TPHCM:

"Rối" vì nạn kẹt xe nghiêm trọng tại trạm thu phí Bình Triệu 1

(Dân trí) - Trạm thu phí cầu Bình Triệu 1 bắt đầu thu phí thử nghiệm từ ngày 28/7 và từ đó đến nay khu vực này luôn ùn tắc nghiêm trọng. Theo đơn vị quản lý trạm thu phí, nguyên nhân kẹt xe là do… tàu hỏa.

Ngay khi TP cho phép chủ đầu tư dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 là Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) xây dựng trạm thu phí dưới chân cầu Bình Triệu 1, nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh ùn tắc tại đây, vì đây vốn là 1 trong những điểm nóng ùn tắc phức tạp của TPHCM.

Và quả thực, trong ngày đầu tiên thu phí thử nghiệm (28/7), tình trạng ùn tắc đã xảy ra. Hàng chục ngàn xe máy, ô tô chen chúc kéo dài nhiều km từ trạm thu phí qua cầu Bình Triệu 1 đến bến xe Miền Đông. Các ngày sau đó, tình trạng này vẫn tiếp diễn liên tục trong giờ cao điểm.

Hàng chục ngàn xe xếp hàng dài trên cầu Bình Triệu 1 trong ngày 28/7 (ảnh: CTV)
Hàng chục ngàn xe xếp hàng dài trên cầu Bình Triệu 1 trong ngày 28/7 (ảnh: CTV)

Tuy nhiên, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII chỉ thừa nhận có ùn tắc trong ngày đầu tiên thử nghiệm (28/7), 2 vụ vào 6h30 và 10h30, mỗi vụ kéo dài 7-10 phút (hai vụ ùn tắc này đã được báo chí phản ánh). Các ngày còn lại ông Bình khẳng định không hề có ùn tắc.

Ông Bình cho rằng: “Nhìn chung tình hình giao thông tại khu vực trạm trong các khoảng thời gian còn lại đều rất thông thoáng và chưa khi nào để quá 3 xe đậu trên 1 làn chờ qua trạm”.

Ngoài ra, theo ông Bình, nguyên nhân gây ra ùn tắc tại khu vực trạm thu phí trong ngày 28/7 là do… tàu hỏa chứ không phải do trạm thu phí. Ông Bình cho rằng vụ ùn tắc xảy ra vào 6h30 ngày 28/7 là do xe lửa đi qua và dừng lại ngay ngã tư Bình Triệu; vụ ùn tắc xảy ra vào lúc 10h30 là do nhân viên nhà ga đóng gác chắn hơi sớm khi xe lửa đi qua ngã tư.

Chưa khẳng định được lý do ông Bình nêu là đúng hay không. Song thực tế tình trạng ùn tắc tại khu vực này phức tạp hơn từ khi trạm Bình Triệu 1 đi vào hoạt động là không thể chối cãi. Hiện tại trạm thu phí Bình Triệu 1 chỉ mới thu phí thử, tức là các tài xế chỉ dừng xe, chờ lấy vé rồi qua trạm chứ không mua vé thật. Sau này khi trạm thu phí thật, sẽ phát sinh thêm khâu hạ kính ô tô, đưa tiền, lấy vé và tiền thừa, đóng kính, cất vé... Nếu khâu này mỗi tài xế chỉ làm mất 1 giây thì với lưu lượng qua trạm 15.000 xe/ngày sẽ mất thêm 15.000 giây, tức 250 phút (hơn 4 tiếng đồng hồ). Khi đó, tình trạng ùn tắc chắc chắn sẽ phức tạp hơn rất nhiều.

Về việc này, đại diện CII lấy “kinh nghiệm 10 năm khai thác dịch vụ thu phí giao thông tại TPHCM” để đảm bảo là sẽ không gây ra ùn tắc. Theo CII thì năng lực thông xe theo thiết kế của trạm Bình Triệu 1 là hơn 43.000 lượt xe/ngày; trong khi đó thì lưu lượng thông xe cao nhất trong những ngày qua chỉ là gần 14.500 lượt xe/ngày và thời gian cao điểm nhất là hơn 1.000 xe/giờ.

Do đó, ông Lê Quốc Bình cho rằng: “Với hệ thống thiết bị được đầu tư, số làn xe, lưu lượng xe thực tế qua trạm, có thể kết luận năng lực thông xe của trạm cao hơn rất nhiều so với lưu lượng xe thực tế qua trạm, kể cả trong các giờ cao điểm. Do đó, không thể có việc ùn tắc xe do tổ chức thu phí”.

Dù vậy, các chuyên gia giao thông vẫn lo ngại vì thực tế 1 trạm thu phí đặt cách chân cầu 30m và cách ngã tư chưa đầy 100m sẽ tạo thành nút cổ chai cản trở giao thông, bất kể năng lực thông xe của trạm cao thế nào, trong bối cảnh ngã tư Bình Triệu vốn là 1 điểm nghẽn nghiêm trọng của giao thông TP.

Tùng Nguyên