“Quay như chong chóng” tìm chỗ gửi con thời dịch cúm

(Dân trí) - Từ ngày trường học tạm đóng cửa, ngày nào chị Nguyệt cũng phải “tha” hai cậu con đến công ty. Các buổi làm việc trở nên “sống động” hơn vì tiếng trẻ con léo nhéo và sau gần một tuần như thế, sếp đã bắt đầu “không chịu nổi”.

Công sở “loạn” tiếng trẻ

Có lẽ chưa lúc nào công sở ở Hà Nội lại có hiện tượng lạ như thời điểm này: trẻ con đến công sở “làm việc”. Đến cơ quan, công ty, cửa hàng nào cũng có thể thấy vài ba đứa trẻ đang… lóc cóc ngồi gõ máy tính hoặc chạy loăng quăng trong phòng. Dù biết hết sức bất tiện nhưng “xách” con đến chỗ làm việc vẫn là phương án tối ưu của nhiều phụ huynh khi các trường học trên địa bàn phải tạm ngừng hoạt động vì cúm A/H1N1.

Sáng 8/8, chở con đến trường, bất ngờ đọc quyết định trường tạm đóng cửa, chị Nguyễn Thị Hải, nhà ở đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) đành chở con lên cơ quan. Chị Hải ngỡ trường chỉ đóng tạm thời một hai hôm nhưng sau gần một tuần thì chị hoảng thật.  
“Quay như chong chóng” tìm chỗ gửi con thời dịch cúm - 1
Trường học đóng cửa, nhiều người phải “tha” con đến chỗ làm. (Ảnh: Hoài Nam).

“Hôm đầu còn đỡ chứ đến hôm nay thì khá căng thẳng rồi. Mình cũng ngại nhưng giờ chẳng biết làm thế nào với con cả. Anh chị em trong trong cơ quan cũng tạo điều kiện cho mấy người có con nhỏ, nhưng một hai hôm thì không sao...”, chị Hải chia sẻ. Khó xử nhất với chị Hải là cô con gái 5 tuổi của chị rất hiếu động, lục lọi khắp phòng, có hôm còn làm đổ bình nước lênh láng giữa phòng. Hai vợ chồng chị bàn mọi cách nhưng rồi chị cũng đành tiếp tục “lì lợm” đưa con đến chỗ làm.

Gian nan hơn, chị Nguyệt, nhà ở Nguyễn Tuân (Thanh Xuân), làm kế toán cho một công ty thương mại ở đường Trần Đại Nghĩa, phải “dở khóc dở cười” với việc gần tuần nay đưa hai con đến công ty. Hai đứa con của chị, đứa 6 tuổi, đứa 3 tuổi, đều cần phải có người trông.

Chị Nguyệt kể: “Cả công ty có ba chị nữa cũng đưa con đi làm như mình. 5 đứa trẻ đủ để công ty loạn lên, đi ra cũng đụng đi vào cũng đụng phải trẻ con… Có con thì mình không làm được việc vì phải để mắt đến nó, rồi còn phải cho con ăn, ngủ. Mà người khác cũng bị ảnh hưởng”.

Chị Nguyệt cho hay, giám đốc đã gọi bốn bà mẹ lên nhắc nhở về chuyện mấy đứa trẻ: “Cũng biết ý sếp là chấm dứt tình trạng đưa con đến công ty nhưng mình cũng đành… mặc kệ, chứ giờ biết gửi con đâu”. Chị Nguyệt cho biết thêm, nhiều gia đình gần nhà chị có con lớn hơn một chút thì nhốt con trong nhà, đến tầm trưa lại tranh thủ phóng về cho con ăn, ngủ.

“Cực đến thế là cùng! Mấy hôm nữa mà trường học vẫn chưa mở cửa chắc tôi bị… nghỉ việc luôn”, chị Nguyệt lo lắng.

Sau gần một tuần công việc công ty bị “rối” vì đám trẻ con, chị Nguyễn Thu Hường, trưởng phòng nhân sự của một công ty tư vấn kinh tế nằm ở toà nhà cafe Nắng Sài Gòn (Nguyễn Chí Thanh), cho biết công ty đã dứt điểm yêu cầu các bà mẹ chấm dứt việc đưa con đến chỗ làm.

Chị Hường nói: “Cả tuần qua công việc ở công ty bị trì trệ nên buộc phải chỉnh đốn lại. Tuy nhiên công ty cũng tạo điều kiện cho các bà mẹ được đi làm muộn, về sớm hơn. Nếu việc không quá cần thiết có thể giải quyết ở nhà”. 

“Cầu cứu” ông bà

Làm việc cho một công ty nước ngoài, chị Nguyễn Hải Vân, nhà ở Linh Đàm không thể đưa con đến công ty. Ngay hôm đầu trường học đóng cửa, chị với chồng đã phải thay nhau nghỉ làm để trông con. Tối hôm đó cả hai thống nhất gọi điện “cầu cứu” bà nội ở quê ra trông cháu hộ.

Chị Vân bày tỏ: “Bà hơn 60  rồi nhưng rồi thương con vẫn bắt xe từ Hải Dương lên trông cháu. Nhưng bà ở không quen cứ kêu buồn chán, muốn về nhà. Nếu tình trạng trường học đóng cửa kéo dài chắc mình phải tuyển osin gấp”.

Bác Lượng, 67 tuổi, quê tận Hà Tĩnh cũng được vợ chồng con gái đang thuê nhà ở Kim Liên “điều động” ra trông cháu. Trước đó, bác Lượng hoàn toàn không biết đến đại dịch cúm A/H1N1: “Cái hôm nghe con gái tôi trình bày, cả nhà trong quê ngỡ ngàng lắm, cúm chi mà phải đóng cửa cả trường học, trong quê có thấy chi mô. Mấy đứa trong nhà lo là tui ra đây xách vi rút cúm về”.

Vừa bế cậu cháu trai bác Lương vừa than thở: “Ở Hà Nội mới khổ ri chứ ở nhà quê, trường học có đóng cửa thì trẻ con vẫn cứ thả rông thoải mái, có hàng xóm trông hộ nhau hết. Ở ngoài ni thì ai cũng bận”.

Không ít phụ huynh khác lại đành “bấm ruột” gửi trẻ theo giờ cho những nơi trông trẻ mọc lên đột xuất trong mùa dịch cúm, dù không mấy yên tâm mà giá cả rất đắt.

Trong lúc đang loạn lên tìm chỗ gửi con thì anh Khương được hàng xóm mách ở cuối ngõ có người nhận trông trẻ. Mừng như vớ được vàng dù đến nơi biết “bảo mẫu” là bà hàng nước mới “đổi nghề’, dùng cửa hàng của mình mở lớp trông trẻ. “Nói chung là chỗ tồi tàn lắm nhưng vẫn phải trả 70.000 đồng/một ngày. Không yên tâm tý nào nhưng vẫn phải gửi”, anh Khương nẫu ruột.

Hoài Nam