Quyết làm đường tránh Cai Lậy trên lớp đất yếu (?!)

(Dân trí) - Dù hồ sơ đầu tư của doanh nghiệp làm đường tránh Cai Lậy theo hình thức BOT có không ít sự "bất thường", nhưng với quyết tâm cao độ, lãnh đạo Bộ GTVT và doanh nghiệp vẫn quyết làm để đưa vào thu phí...

Trung tâm điều hành trạm thu phí đang trồng lên một trạm xăng của công ty Xăng dầu Tiền Giang
Trung tâm điều hành trạm thu phí đang trồng lên một trạm xăng của công ty Xăng dầu Tiền Giang

Liên quan đến dự án BOT Cai Lậy siêu tai tiếng, báo chí đã nêu ra hàng loạt sai phạm xung quanh dự án này. Mới đây, theo hồ sơ mà phóng viên có được, đường tránh Cai Lậy được xây trên nền đất địa chất phức tạp, nhiều cống đâm xiên và nền đất yếu, bề dày lớp đất yếu lên đến 9 mét. Thậm chí dự án áp dụng cùng lúc 3 tiêu chuẩn đã hết hiệu lực...

Cụ thể, Bộ Xây dựng có Văn bản 825/BXD-HĐXD ngày 29/4/2014 về việc góp ý kiến thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án đường tránh Cai Lậy do Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh ký, nội dung: "Bộ Xây dựng nhận được Văn bản số 1774/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 27/3/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị góp ý kiến thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560 đến Km2014+000 tỉnh Tiền Giang theo hình thức BOT, kèm theo Hồ sơ Dự án do Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng công trình 625 lập tháng 12/2013.

Sau khi nghiên cứu Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Dự án được lập với quy mô mặt cắt ngang tuyến đường chưa phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải vùng kinh tế trong điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/2011/QĐ-TTg ngày 24/1/2011. Những nội dung thay đổi này cần được chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

Nhằm đảm báo hiệu quả Dự án, trong quá trình triển khai bước thiết kế tiếp theo, Liên danh Nhà đầu tư và các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, bổ sung một số nội dung: Về việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dụng: Danh mục tiêu chuẩn áp dụng cho Dự án tồn tại một số tiêu chuẩn đã hết hiệu lực như: TCXDVN 362:2005 đã được thay thế bằng TCVN 9257:2012; TCVN 4601:1988 đã được thay thế bằng TCVN 4601:2012; TCVN 4451:1987 đã được thay thế bằng TCVN 4451:2012.

Một đoạn trong văn bản về ý của Bộ Xây dựng liên quan đến việc xây dựng đường tránh Cai Lậy
Một đoạn trong văn bản về ý của Bộ Xây dựng liên quan đến việc xây dựng đường tránh Cai Lậy

Đối với đoạn tuyến tránh thị trấn Cai Lậy từ Km1987+560 đến Km1998+661, phần lớn tuyến đi qua khu vực có địa chất phức tạp với chiều dày lớp đất yếu từ 4-9 mét. Tư vấn thiết kế đã đề xuất giải pháp bấc thấm kết hợp gia tải để xử lý nền đất yếu cho tuyến đường.

Trong quá trình triển khai, sau khi đã có các số liệu chi tiết về khảo sát địa chất công trình, đề nghị nghiên cứu, đề xuất thêm giải pháp xử lý nền đất yếu đặc biệt đối với những vị trí tuyến đắp trên lớp đất yếu có chiều dày lớn nhằm đẩy nhanh tốc độ cố kết của đất nền, rút ngắn được tiến độ thi công xây dựng của Dự án.

Tuyến đường đã được điều chỉnh hướng tuyến tránh thị trấn Cai Lậy, do vậy phạm vi tuyến mới này cần phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận về sự phù hợp quy hoạch xây dựng của địa phương và đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực.

Hạng mục cống thiết kế do Tư vấn đã đề xuất tồn tại nhiều cống đặt xiên so với đường (góc giao nhỏ) điều này không tạo êm thuận cho các phương tiện giao thông. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu giải pháp tại các vị trí tiếp giáp đường và cống (cầu) nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Như vậy, ngoài việc làm trái quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã quyết thực hiện dự án này cho dù còn khá nhiều vấn đề cho thấy con đường hình thành xong sẽ có nhiều bất cập về sau.

Hữu Danh