Phó Thủ tướng đánh giá cao ngành tư pháp của TT-Huế

(Dân trí) - “Các ngành tòa án, viện kiểm sát và cơ quan điều tra của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những tiến bộ trong việc thực hiện tố tụng như ít án sai, không có án oan, không phải bồi thường, bồi hoàn...” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.

Ngày 26/3, Đoàn công tác Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo với đoàn việc thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, quá trình thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của pháp luật cũng như những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW và Kết luận 79-KL/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án, viện kiểm sát và cơ quan điều tra theo Nghị quyết 49.

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, kiến nghị và đề xuất của lãnh đạo tỉnh và các thành viên trong đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao về công tác chuẩn bị và hiệu quả kết quả bước đầu của địa phương trong quá trình thực hiện các nội dung về cải cách tư pháp. Các ngành tòa án, viện kiểm sát và cơ quan điều tra của tỉnh đã có những tiến bộ trong việc thực hiện tố tụng như ít án sai, không có án oan, không phải bồi thường, bồi hoàn...

Phó Thủ tướng đánh giá cao ngành tư pháp của TT-Huế
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (đứng) đang làm việc với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 26/3

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” xác định: xây dựng bộ máy tư pháp độc lập hiệu quả, bảo vệ chân lý, bảo vệ nhân phẩm và tài sản của tổ chức, công dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần thận trọng, khoa học. Thừa Thiên - Huế đang triển khai Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vì vậy trong quá trình thực hiện, luôn đảm bảo nguyên tắc dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của Hội đồng Nhân dân.

Để tháo gỡ những vướng mắc, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có lộ trình rõ ràng, thống nhất phương án cải cách tư pháp để báo cáo lên Ban cải cách tư pháp Trung ương; chuẩn bị kỹ phương án để thực hiện thành lập toà án nhân dân sơ thẩm khu vực. Thừa Thiên - Huế nên chọn phương án có 5 toà án nhân dân sơ thẩm khu vực. Đối với việc thành lập Viện kiểm sát khu vực, Huế đề nghị chuyển đổi 9 Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hiện nay thành các Viện kiểm sát khu vực.

Phó Thủ tướng khẳng định, cải cách tư pháp là để đáp ứng quá trình phát triển của đất nước và phù hợp với xu hướng trên thế giới. Do vậy, trong quá trình thực hiện cần thận trọng, khoa học, thực hiện đúng như tinh thần Kết luận 79 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án, viện kiểm sát và cơ quan điều tra theo Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp đến năm 2020.

 
Đại Dương