1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quan hệ kình địch Trung - Ấn

Việc Ấn Độ gần đây phóng thành công một tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng với tới Bắc Kinh và Thượng Hải là dấu hiệu mới nhất cho thấy một mối quan hệ cạnh tranh quyền lực mới đang được định hình giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

 

Quan hệ kình địch Trung - Ấn

Khi thế giới bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, một mối quan hệ cạnh tranh quyền lực mới đang được định hình giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai gã khổng lồ của châu Á về lãnh thổ, dân số và mức độ giàu có của người dân. Việc Ấn Độ gần đây phóng thành công một tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng với tới Bắc Kinh và Thượng Hải, là dấu hiệu mới nhất cho thấy diễn biến mối quan hệ này.

 

Đây là một mối quan hệ kình địch hoàn toàn dựa trên địa chính trị công nghệ cao, tạo ra một sự lưỡng phân cốt lõi giữa hai cường quốc mà các mô hình phát triển địa lý của họ trong suốt chiều dài lịch sử hiếm khi chồng lấn nhau hoặc đan xen với nhau. Dù hai nước trải qua một cuộc chiến tranh hạn chế liên quan đến đường biên giới chung tại dãy Himalaya cách đây 50 năm, đằng sau quan hệ cạnh tranh giữa họ có ít sự hận thù sắc tộc hoặc lịch sử.

 

Thực tế địa lý nổi bật liên quan đến Ấn Độ và Trung Quốc là bức tường không thể vượt qua - dãy Himalaya - chia cắt hai bên. Đạo Phật lan rộng dưới nhiều hình thức đa dạng từ Ấn Độ, qua Sri Lanka và Myanmar, tới Vân Nam (miền Nam Trung Quốc) trong thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, nhưng kiểu tương tác văn hóa cơ bản này là một trường hợp ngoại lệ.

 

Hơn nữa, cuộc tranh cãi về phân định đường biên giới chung giữa hai nước dưới chân dãy Himalaya, từ Kashmir ở phía Tây tới Arunachal Pradesh ở phía Đông, không hẳn là nguyên nhân của tình trạng đối địch mới hiện nay. Nguyên nhân của tình trạng này là sự xóa nhòa của khoảng cách mà những tiến bộ trong công nghệ quân sự đã tạo ra.

 

Trên thực tế, vòng cung lý thuyết hoạt động của các máy bay chiến đấu của Trung Quốc tại sân bay Tây Tạng bao chùm cả Ấn Độ. Các vệ tinh không gian của Ấn Độ có khả năng giám sát cả Trung Quốc. Bên cạnh đó, Ấn Độ có khả năng cử tàu chiến tới biển Đông, trong khi chính Trung Quốc giúp phát triển các cảng biển tân tiến tại Ấn Độ Dương. Và như vậy, Ấn Độ và Trung Quốc đang nhìn nhau với "con mắt hình viên đạn".

 

Nhìn vào toàn bộ bản đồ châu Á, các nhà hoạch định quốc phòng tại New Delhi và Bắc Kinh ngày càng thấy rõ rằng hai quốc gia với dân số đông nhất thế giới này (và đều đang trong quá trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng) đang xâm lấn tầm ảnh hưởng của nhau - điều vốn chưa từng tồn tại giữa họ trước thời đại công nghệ hiện nay.

 

Đó là chưa kể tới tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng rộng lớn của Trung Quốc, với những dự án lớn trên toàn khu vực Ấn Độ Dương như Kenya, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar. Điều này cũng khiến Ấn Độ đứng ngồi không yên.

 

Vì mối quan hệ kình địch này mang tính địa lý - dựa trên vị trí của Ấn Độ và Trung Quốc trên bản đồ Á-Âu - nên có ít tình cảm đằng sau nó. Về điểm này, có thể so sánh với cuộc chiến tranh tư tưởng thời chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, vốn không thực sự gần nhau về địa lý và có ít tình cảm chia rẽ họ.

 

Cách tốt nhất để đánh giá mức độ tương đối kiềm chế trong quan hệ kình địch Trung - Ấn là so sánh nó với sự kình địch giữa Ấn Độ với Pakistan. Hai nước Nam Á này là láng giềng của nhau. Vùng đồng bằng sông Hằng đông dân cư của Ấn Độ nằm trong khu vực rộng 480km của  Thung lũng sông Ấn cũng có đông người Pakistan sinh sống. Có một mối thân tình trong căng thẳng Ấn Độ - Pakistan mà không hề tồn tại giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Mối thân tình này bị đốt cháy bởi một yếu tố tôn giáo: Pakistan bị coi là hiện thân của tất cả các cuộc xâm lược của Hồi giáo nhằm vào đạo Hindu ở Bắc Ấn Độ trong suốt chiều dài lịch sử. Và còn có một câu chuyện về sự phân chia tiểu lục địa châu Á - Ấn Độ và Pakistan đều sinh ra trong máu lửa.

 

Một phần vì sự kình địch Ấn Độ - Trung Quốc không có gì giống với mức độ thân tình vong niên này, nên nó phục vụ các lợi ích của cộng đồng chính sách tại New Delhi rất tốt. Một quan hệ thù địch với Trung Quốc sẽ giúp tạo dựng tầm vóc của Ấn Độ vì Trung Quốc là một cường quốc lớn mà giờ đây Ấn Độ có thể được so sánh với họ. Giới lãnh đạo tại Ấn Độ rất ghét bị so sánh với Pakistan, một quốc gia nghèo đói và rối loạn; họ thích được so sánh với Trung Quốc. Giới lãnh đạo Ấn Độ có thể ám ảnh bởi Trung Quốc, trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc nghĩ ít hơn về Ấn Độ. Đó cũng là điều bình thường trong một mối quan hệ thù địch không cân xứng, giống như Hy Lạp luôn lo lắng về Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn người Thổ Nhĩ Kỳ nghĩ về Hy Lạp.

 

Sức mạnh cố hữu của Trung Quốc trong quan hệ với Ấn Độ không chỉ nằm ở chỗ khả năng kinh tế lớn hơn của Trung Quốc, hay họ có một chính phủ uy quyền hơn. Đó còn là vấn đề về địa lý. Đúng là người dân tộc Hán ở Trung Quốc luôn bị bao vây bởi những người thiểu số không phải gốc Hán - như người Nội Mông, người Duy Ngô Nhĩ, và người Tây Tạng - trong các vùng cao nguyên khô cằn hơn ở Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh đã hợp nhất các dân tộc thiểu số này vào nước Trung Quốc để quản lý an ninh nội địa, trong khi những năm gần đây, Bắc Kinh đã giải quyết được các tranh chấp biên giới với các nước láng giềng và ít tranh chấp nào trong số đó đe dọa Trung Quốc.

 

Về phần mình, Ấn Độ từ lâu bị điêu đứng vì biên giới bất ổn, không chỉ với Pakistan mà cả với Nepal và Bangladesh, hai nước nhỏ tạo ra những vấn đề về người tị nạn đối với Ấn Độ. Lại còn các cuộc nổi dậy của người Naxalite tại miền Trung và miền Đông. Kết quả là trong khi hải quân Ấn Độ có thể chiêm ngưỡng việc phô trương sức mạnh tại Ấn Độ Dương - hàng rào chống lại Trung Quốc - thì quân đội Ấn Độ lại bị vướng chân vào một loạt vấn đề bên trong tiểu lục địa này.

 

Ấn Độ và Trung Quốc đang chơi một trò chơi lớn hơn, cạnh tranh về tầm ảnh hưởng kinh tế và quân sự tại Nepal, Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka. Các nơi này nhìn chung nằm trong tiểu lục địa Ấn Độ lớn hơn, vì vậy Trung Quốc đang tấn công vào sân sau của Ấn Độ.

 

Giống như một phép thử sống còn đối với Ấn Độ là tương lai của Afghanistan, phép thử quan trọng đối với Trung Quốc là số phận của CHDCND Triều Tiên. Cả Afghanistan và Triều Tiên đều có khả năng chuyển năng lượng và các nguồn tài nguyên ra khỏi Ấn Độ và Trung Quốc. Trong chuyện này, Ấn Độ có thể có ưu thế hơn vì không có biên giới trên bộ với Afghanistan, trong khi Trung Quốc có biên giới trên bộ với Triều Tiên. Vì vậy, một Afghanistan rối loạn sau khi Mỹ rút quân sẽ gây ít rắc rối với Ấn Độ hơn là một chế độ tan rã tại Triều Tiên đối với Trung Quốc, bởi nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ hàng triệu người tị nạn đổ sang vùng Manchuria.

 

Vì dân số Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc vào khoảng năm 2030, trong khi tốc độ già hóa dân số của Ấn Độ sẽ chậm hơn của Trung Quốc, nên nói một cách nào đó thì Ấn Độ có thể có một tương lai tươi sáng hơn. Với hệ thống dân chủ không hiệu quả của Ấn Độ, nước này không phải đối mặt với các vấn đề cơ bản về tính hợp pháp, điều mà hệ thống cầm quyền của Trung Quốc luôn phải cố để bảo toàn.

 

Sau nữa, Trung Quốc còn mắc phải vấn đề Tây Tạng. Khu vực này tiếp giáp với tiểu lục địa Ấn Độ, nơi Ấn Độ và Trung Quốc tranh chấp về biên giới trên bộ dưới chân dãy Himalaya. Nếu Trung Quốc càng ít kiểm soát được Tây Tạng, thì lợi thế địa chính trị sẽ càng thuộc về Ấn Độ. Nhớ rằng Ấn Độ đã cho phép lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng Đạt lai Lạt ma trú ngụ tại nước này.

 

Như vậy, trong khi Trung Quốc rõ ràng là một nước lớn hơn, nhưng Ấn Độ lại có nhiều lợi thế hơn trong mối quan hệ kình địch giữa hai nước này.

 

Ấn Độ và Mỹ không phải là đồng minh chính thức. Thể chế chính trị ở Ấn Độ - với các đặc điểm mang tính dân tộc và thiên tả của họ - sẽ không bao giờ cho phép điều đó. Nhưng chủ yếu vì vị trí địa lý của Ấn Độ là cầu nối giữa Ấn Độ Dương và trung tâm biển Á - Âu, sự gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế của Ấn Độ có lợi cho Mỹ vì nó như một đối trọng với sức mạnh đang lên của Trung Quốc. Mỹ không bao giờ muốn thấy một cường quốc chế ngự Đông bán cầu như họ đang làm ở Tây bán cầu. Đó là niềm an ủi của Mỹ trong mối quan hệ kình địch Trung - Ấn: Ấn Độ đối trọng lại Trung Quốc, và từ đó giúp Mỹ một số gánh nặng của việc là một cường quốc bá chủ thế giới.

 

Theo Châu Giang

Vietnamnet/Stratfor