Phí nặng không phải là sáng kiến chống ùn tắc!

(Dân trí) - Nhiều cử tri đã nêu ý kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội về phí phương tiện, trong đó nhấn mạnh, một số mức phí được đề xuất quá nặng, không đúng thời điểm và chỉ là giải quyết phần ngọn...

Cử tri quận Ba Đình chất vấn nhiều vấn đề thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, giải quyết vấn nạn giao thông trong buổi gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm nay, 4/5.

Phí hạn chế phương tiện là giải pháp “hạ tiện”
Phí nặng không phải là sáng kiến chống ùn tắc!
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (trái) trao đổi với Tổng Bí thư trong giờ nghỉ.

Ông Vũ Trọng Hối (cử tri phường Trúc Bạch) góp ý thu phí hạn chế phương tiện cá nhân theo từng tháng để người dân dễ “liệu cơm gắp mắm”, tháng nào có tiền nộp phí thì đi xe, tháng nào không đủ thì tạm để xe ở nhà… bảo dưỡng. Phương án thu phí hàng năm theo dung tích xe với mức khoảng 20 triệu đồng/năm trở lên, ông Hối than khó cho nhiều trường hợp có được chiếc xe nhỏ, giá chỉ trên dưới 100 triệu đồng như ông, tính ra chỉ 5 năm, riêng tiền phí phải nộp đã quá tiền mua xe.

Cử tri Đỗ Vũ, đại diện cho khối phòng ban của UBND quận Ba Đình đề nghị xem xét kỹ lưỡng và thực hiện trưng cầu dân ý về vấn đề thu phí vì nhiều bất cập như cách tính xe đi ít cũng như đi nhiều, không lưu hành cũng thu như với xe lăn bánh trên đường. Ông Vũ nêu quan điểm nên tính cách thu phí qua những việc bán vé vào trung tâm, vé đến các điểm giao dịch, khu vui chơi, tham quan… vì cách thu tiền trên đầu phương tiện không thể gọi là “phí”.

Đại biểu Huỳnh Thành Trung (cử tri phường Thành Công) thừa nhận, việc thu loại phí này là hợp lý, phù hợp quy luật nhiều nước đều phải thực hiện nhưng vấn đề là cách thức và thời điểm thu phí.

Ông Trung phân tích lật đi lật lại 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc ở Hà Nội hiện nay mà ngành giao thông đã nhiều lần đề cập là do hạ tầng giao thông yếu kém, do hạn chế về quy hoạch, trong đó có hiện tượng bùng phát dân số do người nhập cư và ý thức tham gia giao thông kém.

Đại biểu cho rằng, vấn nạn ùn tắc đã được cảnh báo từ 10-15 năm trước. Đáng ra, từ thời điểm đó, thành phố đã phải xem lại quy hoạch đất dành làm hạ tầng giao thông, phát triển thành phố theo nguyên tắc lòng chảo, càng ở trung tâm, độ cao các công trình xây dựng càng phải hạ xuống… thì mọi quy trình ở Hà Nội đều ngược lại.

“Vấn đề này chủ yếu thuộc trách nhiệm của ngành GTVT, Xây dựng… nhưng giờ lại đổ lỗi cho người dân ý thức kém. Sao cũng những con đường ấy, những con người ấy mà dịp lễ tết, người xe đi bớt thì Hà Nội lại đường thông hè thoáng?” – ông Trung đặt câu hỏi.

Việc đặt ra các loại phí vào thời điểm này mà theo đại biểu, loại nào cũng nặng là cách “hạ tiện”, không thể gọi là sáng kiến để giải quyết nạn ùn tắc. Ông Trung “phê” thẳng: “Chủ trương này chỉ là giải pháp về phần ngọn. Giả sử việc áp phí giúp hạn chế được ô tô, xe máy thì cũng dẫn tới khai tử ngành công nghiệp ô tô. Đấy là chưa bàn đến điểm bất cập khi tính phí kiểu đánh đồng trên đầu phương tiện. Trong khi đó, chỉ cần đầu tư phương tiện đầy đủ, tốt, tôi tin không ai dại gì dùng phương tiện cá nhân”.

Cử tri đề nghị các đại biểu Quốc hội của thành phố đề đạt ý kiến, yêu cầu Quốc hội nghiên cứu lại kỹ lưỡng chủ trương này.

Ở khía cạnh trách nhiệm của người đề ra giải pháp, cử tri Vũ Mạnh Đam (Ngọc Khánh) không giấu gay gắt khi dẫn phát biểu của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng biện giải cho rằng vấn đề phí đã được Quốc hội thông qua chủ trương trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 2 (cuối năm 2011 vừa qua). Ông Đam khẳng định đã đọc cẩn thận toàn văn Nghị quyết với 5 nội dung về 5 phần trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, không có từ nào đề cập đến việc “thu phí”.

“Không phải kỷ luật được nhiều cán bộ là chống tham nhũng thành công”

Một vấn đề khác góp thêm nhiệt cho buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữa không khí oi ả của đợt nắng nóng cao độ là công tác phòng chống tham nhũng.
Phí nặng không phải là sáng kiến chống ùn tắc!
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những ý kiến góp ý tâm huyết của các Đảng viên lão thành.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (cử tri phường Vĩnh Phúc) nêu nhận định, vấn nạn tham nhũng đang ở mức nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn của xã hội, thể chế. Ông Thước ví von, công cuộc đấu tranh với tham nhũng đã ở mức “không còn đường lùi” và đây là nhiệm vụ của Đảng vì tình trạng tiêu cực xảy ra ở chính nhóm Đảng viên đang đảm nhiệm các chức vụ công tác trong bộ máy nhà nước.

Ông Thước đánh giá, Nghị quyết TƯ 4 là một quyết định khó khăn và cũng đầy bản lĩnh của Đảng. Cử tri đề nghị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có báo cáo riêng về vấn đề này trước Quốc hội, kêu gọi Quốc hội cùng chung sức ủng hộ công cuộc chống tham nhũng. “Lúc này, mọi người cũng phải ùa vào, chung tay cùng làm, không thể chỉ ngồi phê phán” - cử tri tâm huyết nói.

Ông Phan Ba (cử tri phường Thành Công) cũng đánh giá, Nghị quyết TƯ 4 là vị cứu tinh trong tình hình hiện nay vì đã thẳng tay tuyên chiến với tiêu cực, tham nhũng với nhiều giải pháp xử lý nghiêm khắc cán bộ, Đảng viên vi phạm.

“Nghị quyết chỉ rõ công cuộc đấu tranh tiến hành từ trên xuống dưới, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư là rất mạnh, hợp lòng dân. Đề nghị đưa vào thêm một nhóm đối tượng nữa là cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu để sao cho không một cái cánh tiêu cực nào được hạ an toàn” – đại biểu góp ý.

Khái quát về công cụ chủ chốt đề ra trong Nghị quyết - công tác phê bình và tự phê bình, ông Ba cho rằng không nên trông chờ, kêu gọi ý thức tự giác mà phải dùng áp lực phê bình của tập thể, cơ quan, quần chúng đối với từng cán bộ, Đảng viên ở mỗi chi bộ, tổ dân phố.

Cử tri Phan Huy đặt dấu hỏi với nhiều vụ việc như vụ Vinashin đã xử lý dứt điểm, kết quả thanh tra một số tập đoàn, tổng công ty công bố vừa qua với con số 30.000 tỷ đồng sử dụng sai mục đích, trách nhiệm người đứng đầu thế nào, việc kỷ luật Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc theo kết luận của UB kiểm tra TƯ đến đâu…

Ông Huy kiến nghị tách Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ra khỏi khối cơ quan hành pháp. Cử tri lập luận, việc phát sinh bộ máy sẽ thêm tốn kém nhưng nếu tạo ra hiệu quả thì khoản tiền tham nhũng ngăn chặn được cũng “thừa sức” nuôi cơ quan này.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định niềm tin công cuộc đấu tranh với vấn nạn này sẽ thành công khi vẫn còn những Đảng viên chính trực như vậy.

Tổng Bí thư chia sẻ nỗi lo đối với sứ mệnh Nghị quyết TƯ 4 đặt ra vì dù đã làm rất quyết liệt mới kiềm chế được tham nhũng như hiện nay nhưng “triệt” biểu hiện này lại phát sinh việc khác. “Trước, tham nhũng tiêu cực mới chỉ ở những sự vụ nhỏ, giờ ngày càng quy mô, nghiêm trọng. Chúng ta đã bắt bệnh, đã cắt thuốc, giờ phải lo uống thuốc cho đủ, đúng liều” - ông Trọng nói.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng trấn an: cần nhìn nhận bình tĩnh, khách quan, cẩn trọng, tiến hành từng bước, làm bước nào chắc bước ấy. “Không phải cứ kỷ luật được nhiều cán bộ là chống tham nhũng thành công. Các cụ giao nhiệm vụ quá nặng, tôi lo lắm, nhưng sẽ cố gắng hết sức” - ông Trọng bày tỏ.

P.Thảo