Quảng Bình lập hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển

(Dân trí) - Sáng 4/7, UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức cuộc họp bàn đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra và bàn các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung và giải pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, phương án đền bù cho ngư dân vùng ảnh hưởng, vào ngày 3/7, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại sự cố môi trường biển và tổ chức cuộc họp nhằm đưa ra những giải pháp tổng thể để khắc phục sự cố và ổn định sản xuất phù hợp với quy định và thực tế ở các địa phương trong tỉnh.


Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, chủ trì cuộc họp đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển.

Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, chủ trì cuộc họp đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở ngành và địa phương bị ảnh hưởng đã báo cáo tình hình thiệt hại trên các lĩnh vực. Cụ thể, ước tính thiệt hại của lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, kinh doanh thủy sản và nghề muối tính đến tháng 6 năm 2016 là trên 1.255 tỷ đồng và dự kiến đến hết năm 2016 là 2.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, với bờ biển dài 116km và ngư trường và vùng đặc quyền kinh tế hơn 20.000km2 nên thiệt hại về môi trường và nguồn lợi thủy sản hết sức to lớn, trong đó môi trường sống của các loại thủy hải sản bị phá hủy, có một số loại thủy sản gần như tuyệt chủng và sản lượng khai thác thủy sản giảm từ 40 đến 60%.

Cùng với đó, sau sự số môi trường biển, ước tính đến tháng 6/2016, thiệt hại về du lịch gần 1.393 tỷ đồng và đến hết năm 2016 là 1.670 tỷ đồng.

Tổng thiệt hại ước tính đến hết tháng 6 của toàn tỉnh là 2.662 tỷ đồng và đến hết năm 2016 là khoảng 4.000 tỷ đồng.

Tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung do Công ty Formosa gây ra
Tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung do Công ty Formosa gây ra

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá thiệt hại sự cố môi trường biển của tỉnh đã tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến về một số vấn đề liên quan đến việc đánh giá chính xác giá trị thiệt hại, và các giải pháp hỗ trợ kịp thời, công bằng và cho các đối tượng bị ảnh hưởng như: cần xác định và đặt ra tiêu chí thiệt hại theo từng lĩnh vực để có đánh giá chính xác, công bằng; phải thành lập tổ giúp việc cho Hội đồng để việc đánh giá sát thực tế; số liệu thống kê thiệt hại cần chi tiết, chính xác và cụ thể theo từng lĩnh vực…

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng đến đời sống, tâm lý của từng người dân trong tỉnh. Đặc biệt, ngành nông nghiệp và du lịch đã bị tác động khủng khiếp, nhất là ngành du lịch của tỉnh đã thực sự bị đình trệ.

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương cần triển khai thực hiện việc đánh giá thiệt hại theo nguyên tắc đảm bảo chính xác, đúng luật và công bằng cho người dân; việc đánh giá thiệt hại không chỉ đến cuối năm 2016 mà cần đánh giá đến cả những năm tiếp theo và lâu dài.

Hội đồng đánh giá cần tham khảo hướng dẫn các tiêu chí đánh giá của các Bộ, ngành Trung ương và 3 tỉnh bị ảnh hưởng để có sự thống nhất chung; việc đánh giá phải đầy đủ, không bỏ sót và các tiêu chí đánh giá thiệt hại phải thống nhất theo từng lĩnh vực và từ tỉnh đến cơ sở.

Đồng thời, các huyện, thị xã, thành phố chủ động đánh giá, tổng hợp đến ngày 10/7/2016 để báo cáo với tỉnh và ngày 15/7/2016 tỉnh sẽ hoàn thành số liệu để báo cáo Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương.

Đặng Tài