Phó Thủ tướng nhắc nhở Chủ tịch 8 tỉnh, thành tăng số người chết vì TNGT

(Dân trí) - Liên quan đến những tồn tại trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh việc phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị buông lỏng trong quản lý, dung túng vi phạm, tiêu cực, làm trái quy định...

Sáng nay (21/10), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chủ trì cuộc họp Sơ hết 9 tháng đầu năm về an toàn giao thông (ATGT).

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - nhắc nhở lãnh đạo các địa phương tại cuộc họp sáng 21/10
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - nhắc nhở lãnh đạo các địa phương tại cuộc họp sáng 21/10

Trong 9 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra hơn 14.300 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết hơn 6.100 người, bị thương gần 11.800 người. So với cùng kỳ năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong đó, TNGT giảm 966 vụ, giảm 330 người chết và 1.810 người bị thương. Có 43 tỉnh, thành phố số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng “lưu ý” 15 tỉnh, thành phố có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2016. Trong đó, Phó Thủ tướng “nhắc nhở” Chủ tịch UBND kiêm trưởng Ban ATGT của 8 địa phương do có số người chết tăng trên 10% là: Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Trị, Cần Thơ, Hải Phòng, Tuyên Quang, Hậu Giang, Lai Châu, đặc biệt là 2 tỉnh Hậu Giang, Lai Châu có số người chết tăng trên 40%.

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị thủ trưởng các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị xác định rõ và nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, kéo giảm TNGT từ 5-10% của năm 2017 so với năm 2016; khắc phục ùn tắc giao thông trên các trục chính và tại các thành phố lớn.

Đánh giá những mặt còn hạn chế trong các mặt công tác thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT quý III và 9 tháng đầu năm 2017, Phó Thủ tướng lưu ý về trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị.

Theo Phó Thủ tướng, công tác đảm bảo trật tự ATGT phải gắn và xử lý trách nhiệm của người đứng địa phương, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành đã được các Bộ, ngành, đoàn thể và đặc biệt là cấp uỷ, chính quyền các địa phương.

“Một số nơi còn tình trạng cấp Ủy, đứng đầu chính quyền địa phương, đơn vị chức năng chưa sâu sát, thiếu quyết liệt, để tồn tại hiện tượng buông lỏng trong quản lý nhà nước và thực thi pháp luật, dung túng vi phạm, tiêu cực, làm trái quy định, đặc biệt là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý xe ô tô chở khách theo hợp đồng, bến bãi đường bộ, bến thuỷ nội địa không phép, hành lang an toàn giao thông...” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành về ATGT
Lãnh đạo Chính phủ khẳng định việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị trong chỉ đạo, điều hành về ATGT

Về cải tạo đường ngang, xử lý lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, một số địa phương vẫn chưa cương quyết xử lý lối đi tự mở qua đường sắt, để người dân phá dỡ cọc thu hẹp lối đi tự mở, dẫn đến tai nạn, đơn cử như vụ tại nạn đường sắt tại địa bàn xã Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội ngày 3/7 vừa qua.

Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, việc chấn chỉnh các dự án nạo vét luồng đường thuỷ nội địa kết hợp tận thu cát sỏi và quản lý nhà nước về khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông Bộ Giao thông vận tải đã dừng cấp mới, đồng thời yêu cầu dừng dừng hoạt động toàn bộ các dự án đang triển khai cho đến khi hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan.

Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng một số địa phương cấp phép khai thác cát sỏi trên sông, nhưng lại buông lỏng quản lý, để diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép, ngoài phạm vi được cấp, vi phạm luồng đường thuỷ nội địa và khu vực gần bờ, làm biến đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, như: Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang…

Đối với Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, các giải pháp quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân gắn với phát triển vận tải công cộng còn triển khai chậm, chưa có giải pháp căn cơ và duy trì hiệu quả lập lại trật tự đô thị.

Châu Như Quỳnh