1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phí đường bộ: Đừng “ép” chủ phương tiện vào thế khó!

(Dân trí) - Việc quy định thu phí riêng rơ-moóc, thu phí cao các phương tiện vận tải hàng hóa, thu phí cả xe đạp điện, phải nộp phí theo chu kỳ kiểm định... theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, là “ép” chủ phương tiện vào thế khó.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho biết: Hiệp hội đang hoàn thiện văn bản đề xuất liên quan đến dự thảo mới về việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện gửi Bộ Tài chính vào đầu tuần tới, bày tỏ quan điểm và những đề nghị của Hiệp hội.

Ông Hùng cho biết quan điểm, ngay cái tên của thông tư "Phí sử dụng đường bộ" là không đúng; vì trong Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ là thành lập Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ Tài chính đưa ra tên mới là "Phí sử dụng đường bộ". “Nếu như phí sử dụng đường bộ thì quá rộng. Ở đây chỉ là bảo trì đường bộ, số kinh phí thu được này chỉ góp một phần cùng với Nhà nước để giữ gìn, sửa chữa, bảo trì đường bộ chứ không hoàn toàn là phí sử dụng đường bộ. Tên gọi như vậy là không phù hợp với Nghị định 18 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy chúng tôi đã đề nghị Bộ Tài chính sửa lại tên thông tư này là Phí bảo trì đường bộ”, ông Hùng nói.

Thời gian thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ dự kiến bắt đầu từ ngày 1/1/2013.
Thời gian thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ dự kiến bắt đầu từ ngày 1/1/2013.

Theo dự thảo Thông tư về phí sử dụng đường bộ của Bộ Tài chính, đề xuất xe ôtô chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân sẽ phải đóng 130.000 đồng/tháng; xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe cá nhân) đến các loại xe tải, xe ôtô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27.000kg trở lên sẽ phải đóng phí từ 180.000 - 1.040 triệu đồng/xe; mức phí đối với xe đạp điện, xe máy 50-100 cm3 là 50.000-100.000 đồng/năm/xe; xe trên 100 cm3 là 100.000-150.000 đồng/năm/xe. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 1/1/2013.

Ông Hùng nhận định, việc nộp phí theo thông tư hướng dẫn là nộp theo chu kỳ kiểm định của phương tiện. Với các phương tiện thực hiện kiểm định theo chu kỳ dưới 1 năm (3 tháng hoặc 6 tháng/lần), chủ phương tiện cũng phải nộp phí theo chu kỳ này. Điều này đẩy doanh nghiệp vào thế khó. Với các doanh nghiệp sử dụng hàng trăm xe đến hàng nghìn xe mà yêu cầu họ nộp phí theo định kỳ 3 hay 6 tháng/lần, rất dễ bị đẩy vào tình huống khó khăn, thậm chí phá sản. 

Theo đề nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ngoài tem kiểm định cần có một tem nộp phí riêng độc lập. Thời gian nộp phí có thể theo chu kỳ kiểm định hoặc theo thời gian do chủ xe yêu cầu. Có thể chủ xe nộp phí 1 tháng, tháng thứ 2 lại đến nộp phí tiếp và dán tem đảm bảo tùy theo điều kiện của chủ phương tiện.

“Trong biểu thu phí, theo kiến nghị của chúng tôi không nên tách sơmi rơ-moóc và rơ-moóc ra nộp phí riêng vì bản thân 2 loại này không thể tự lưu hành trên đường vì chúng không có động cơ, chúng chỉ có thể lưu hành khi được gắn vào xe đầu kéo; vì vậy nên chuyển thành phí tổ hợp cho xe ô tô đầu kéo rơ-moóc. Hơn nữa, trong vận tải, một xe đầu kéo có thể kéo 1 hoặc nhiều rơ-moóc mà tính thu phí theo số rơ-moóc thì chủ phương tiện không thể chịu nổi”, ông Hùng phân tích.

Ngoài ra, đối với các xe của lực lượng vũ trang, bộ đội và công an được nộp phí theo quy định riêng với những ưu đãi riêng. Tuy nhiên, xe của lực lương vũ trang làm kinh tế thì phải nộp mức phí theo quy định của xe dân sự. Không để xảy ra tình trạng lạm dụng phương tiện xe lực lượng vũ trang làm kinh tế.

Có thể chính người dân lại phải chịu phí sử dụng đường bộ của các đơn vị kinh doanh vận tải.
Có thể chính người dân lại phải chịu phí sử dụng đường bộ của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Đặc biệt, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đề nghị bỏ thu phí sử dụng phương tiện xe máy điện. Thực chất người dân gọi đây là xe đạp điện. Nếu cứ "ép" xe đạp điện thành xe máy điện để thu phí của người dân thì vô lý! Đối tượng sử dụng xe đạp điện chủ yếu là học sinh, sinh viên đi học, những gia đình không có điều kiện sử dụng xe máy hay người cao tuổi... Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc thu phí xe máy cũng nên được người dân tham gia vì mức phí một năm cũng không đáng kể. Việc thu phí giao cho địa phương thực hiện sẽ có nhiều khó khăn và bất cập.

“Trước đây, khi dự thảo việc thu phí này, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có đề xuất thu phí bảo trì đường bộ thông qua xăng dầu. Hình thức thu phí này đảm bảo được sự công bằng. Bởi khi thu phí theo đầu phương tiện, các phương tiện lưu thông trên đường nhiều ít khác nhau, thậm chí có phương tiện hỏng hóc nằm “đắp chiếu” vẫn phải nộp phí bảo trì đường bộ. Việc thu phí theo đầu phương tiện có nhiều bất cập và không thể công bằng với các phương tiện tham gia giao thông. Việc thu phí qua xăng dầu sẽ dễ dàng hơn và triệt để hơn với các đơn vị thu phí. Tuy nhiên, đề xuất này của chúng tôi không được Bộ Tài chính chấp thuận” - ông Hùng chia sẻ.

Về mức thu phí, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chỉ đề xuất Bộ Tài chính cân nhắc phí với phương tiện vận tải hàng hóa. Với các phương tiện vận tải này, đặc biệt là các phương tiện lớn như xe container, phí tăng bao nhiêu, nhà xe lại thu cước của chủ hàng tăng tương ứng. Như thế vô hình chung, chính người tiêu dùng phải chịu phí sử dụng đường bộ. Điều này sẽ tác động đến toàn bộ giá thành các sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Theo dự thảo thu phí sử dụng đường bộ, hàng triệu xe máy từ 100cm3 trở xuống và xe máy điện sẽ phải đóng khoảng 1 triệu đồng/năm/xe. Đây là một mức phí không hề nhỏ đối với rất nhiều hộ nghèo đang sử dụng những chiếc xe máy cà tàng, trị giá một vài triệu đồng làm phương tiện kiếm sống.
 
Anh Nguyễn Văn Vượng, ở Mỹ Đình - Từ Liêm - Hà Nội, chia sẻ: “Cuộc sống của người dân sẽ thêm khó khăn khi loại phí này được đưa vào thực hiện vì các khoản phí khác đã quá cao. Chẳng hạn như bản thân tôi công chức nhà nước có lương chỉ khoảng 4 triệu đồng. Hiện, chỉ tính tiền ăn sáng, tiền xăng dầu, điện thoại, ăn trưa và tiêu vặt của một mình tôi cũng phải khéo mới đủ chi. Vợ chồng tôi còn phải nhận việc làm thêm mới đủ nuôi 2 con ăn học. Thêm mỗi một khoản phí là chúng tôi lại thêm gánh nặng”.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng), đơn vị vận tải có khoảng 300 xe taxi và xe khách liên tỉnh - nhận xét, việc thu phí sử dụng đường bộ được đưa vào sử dụng, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng giá cước. Điều này, người sử dụng dịch vụ vận tải sẽ phải chịu. Tuy nhiên doanh nghiệp bị giảm cầu. Như vậy sẽ khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân.

“Bản thân tôi và doanh nghiệp của mình luôn đồng thuận với các chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn và chờ đợi sau khi đóng phí, chất lượng đường xá và an toàn giao thông được cải thiện. Nếu hiệu quả được như vậy, chúng tôi cũng sẵn sàng nộp phí”, ông Hải nói.

Anh Thế