Rối bời chuyện hậu sự của voi Khăm Bun

(Dân trí) - Sau hơn 2 năm chống chọi với vết thương ở chân, chú voi Khăm Bun đã qua đời do bị nhiễm trùng nặng. Những người chăm lo cho Khăm Bun đang rối bời với việc lo hậu sự cho con vật nặng cả tấn này.

Chiều 11/8, dù khu vực nơi voi Khăm Bun ở đã được phong tỏa, che bạt kín, nhưng rất nhiều cán bộ của Liên đoàn xiếc Việt Nam (67 - 69 Trần Nhân Tông - Hà Nội) và người dân vẫn đứng quanh đó để ngóng tin và bàn tán về cái chết của voi.
 
Một cán bộ phụ trách khu vực thú lớn cho biết, Khăm Bun đã ốm nặng từ khá lâu, do vết thương nhiễm trùng ở chân ngày càng nặng nề. Đến sáng 11/8 thì voi trút hơi thở cuối cùng.
 
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Xuân Quang, Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam cho biết, đơn vị đã báo cáo sự việc nên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện đang đợi cơ quan pháp y về khám nghiệm, lập biên bản nguyên nhân cái chết của Khăm Bun.
 
Rối bời chuyện hậu sự của voi Khăm Bun - 1
"Nhà" của Khăm Bun đã được phong tỏa kín bằng bạt (Ảnh: T. Trầm)
 
“Khăm Bun được Văn phòng Thủ tướng và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch gửi tặng Liên đoàn xiếc từ tháng 9/2007. Lúc đó, nó đã bị thương khá nặng ở chân, do trúng bẫy của thợ săn. Từ đó đến nay chúng tôi đã tìm cách chữa chạy theo nhiều phương án, thậm chí mời cả chuyên gia quốc tế, thành lập đoàn hội chẩn để đưa ra phác đồ dùng thuốc cho Khăm Bun nhưng vết thương của nó đã quá nặng” - ông Quang nói.
 
Cùng với việc phải báo cáo lên Bộ chủ quản và lo những thủ tục cần thiết về mặt pháp lý, những người chăm lo cho Khăm Bun tại đoàn xiếc cũng đang rối bời tính toán phương án lo hậu sự cho con vật nặng cả tấn này.

Rối bời chuyện hậu sự của voi Khăm Bun - 2

Rối bời chuyện hậu sự của voi Khăm Bun - 3
Cả ngày nay những chú voi hàng xóm lồng lộn ngóng về khu vực có người bạn đã qua đời. (Ảnh: T. Trầm)
 
“Trước đây, khi đất trong khuôn viên khu nuôi thú còn rộng rãi, nếu con vật qua đời, nó sẽ được chôn cất tại chỗ. Nay tất cả đã bê tông hóa, lại chật chội nên việc tìm chỗ chôn cất Khăm Bun quá nan giải!” - một cán bộ phụ trách khu thú lớn lo lắng chia sẻ.
 
Tháng 12/2006 một chú voi bé nhất trong đàn voi 20 con ở trong rừng Tây Nguyên bị sập bẫy, lạc khỏi đàn. Nó đã lê theo chiếc bẫy đi dọc rừng tìm lại bố mẹ, trên đường gặp đoàn đi săn voi của ông Ama Bích. Ông này đã dẫn voi về thuần dưỡng.
 
Sau đó, những người thợ săn đưa con voi về buôn Ea Rông, tổ chức lễ cúng tạ thần linh, làm lễ đặt tên là Khăm Bun, rồi đưa nó vào rừng thuộc Khu du lịch sinh thái của Công ty Cao su Đắk Lắk (thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) để thuần dưỡng.
 
Lúc mới "nhập làng" voi Khăm Bun cao 1,4m, dài 2m, có hai ngà dài 15cm, có trọng lượng ước tính khoảng 500 kg. Sau khi từ rừng về, voi đã trải qua tổng cộng 10 lễ cúng theo phong tục, tập quán bắt voi và thuần dưỡng voi rừng của người dân nơi đây... Một thời gian sau, chú voi này đã được người dân nộp lại cho cơ quan chức năng. Đến tháng 9/2007 Khăm Bun về “nhà” mới tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam với vết thương ở chân.
 
Phạm Thanh