Sẽ đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy

(Dân trí) - Đây là ý kiến kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại cuộc họp bàn về các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường đối với lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy trên địa bàn tỉnh Hà Nam.


Sông Đáy đang bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Hà Nội Mới

Sông Đáy đang bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Hà Nội Mới

Lưu vực sông Nhuệ- sông Đáy là khu vực có dân số tập trung với mật độ cao nhất cả nước, các đoạn sông chảy qua khu dân cư tập trung, đô thị lớn phải gánh chịu lượng nước thải sinh hoạt của hàng chục triệu người. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hoá nhanh, các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ tại các đô thị chưa đạt quy chuẩn cho phép đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước diễn biến phức tạp, tồn tại kéo dài qua nhiều năm đặc biệt là mùa khô.

Theo phản ánh từ báo chí và UBND tỉnh Hà Nam, trong một số tháng gần đây, môi trường nước sông Nhuệ, sông châu Giang và sông Duy Tiên thuộc địa bàn tỉnh bị ô nhiễm nặng, nước có mùi hôi thối, màu xanh đen, nổi bọt trắng. Tình trạng ô nhiễm đã ảnh hướng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con nhân dân trong khu vực…

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng rất cần sự trung tay của tất cả các bộ ngành, địa phương, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp, các nhà máy, khu công nghiệp hoạt động trên địa bàn. Trong đó, các cơ quan chức năng cần tập trung quyết liệt vào công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kể cả biện pháp đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa; Buộc tất cả các cụm khu công nghiệp xây dựng mới phải hoàn thành hệ thống xử lý nước thải trước khi đi vào hoạt động. Đồng thời, tổ chức di dời và hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong các khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp tập trung…

Theo đó, với thực trạng ô nhiễm như hiện nay trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đối với các đoạn sông đang bị ô nhiễm, UBND tỉnh Hà Nam cần phải tạm thời dừng các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm cho mục đích sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho đến khi chất lượng nước được cải thiện, rà soát điều chỉnh lại kế hoạch lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2018.

"UBND tỉnh cần chỉ đạo tổ chức quan trắc môi trường nước các sông trên địa bàn với tần suất nhiều hơn nữa, thông báo kịp thời kết quả quan trắc để các cơ quan, tổ chức và người dân sử dụng nguồn nước biết và chủ động kế hoạch sản xuất, sinh hoạt. Chỉ đạo rà soát các nguồn xả nước thải trên địa bàn hệ thống sông Nhuệ - sông Đáy, xử lý nghiêm những cụm, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải không đạt quy chuẩn cho phép", Bộ này đề nghị.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Công ty Khai thác công trình thủy lợi sông Nhuệ cho mở cống Liên Mạc để lấy nước sông Hồng bổ sung nhằm làm tăng lưu lượng nước sông Nhuệ và làm loãng nồng độ độc các chất ô nhiễm. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xử lý nước thải và cải tạo, nạo vét hệ thống thuỷ lợi trên sông Nhuệ - sông Đáy, thanh tra, kiểm tra các nguồn xả thải ngăn chặn không cho xả thải trực tiếp ra sông Nhuệ.

H.Anh