1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Philippines muốn sử dụng thiết bị quân sự Mỹ để bảo vệ biển

(Dân trí) - Philippines hôm nay 12/8 cho hay nước này sẽ yêu cầu được sử dụng thêm các tài sản quân sự của Mỹ nhằm bảo vệ lãnh hải của nước này, khi đàm phán về mở rộng một thỏa thuận quân sự với Mỹ bắt đầu vào tuần này.

 

Philippines nhận tàu chiến thứ 2 từ Mỹ, quyết tăng cường tuần tra trên biển
Philippines làm lễ tiếp nhận chiếc tàu chiến BRP Ramon Alcaraz mua của Mỹ vào ngày 6/8 vừa qua.
 
Theo Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, hai đồng minh lâu năm Mỹ-Philippines  đã nhất trí về nguyên tắc cho phép sự hiện diện lớn hơn của quân đội Mỹ trên đất Philippines.

 

Ông cũng cho hay các cuộc đàm phán mở rộng thỏa thuận quân sự giữa hai nước sẽ tập trung vào các quy định cho sự hiện diện lớn hơn của quân đội Mỹ và Philippines muốn thỏa thuận sẽ giúp xây dựng khả năng phòng thủ của Philippines.

 

“Chúng tôi đã sẵn sàng dùng mọi nguồn lực, nhằm kêu gọi mọi đồng minh, làm những gì cần thiết, để bảo vệ những gì của chúng tôi, đảm bảo an ninh cho đất nước và giữ an toàn cho người dân của chúng tôi”, ông cho hay.

 

Philippines hiện đang tìm kiếm sự giúp đỡ lớn hơn từ đồng minh Mỹ trong bối cảnh tranh chấp biển đảo với đối thủ Trung Quốc trên Biển Đông ngày càng tăng nhiệt.

 

Trong khi khẳng định không đứng về phía bên nào trong cuộc tranh chấp, nhưng Mỹ đang tìm kiếm tái xây dựng dấu chân quân sự của mình ở Philippines. Đây là một phần trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Tổng thống Mỹ Obama.

 

Philippines từng là nơi đồn trú của hàng chục ngàn binh sỹ Mỹ tại hai căn cứ ở bắc Manila. Nhưng quân Mỹ đã buộc phải rời đi vào năm 1992 khi Thượng viện bỏ phiếu chấm dứt hợp đồng cho thuê của họ do thái độ bài Mỹ tăng cao.

 

Nhưng vào năm 1999, hai bên đã ký thỏa thuận với, cho phép lính Mỹ trở lại Philippines tham gia tập trận chung. Chính vì vậy mà hàng ngàn lính Mỹ đều đặn “đổ” về Philippines trong thời gian có tập trận.

 

Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ cũng luân phiên tới miền nam Philippines kể từ năm 2002 nhằm giúp binh sỹ sở tại chống chiến binh có liên hệ với al-Qaeda. Song quân số lớn nhất được cho là không vượt quá khoảng 600.

 

Giới chức Philippines cho biết thỏa thuận mới sẽ dọn đường cho các cuộc tập trận chung thêm giữa hai nước.

 

Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino hôm nay 12/8 cho biết với các phóng viên trong một cuộc họp báo rằng, các cuộc thảo luận mới cũng sẽ nhằm cho phép “tái bố trí” tài sản quân sự Mỹ trở lại các căn cứ Philippines.

 

Đổi lại, theo ông, Philippines muốn dùng các tài sản này để hỗ trợ bảo vệ lãnh hải của mình. Tuy nhiên ông không đề cập cụ thể đến cuộc tranh chấp với Trung Quốc.

 

“Chúng tôi tin rằng những thiết bị này của Mỹ, mà chúng tôi sẽ nhất trí tạm thời được cho triển khai, có thể hỗ trợ khả năng của quân đội Philippines trong việc thực hiện các sứ mệnh ở những khu vực chủ chốt của ngành an ninh biển, nhận thức về biển và cứu trợ nhân đạo, thảm họa”, ông Batino cho hay.

 

“Chúng tôi sẽ yêu cầu điều đó”, ông cho biết, khi được hỏi liệu Philippines có muốn sử dụng “phần cứng” quân sự của Mỹ.

 

Cuộc đàm phán bắt đầu vào ngày thứ tư tới tại Manila. Giới chức Philippines cho hay họ muốn hoàn tất thỏa thuận này trong năm nay.

 

Vũ Quý

Theo AFP