Quảng Trị chi trả bồi thường vụ Formosa

(Dân trí) - Sự cố môi trường biển khiến hàng nghìn ngư dân tỉnh Quảng Trị rơi vào cảnh khó khăn. Nhằm giúp bà con ngư dân sớm có biện pháp chuyển đổi sinh kế để ổn định cuộc sống, tỉnh này đã kịp thời thực hiện việc chi trả tiền bồi thường do Chính phủ phân cấp cho bà con.

Ngày 16/11, tỉnh Quảng Trị đã triển khai chi trả bồi thường cho các hộ ngư dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại huyện Vĩnh Linh. Theo đó, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên của tỉnh này thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho ngư dân.

Quảng Trị triển khai chi trả bồi thường thiệt hại sự cố môi trường vụ Formosa

Từ nguồn kinh phí của Chính phủ phân bổ cho tỉnh Quảng Trị là 500 tỷ đồng, tỉnh này đã tạm cấp cho các địa phương bị ảnh hưởng hơn 200 tỷ đồng để thực hiện chi trả bồi thường cho ngư dân. Việc chi trả bồi thường cho các hộ bị ảnh hưởng được xem là động thái tích cực giúp bà con ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn để sớm có biện pháp chuyển đổi phương thức đánh bắt phù hợp, nhằm ổn định cuộc sống.

Sự cố môi trường biển đã gây ảnh hưởng đến đại bộ phận ngư dân Quảng Trị, số lượng tàu thuyền là hơn 2.600 chiếc, lao động khai thác biển gần 5.000 người, nuôi trồng thủy sản 830 ha, người lao động mất thu nhập khoảng 16.000 người, sản phẩm lưu kho đông lạnh không bán được 1.300 tấn...

Các cán bộ tư vấn cho ngư dân trước khi làm thủ tục nhận tiền
Các cán bộ tư vấn cho ngư dân trước khi làm thủ tục nhận tiền

Theo đó, 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển gồm: Khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thủy sản.

Đợt này, huyện Vĩnh Linh được tạm cấp hơn 33 tỷ đồng. UBND huyện Vĩnh Linh đã phân bổ cho xã Vĩnh Thạch với số tiền gần 12 tỷ đồng để thực hiện chi trả cho khoảng 257 đối tượng, gồm chủ tàu và lao động biển.

Để đảm bảo việc chi trả công bằng, khách quan chính xác cho các đối tượng, chính quyền địa phương đã rà soát, lên danh sách công khai, xây dựng kế hoạch chi tiết. Chính quyền đã lập Hội đồng giám sát chi trả bồi thường, hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân.

Xem lại danh sách các đối tượng nhận tiền được niêm yết công khai
Xem lại danh sách các đối tượng nhận tiền được niêm yết công khai

Ngư dân Nguyễn Xuân Miên là hộ làm biển lâu năm tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch cho biết, từ tháng 4 đến nay, sự cố môi trường biển đã khiến việc đánh bắt bị ngưng trệ, gia đình rơi vào cảnh khó khăn do nguồn thu nhập bị sụt giảm. Nhận số tiền bồi thường đợt này ông Miên dự định sẽ tu bổ lại tàu thuyền, sắm thêm ngư lưới cụ để tiếp tục ra khơi đánh bắt.

Ngư dân Nguyễn Văn Vy cho biết, với số tiền nhận đợt này tui sẽ đầu tư mua sắm thêm ngư cụ, sửa lại tàu thuyền để đánh bắt, ổn định cuộc sống. “Lúc trước, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào nguồn thu nhập từ việc đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, mấy tháng trời không đi biển đã khiến đời sống gia đình rất vất vả”.

Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, cho biết: “Theo tinh thần chỉ đạo, công văn của Bộ NN-PTNT, tỉnh đã họp và quán triệt chỉ đạo việc đền bù. Công tác kê khai đền bù do người dân kê khai, có sự giám sát của Ban đền bù các cấp khu phố, thôn, xã”.

“Hội đồng đền bù của huyện đã tổ chức thẩm định, báo cáo kết quả để phân bổ tiền đền bù cho người dân. Trước lúc cấp tiền, tổ chức niêm yết công khai, lấy ý kiến người dân, khi không có vướng mắc mới triển khai đền bù”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho hay, trong quá trình triển khai có nhiều ý kiến, vướng mắc đã được giải đáp kịp thời. Sau thời gian niêm yết, không có hộ nào ở Vĩnh Thạch có ý kiến thắc mắc.

Việc chi trả tiền cho người dân được giám sát khá chặt chẽ
Việc chi trả tiền cho người dân được giám sát khá chặt chẽ

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, nhận thấy rằng việc thống kê, đánh giá để đền bù thiệt hại cho ngư dân và người bị ảnh hưởng là rất quan trọng, Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã đã vào cuộc quyết liệt cùng cả hệ thống chính trị đã rất tích cực. Đến nay đã thống kê, niêm yết, lấy ý kiến công khai của tất cả người dân. Việc chi trả đền bù kịp thời sẽ giúp người dân có kinh phí để cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống lâu dài.

Những ngày tới, các địa phương gồm: Vĩnh Linh, Hải Lăng, Gio Linh… tiếp tục triển khai thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho các hộ ngư dân bị ảnh hưởng.

Đăng Đức