Sẽ “chữa” quảng cáo trên “con đường gốm sứ”

(Dân trí) - Tên, logo của các Công ty tài trợ trên “Con đường gốm sứ” được “phê” là thô, nặng tính quảng cáo. Tiếp thu các ý kiến này, những người thực hiện cho biết, sẽ vinh danh các nhà tài trợ một cách “nghệ thuật” hơn…

Vấn đề quảng cáo trên “Con đường gốm sứ” trở thành chủ đề khá nóng của báo chí trong những ngày gần đây. Nhằm trao đổi, tiếp thu các vấn đề báo chí đặt ra, chiều ngày 4/9, tác giả của ý tưởng cùng Giám đốc Công ty nghệ thuật Tân Hà Nội (Công ty thực hiện) đã gặp gỡ các phóng viên tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội.
 
Sẽ “ẩn” hơn trong các bức tranh
 
Giám đốc Công ty nghệ thuật Tân Hà Nội, Nguyễn Huy Cường cho rằng,  logo và tên của các công ty tài trợ thể hiện trên bức tường gốm sứ chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ so với diện tích gốm sứ do các công ty này tài trợ.
 
Chẳng hạn, Công ty điện tử Hanel tài trợ 103m2 gốm sứ được đặt chữ “Hanel” trên diện tích 0,125m2 hay Công ty may 10 tài trợ 300m2 gốm sứ được đặt logo chiếm diện tích 0,81m2 (bằng 0,27%)…
 
Tuy nhiên, ông Cường thừa nhận “có gì đó chưa ổn” trong cách vinh danh các công ty tài trợ và hoan nghênh ý kiến của các cơ quan báo chí. Ông cho biết, những người làm dự tính sẽ nghệ thuật hoá logo và dùng hình các con vật để thể hiện tên của các công ty tài trợ.
 
Sẽ “chữa” quảng cáo trên “con đường gốm sứ”  - 1
Hình thức vinh danh các nhà tài trợ như thế này được xem là chưa phù hợp.
 
“Với cách làm như vậy, bố cục chung của bức tranh gốm sứ sẽ được giữ gìn”, ông Cường phân tích. Dẫu vậy, công ty này đang phải chờ qui chế do UBND Thành phố ban hành cho vấn đề này mới có thể thực hiện.
 
Cũng theo ông Cường, logo của các công ty tài trợ sẽ được giữ trong một thời gian nhất định. Sau đó, để cho các bức tranh hoàn hảo hơn, logo và tên của các công ty này sẽ được đưa đến lưu danh chung trên một bức tường.
 
Chủ nhân của ý tưởng con đường gốm sứ, bà Nguyễn Thu Thuỷ (công tác tại báo Hà Nội mới) cho rằng, khi làm nghệ thuật rất khó đặt logo của các nhà tài trợ. Tuy nhiên, để ủng hộ "con đường gốm sứ", các doanh nghiệp phải lấy từ khoản dành cho quảng bá thương hiệu nên cũng yêu cầu xuất hiện logo.
 
Bà Thuỷ mở rộng, tại Mỹ, Úc, Tây Ban Nha, Canada… đều có những công trình gắn tài trợ với quảng bá thương hiệu, tên của các cá nhân. Vấn đề lúc này của “con đường gốm sứ” theo bà là phải làm sao thể hiện logo thông qua hình thức nghệ thuật và trở nên “ẩn” hơn trong các bức tranh.
 
Về vấn đề độ bền của công trình, bà Thuỷ cho rằng, khi doanh nghiệp gắn với niềm tự hào trên "con đường gốm sứ", họ sẽ là những người chăm lo, gìn giữ công trình đầu tiên sau thời điểm kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long.
 
Sẽ kịp cán đích 1.000 năm
 
Liên quan đến “phản biện”, bức tường gốm sứ nằm sát lề đường, thiếu không gian thưởng thức bà Thuỷ lí giải, nghệ thuật công cộng không đòi hỏi chúng ta đứng lâu, ngắm chi tiết như trong bảo tàng, gallery! Nghệ thuật công cộng làm “bừng sáng” cảnh quan đô thị, mang lại cảm giác yêu đời, giảm stress cho người đi đường…
 
Về câu hỏi liên quan đến kinh phí dự án, bà Thuỷ cho biết, để làm ra mỗi m2 gốm sứ cần 10 triệu đồng và con số này được tính toán dựa vào bảng giá do Bộ Văn hoá ban hành những năm trước. Với 6.500m2 gốm sứ sẽ phải làm, tổng dự toán của dự án này là 65 tỉ đồng.
 
Sẽ “chữa” quảng cáo trên “con đường gốm sứ”  - 2
"Con đường gốm sứ" bước đầu được giới trẻ đón nhận.
 
Thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ 17 tỉ đồng cho dự án (chiếm 27%). Đến nay, thành phố đã rót 6,3 tỉ đồng để thực hiện đoạn tranh lịch sử và đoạn thể hiện hoạ tiết hoa văn trên thổ cẩm của các dân tộc.
 
Theo bà Thuỷ, những đoạn trên không thích hợp để gắn logo của doanh nghiệp nên thành phố đã chấp thuận hỗ trợ thực hiện. Những đoạn khó vận động tài trợ như gầm cầu Chương Dương, Long Biên… cũng sẽ phải dùng ngân sách thành phố.
 
Về tiến độ, đến nay mới phủ được gốm sứ trên đoạn đường dài 1,6km, trong khi tổng số phải thực hiện của giai đoạn 1 là 4,2km. Tuy nhiên, với lực lượng 20 nghệ sĩ trong nước, 10 nghệ sĩ nước ngoài và 50 sinh viên mỹ thuật, bà Thuỷ khẳng định, xét về chuyên môn đơn thuần không có áp lực về tiến độ.
 
“Chỉ cần kinh phí rót đều, tốc độ vận động xã hội hoá nhanh, công trình sẽ kịp về đích kỉ niệm 1.000 năm”, bà Thuỷ tự tin.
 
Cấn Cường