Quặn đau đám tang bác sĩ chết dưới lưỡi dao man rợ

Đến hôm nay, người dân ở huyện Vũ Thư vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ án mạng xảy ra tại bệnh viện đa khoa Vũ Thư. Ai ai cũng cảm thấy phẫn nộ trước hành động điên cuồng của hung thủ và thương xót cho bác sĩ Phạm Đức Giầu.

 

Quặn đau đám tang bác sĩ chết dưới lưỡi dao man rợ - 1
Đám tang người bác sĩ nghèo xấu số

Nỗi đau những người còn sống

Bác sĩ Giầu ở trong một ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, không có vật dụng gì đáng kể ngoài bộ bàn ghế và chiếc tivi cũ kỹ. Ngôi nhà nhỏ bé nằm khuất dưới bóng cây càng trở nên tang thương, lặng lẽ.

Mặc dù tang lễ đã hoàn tất nhưng từ ngoài cổng vào đến trong nhà đều chật kín người, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng than khóc, thương tiếc cho sự ra đi bất ngờ của bác sĩ Giầu. Mẹ già 84 tuổi của bác sĩ Giầu khóc ngất trước vong linh người con trai xấu số.

Tại nơi để bàn thờ có 4 người phụ nữ gồm mẹ già, vợ cùng 2 người con gái, cả 4 khuôn mặt đều thất thần với đôi mắt đỏ hoe, sưng húp, dường như đã không còn đủ nước mắt để khóc nữa. Cả 4 người phụ nữ này giờ vẫn chưa tin việc ra đi của bác sĩ Giầu là sự thật.

Chị Phạm Thị Ngát, em gái bác sĩ Giầu, hiện là trạm trưởng trạm y tế xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, Thái Bình xúc động cho biết: Sự ra đi của anh Giầu là một mất mát, tổn thất lớn đối với gia đình. Ở nhà, bác sĩ Giầu là một người chồng, người cha hết sức mẫu mực, luôn chăm lo, vun vén cho gia đình. Ngoài giờ làm, anh Giầu lại vội vàng về nhà để cùng gia đình lo tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Quặn đau đám tang bác sĩ chết dưới lưỡi dao man rợ - 2
Người thân đưa tiễn bác sĩ Giầu đến nơi an nghỉ cuối cùng

Hai con gái của bác sĩ Giầu là Phạm Thị Lý hiện vừa học liên thông lên Đại học vừa làm hợp đồng tại bệnh viện huyện Vũ Thư còn em gái Phạm Thị Linh đang giảng dạy tại trường cấp 3 tư thục Hùng Vương, huyện Vũ Thư. Cả 2 con gái của bác sĩ Giầu đều chưa lập gia đình.

Khoảng 1 giờ sáng ngày 16/8, trong lúc cả nhà em đang ngủ thì nhận được điện thoại của một người hàng xóm gọi về thông báo là bố em bị hành hung khi đang trực đêm, hiện đang cấp cứu tại viện. Cả nhà vội vàng lên viện, thì…bố em đã không còn. "Cả nhà em rất ân hận vì không lên kịp để gặp bố em lần cuối”, nói đến đây thì cô con gái thứ 2 Phạm Thị Linh òa lên khóc nức nở.

“Trong nhà, anh Giầu là người đàn ông duy nhất nên vừa là chỗ dựa về mặt tinh thần và cũng là chỗ dựa về cả mặt kinh tế. Cả nhà đều trông chờ vào đồng lương bác sĩ còm cõi từ anh” - vợ bác sĩ Giầu nói.

Người thầy thuốc tận tụy

Được biết sau giải phóng miền Nam, năm 1976, bác sĩ Giầu xuất ngũ và vào học ngành y tại trường Đại học Răng Hàm Mặt (nay là trường Y dược TP.HCM). Năm 1985, sau khi ra trường, bác sĩ Giầu về công tác tại Bệnh viện 2 Vũ Thư và giữ chức phó Bí thư Đảng ủy. Đến năm 2005, khi  bệnh viện 1 và 2 ghép lại thành Bệnh viện huyện Vũ Thư thì bác sĩ Giầu về công tác tại khoa ngoại  3 chuyên khoa.

Quặn đau đám tang bác sĩ chết dưới lưỡi dao man rợ - 3
Đồng nghiệp thắp nén nhang viếng hương hồn bác sĩ Giầu

Làm việc cùng nhau suốt 16 năm, Bác sĩ Doãn Trường Thi, phó Trưởng khoa ngoại 3 chuyên khoa, Bệnh viện huyện Vũ Thư hiểu về bác sĩ Giầu hơn ai hết. Trong mắt vị phó khoa này, trong công việc, bác sĩ Giầu luôn mẫn cán tận tụy, tính cách hiền lành, giản dị và luôn hòa đồng với mọi người.

“Tan giờ làm là anh Giầu vội vàng về nhà ngay để phụ giúp gia đình việc nhà, chăn con lợn, con gà, làm việc đồng áng. Anh ấy không chơi thể thao, hầu như chưa bao giờ đi tham quan. Những lần cơ quan tổ chức đi tham quan anh Giầu đều ở nhà trực, số tiền trực ít ỏi 50 - 100 nghìn đồng anh ấy dùng để lo việc học hành cho hai con. Với anh ấy, con cái và gia đình là quan trọng nhất. Chỉ một lần đầu năm nay, cơ quan ai cũng ngạc nhiên khi anh Giầu đi tham quan đền Hùng cùng mọi người. Hôm xảy ra vụ án, lúc đi chơi thể thao về,  qua phòng thấy anh Giầu và anh Hoàn đang nấu cơm ăn, tôi còn nói trêu đùa với anh ý mấy câu, ai ngờ chỉ vài tiếng sau, anh đã không còn trên cõi đời này nữa”, bác sĩ Thi tâm sự.

“Sự ra đi bất ngờ của bác sĩ Giầu là một tổn thất rất lớn đối với bệnh viện và gia đình bởi ngoài là một bác sĩ có chuyên môn tốt, bác sĩ Giầu là một người chồng người cha mẫu mực, hết lòng thương yêu chăm sóc vợ con. Anh ấy cũng là một cựu chiến binh, một đảng viên gương mẫu”, bác sĩ Trung, Viện phó bệnh viện huyện Vũ Thư cho biết.

Cũng qua bác sĩ Trung, chúng tôi được biết thu nhập của bác sĩ Giàu khá khiêm tốn. Dù đã sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng mỗi tháng, kể cả các loại phụ cấp, bác sĩ Giầu chỉ nhận được 3,5 triệu đồng. Tại vùng quê nghèo Vũ Thư, cũng giống như bao bác sĩ khác, bác sĩ Giầu không có phòng mạch tư. Hàng ngày, bất kể đêm khuya, những ai đau ốm trong khu xóm đến nhờ là bác sĩ Giầu đều tận tình tới thăm khám.

Bác sĩ Trung, Viện phó Bệnh viện đa khoa Vũ Thư tỏ ra rất bức xúc khi có thông tin cho rằng sở dĩ xảy ra vụ việc vào đêm 15/8 vừa qua là do kíp trực chưa cấp cứu kịp thời.

“Người nhà bệnh nhân Hùng (kẻ đâm chết anh Giầu) đưa anh ta vào thẳng khoa Ngoại, mà lẽ ra phải đưa vào khoa hồi sức cấp cứu. Nhưng với bệnh viện, cấp cứu là quan trọng nhất, không thể vì đưa vào nhầm khoa mà từ chối. Chính vì vậy bác sĩ Giầu đã tổ chức cấp cứu khẩn cấp, cho y tá gọi thêm bác sĩ Hoàn ở khoa hồi sức cấp cứu sang để phối hợp cứu chữa cho bệnh nhân. Vậy mà, người nhà bệnh nhân lại có thể gây án với hai bác sĩ này…

Sau này, khi tổng kết bệnh án của anh Hùng mới biết anh ta chết trước khi nhập viện. Chúng tôi thật đau đớn khi cứu được bao nhiêu người mà không cứu được đồng nghiệp của mình. Sau khi bị đâm bác sĩ Giầu vừa ôm ngực vừa chạy thẳng đến khoa Nội và nằm gục xuống chiếc ghế băng. Chúng tôi tổ chức cấp cứu ngay tại đó nhưng vô hiệu. Vết thương sâu, thấu ngực, máu ra nhiều quá…” – bác sĩ Trung nhớ lại.
 

Kẻ thủ ác lêu lổng

Về xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư, Thái Bình, khi nhắc đến kẻ đâm chết bác sĩ Giầu, thật ngạc nhiên, hầu hết mọi người đều… không cảm thấy bất ngờ.

Bà H, bán nước đầu làng chép miệng: “Ối giời! Cái bọn tóc xanh tóc đỏ suốt ngạy chạy xe máy ầm ầm, tụ tập nhậu nhẹt ấy có coi ai ra gì. Chỉ khổ cho ông bác sĩ và bố mẹ nó. Nhà có hai mụn con, đứa thì đã chết, đứa thì bị công an bắt”.

Tại công an xã Hòa Bình, chúng tôi được biết gia đình của anh em Hùng và Dũng rất nghèo, phải ở nhờ nhà bác họ. Bố của Hùng và Dũng luôn ốm đau bệnh tật, không có sức khỏe để làm việc. Kinh tế của cả nhà phụ thuộc một tay người mẹ, quanh năm tảo tần làm ruộng, mò cua bắt ốc để nuôi hai anh em.

Hùng (anh trai Dũng) là một thanh niên ngoan, đang làm tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Vũ Thư. Hùng bị bệnh hen từ nhỏ, sức khỏe kém nhưng rất hiếu học. Hùng vẫn vừa đi làm vừa cố gắng học thêm để thi vào Đại học. Trái ngược với anh trai, Dũng lại là một thanh niên hư, sớm bỏ học (bỏ học năm lớp 9), thường xuyên tụ tập chơi bời với nhiều thanh niên hư trong khu vực. Đã nhiều lần, Dũng bị gọi lên Công an xã để giáo dục nhưng vẫn chứng nào tật nấy...
 

Theo nhóm PV - VTCnews