Góp ý Hội nghị TƯ về phòng, chống tham nhũng:

Phòng và chống tham nhũng, có cần thiết giữ ban chỉ đạo?

Một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 5 (dự kiến bế mạc vào ngày mai 15-5) thảo luận, cho ý kiến là công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó có vấn đề xem xét lại mô hình của các ban chỉ đạo cấp tỉnh và trung ương.

Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu ý kiến của ông Vũ Đức Khiển (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH) xung quanh vấn đề này.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dùng từ “phải chăng” để nêu bảy vấn đề được coi là “nguyên nhân gốc rễ, nguyên nhân chủ quan gây ra tệ tham nhũng”, trong đó có vấn đề về mô hình, tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng (BCĐ PCTN).

“Phải chăng” là cách nói chừng mực, mang tính gợi ý nhưng phản ánh một thực tế là vấn đề BCĐ, từ khi QH thảo luận Luật PCTN đã có rất nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm khác nhau đó, không chỉ là ý kiến bằng văn bản của BCĐ Trung ương 6 (2) không đồng tình với việc lập BCĐ trung ương đặt bên hành pháp, khi QH khóa XI chuẩn bị thông qua Luật PCTN tháng 10-2005. Nó còn thể hiện ở những ý kiến không tán thành với việc QH khóa XII sửa Luật PCTN để lập BCĐ ở cấp tỉnh, như phát biểu của một số vị đại biểu QH “muốn bắt chuột thì phải dùng mèo” (chuột khó bắt chuột?).

Nay Trung ương đưa vấn đề mô hình, tổ chức, hoạt động của BCĐ ở cả trung ương và địa phương ra đánh giá lại, bàn lại. Tôi là người có trách nhiệm hồi xây dựng Luật PCTN ở QH khóa XI, tuy không có cơ hội tham gia ý kiến từ quá trình chuẩn bị của Trung ương lần này, song đặc biệt quan tâm.

Câu hỏi lớn…

Cảm nhận đầu tiên qua những gì được thông tin qua báo chí là các phương án đưa ra lần này đã chú ý hơn tới những yêu cầu quy về một đầu mối sức mạnh của Đảng và Nhà nước để phát huy, sử dụng mạnh mẽ hơn các thiết chế hiện có, tránh phần nào tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Tuy nhiên, cũng qua các phương án được chuẩn bị, thấy có điều đáng bàn là có cần thiết duy trì một BCĐ - dù đặt bất cứ đâu nhưng lại kiêm nhiệm, khó phân định quyền hạn mà lại dễ có nguy cơ chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, vừa dễ tránh né, vừa dễ đùn đẩy trách nhiệm, như thực tiễn BCĐ về PCTN và biết bao BCĐ khác đang tồn tại?
 
Phòng và chống tham nhũng, có cần thiết giữ ban chỉ đạo?
Xét xử một vụ án tham nhũng tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Bộ máy nhà nước ta đã có đầy đủ các cơ quan xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tham nhũng. Nhà nước có thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử thực hiện chức năng theo pháp luật. Bộ máy Đảng có hệ thống cơ quan tổ chức, kiểm tra với biết bao chân rết để giám sát, phát hiện, kiểm tra, xử lý đảng viên có dấu hiệu vi phạm, thực hiện chức năng theo điều lệ và các quy định của Đảng. Vậy nên, giải pháp để chấn chỉnh, đưa vào nề nếp công tác PCTN, để thực sự phòng ra phòng, chống ra chống, phải là buộc các hệ thống này, cơ quan này thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của mình, đồng thời hoàn thiện các thiết chế để giám sát việc thực hiện chức trách ấy.

… và lời giải

Những bế tắc trong công tác PCTN hiện nay, nếu được tiếp cận như vậy thì trả lời câu hỏi trên, theo tôi là không nhất thiết phải thành lập các BCĐ cả ở trung ương và địa phương. Thay vào đó, hãy kiện toàn, nâng cao vị thế và trách nhiệm chính trị của thiết chế có sẵn - Ủy ban Tư pháp của QH - để giám sát mạnh mẽ hơn, sát sườn hơn công tác PCTN. Hoàn toàn có thể giới thiệu đồng chí ủy viên Bộ Chính trị - chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương để cử tri bầu làm đại biểu QH, sau đó QH bầu làm phó chủ tịch QH kiêm chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp. Sự lồng ghép ấy sẽ đảm bảo sự thống nhất, phối hợp giữa công tác kiểm tra Đảng với công tác giám sát của QH, mà trực tiếp là giám sát về PCTN.

Ngoài ra, ủy viên Ủy ban Tư pháp nên là các đại biểu QH đến từ các cơ quan kiểm tra, nội chính của Đảng và đặc biệt là đại diện MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Luật gia, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ - với tiêu chuẩn trong sạch, dám chống và có năng lực chống tham nhũng.

Gắn kiểm tra của Đảng với giám sát của QH

Với bộ máy ấy, có thể sửa đổi một chút Luật Tổ chức QH để phân định rõ hơn quyền hạn của Ủy ban Tư pháp của QH như sau:

Tại mỗi kỳ họp QH, Ủy ban Tư pháp báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về tham nhũng và công tác điều tra, thi hành các bản án, quyền định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật về các vụ án tham nhũng; thẩm tra báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao về công tác truy tố, thực hiện quyền công tố trước tòa trong các vụ án tham nhũng và công tác kiểm sát hoạt động tư pháp về PCTN; thẩm tra báo cáo của chánh án TAND Tối cao về công tác xét xử các vụ án tham nhũng.

Ủy ban Tư pháp có quyền yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao báo cáo việc xem xét, giải quyết vụ việc tham nhũng cụ thể khi thấy cần thiết và trình QH ý kiến của Ủy ban Tư pháp về vụ việc này.

Cùng với Luật Tổ chức QH, Luật PCTN và một số luật khác cũng có thể cần điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.

Với những điều chỉnh, sửa đổi ấy, điều dễ thấy là giảm bớt sự cồng kềnh, tốn kém so với giải pháp vẫn tồn tại BCĐ, vẫn kết hợp, phát huy được sức mạnh của các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác PCTN mà đặc biệt là chống tham nhũng. Qua đó phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hiện đã được giao chức năng về PCTN, tạo cơ chế kết nối, phối hợp với công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật của Đảng, đồng thời tăng cường được vị trí, vai trò, trách nhiệm của QH, mà trực tiếp là Ủy ban Tư pháp, trong hoạt động giám sát, thúc đẩy công tác PCTN.

Vũ Đức Khiển - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH

Theo PLTPHCM