tra của Sở này “châm chước” cho việc cực chẳng đã kể trên. Theo đó, những xe nào tăng giá cước trước khi kiểm định lại đồng hồ, nhưng đã có giấy hẹn kiểm định thì sẽ không bị xử phạt.

Các doanh nghiệp taxi kiến nghị Sở GTVT Hà Nội cho phép doanh nghiệp tự cài đặt, dán tem dưới sự giám sát của Trung tâm kiểm định. “Việc này sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi, cũng không đẩy các doanh nghiệp và cơ quan quản lý vào tình huống khó xử”, ông Đỗ Quốc Bình cho biết.

Được biết, cùng với việc cam kết hoàn tất điều chỉnh giá cước giảm 10% trong 1 tuần tới, đại diện các hãng taxi cũng cho biết sẽ có văn bản kiến nghị lên các Bộ Tài chính về mức áp thuế trước bạ giữ nguyên 2% cho doanh nghiệp taxi như trước 25/8. Theo đại diện các doanh nghiệp taxi, đây là loại hình vận tải công cộng, mỗi năm phục vụ trên 30 triệu khách, Nhà nước không phải đầu tư xe, không phải bù lỗ. Tuy nhiên, không giống như xe buýt, taxi không những không được hưởng một chính sách ưu tiên nào lại bị “thua thiệt” nhiều bề!

Phúc Hưng