1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quy hoạch “băm nát” Hà Nội: Những giá trị quý giá nhất đang bị đánh mất

(Dân trí) - Đề cập vấn đề quy hoạch Hà Nội, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy cho rằng, cần có những nghiên cứu để bảo tồn phát huy những giá trị vốn có, đặc biệt là các khu ven đô. "Đáng lẽ, cần phải gìn giữ phát huy các giá trị truyền thống, thì hiện nay chúng ta lại đang bị mất đi những không gian đó...", Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy nói.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch đô thị tại Hà Nội, phóng viên Dân trí đã cuộc phỏng vấn Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy, giảng viên khoa Kiến trúc và Qui hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), người đã có hơn 10 năm sinh sống, làm việc tại Pháp và từng dành nhiều thời gian tham quan các đô thị, thành phố nổi tiếng trên thế giới.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa ra nhận xét: Chúng ta đang phải trả giá vì qui hoạch “băm nát” Hà Nội” (Ảnh minh họa: Mạnh Thắng).
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa ra nhận xét: "Chúng ta đang phải trả giá vì qui hoạch “băm nát” Hà Nội” (Ảnh minh họa: Mạnh Thắng).

- Nhận xét mới đây của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội “Chúng ta đang phải trả giá vì qui hoạch “băm nát” Hà Nội” đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Vậy, ông có ý kiến gì về nhận xét này?

- Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Việt Huy: Quy hoạch và phát triển đô thị bao gồm hai việc chính, đó là: Lập quy hoạch và tổ chức thực hiện các quy hoạch đó. Việc lập quy hoạch là việc không hề đơn giản, đòi hỏi các chuyên gia phải có tầm nhìn chiến lược, các tính toán, dự đoán chính xác và dài lâu. Nhưng việc thực hiện các quy hoạch đó còn khó khăn gấp bội, bởi trong một quá trình phát triển lâu dài sẽ kéo theo rất nhiều những biến đổi cần phải cập nhật sao cho các biến đổi đó không ảnh hưởng đến các tính toán quy hoạch đã được hoạch định. Hà Nội cũng không nằm ngoài những quy luật đó.

Chính vì vậy, quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cũng gặp phải những thách thức mà điều đầu tiên phải nói đến là áp lực tăng trưởng dân số. Sự bùng nổ dân số luôn là vấn đề nan giải nhất trong mọi đô thị phát triển. Tăng trưởng dân số mất kiểm soát luôn kéo theo các hệ lụy như các vấn đề về tắc nghẽn giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, thiếu chỗ ở cho người nghèo và đặc biệt là dân nhập cư; số lượng lao động đông nhưng không mạnh, không chuyên nghiệp…

Chính vì thế, khi lập quy hoạch, nếu việc tính toán các dự đoán về phát triển dân số thiếu tính chính xác thì việc thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hà Nội cũng không phải ngoại lệ.

Thách thức thứ hai là các vấn đề về quản lý đô thị, các hệ thống pháp luật trong quy hoạch xây dựng chưa hoàn chỉnh. Điều này sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong quá trình thực hiện quy hoạch như: vấn nạn quy hoạch treo, thủ tục hành chính rườm rà; tồn tại nhiều loại quy hoạch chồng chéo, dàn trải, thiếu tính khả thi; thiếu các tiêu chuẩn quy hoạch cụ thể…

Vì vậy, đi đôi với việc lập các quy hoạch, thì xây dựng các hành lang pháp lý, các quy chế quản lý trong quy hoạch, minh bạch công khai các thông tin quy hoạch là những điều luôn cần phải thực hiện song hành, từ đó việc thực hiện quy hoạch mới có thể tốt được.

Thách thức thứ ba là các vấn đề áp dụng các khoa học công nghệ mới, học tập việc đi trước của các nước phát triển trong việc lập quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, phương pháp lập quy hoạch chưa thực sự đổi mới. Các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch trong nước còn rất mỏng, sự hợp tác, liên kết với các chuyên gia quy hoạch quốc tế còn chưa nhiều. Mặc dù những năm gần đây, đã có những kết hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực này với các nước phát triển như Pháp, Mỹ, Nhật…

Vì vậy, nếu chỉ có một nhận xét hết sức chung chung, không có sự phân tích thấu đáo căn nguyên nào, thách thức hay khó khăn từ đâu, thì việc cải thiện tình trạng hiện nay sẽ trở lên rất khó khăn hay có thể nói là bế tắc.

Tăng trưởng dân số mất kiểm soát kéo theo rất nhiều hệ lụy như ùn tắc giao thông, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, thiếu chỗ ở cho người nghèo...(Ảnh minh họa: Nguyễn Dương).
Tăng trưởng dân số mất kiểm soát kéo theo rất nhiều hệ lụy như ùn tắc giao thông, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, thiếu chỗ ở cho người nghèo...(Ảnh minh họa: Nguyễn Dương).

- Ông đã từng có nhiều thời gian sinh sống tại Pháp, cũng như từng nghiên cứu về các thành phố nổi tiếng trên thế giới, ông thấy đô thị của họ thế nào so với Thủ đô Hà Nội?

- Như chúng ta đã biết, châu Âu là châu lục già, nơi tồn tại rất nhiều các đô thị cổ, nhưng chúng ta phải hiểu có hai loại đô thị: Đô thị bắt nguồn từ đô thị và đô thị bắt nguồn từ làng xã.

Ví dụ thành phố Rome của Italia, là một đô thị bắt nguồn từ đô thị, hay Paris là đô thị bắt nguồn từ làng xã. Sở dĩ tôi nói đến điều này, vì chúng ta phải hiểu rõ bản chất đô thị, thì việc đánh giá và phân tích cũng như đưa ra các giải pháp cho việc phát triển đô thị và bảo tồn các di sản mới đạt hiệu quả tốt nhất.

Paris là một ví dụ khá tốt về những phân tích đó, ngoài việc gìn giữ các giá trị của văn hóa, của lịch sử như khu làng cổ But aux caille hay khu làng cổ Montmarne... việc bảo tồn các khu phố cũ để luôn đảm bảo mật độ dân số, mật độ xây dựng hay mặt độ giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật là rất quan trọng... Ngoài ra, các khu đô thị mới cũng được tính toán khá kỹ lưỡng về khoảng cách, về cao độ, về các yếu tố tác động tương tác lẫn nhau như khu La defence hay khu thành phố Marne la vallet.

Hà Nội cũng là một đô thị bắt nguồn từ làng xã như Paris. Vì vậy, chúng ta cũng cần có những nghiên cứu để bảo tồn phát huy những giá trị vốn có, đặc biệt là các khu ven đô. Đáng lẽ, chúng ta cần phải gìn giữ phát huy các giá trị truyền thống, thì hiện nay chúng ta lại đang bị mất đi những không gian đó trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Điều này chẳng khác nào chúng ta tự đánh mất những giá trị quý giá nhất mà thiên nhiên và lịch sử để lại.

Còn các vấn đề mà xã hội đang rất bức xúc, đặc biệt là các vấn đề tắc nghẽn giao thông hay sự thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng đô thị... thực ra, cũng dễ hiểu và dễ thông cảm với quần chúng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một nhà chuyên môn, tôi lại có cái nhìn khá lạc quan, bởi vì, không chỉ Hà Nội mà hầu hết các đô thị lớn trên thế giới đều phải đối mặt với vấn đề này. Nếu chúng ta biết cách tháo gỡ, các nhà quản lý thực sự cầu thị, biết lắng nghe những nhà chuyên môn, kiên trì thực hiện theo các giải pháp hợp lý mà khoa học đã chứng minh, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ giải quyết được những vấn đề này.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Dương (thực hiện)