Phạt xe không “sang tên”: Gây phản ứng vì cách làm chưa chuẩn

(Dân trí) - Đề cập việc chưa lường hết những bất cập, những tình huống thực tế có thể xảy ra từ việc áp dụng xử phạt xe không sang tên, đổi chủ, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị cơ quan ban hành chính sách phải tự có sự điều chỉnh.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng, chủ trương mua bán phương tiện phải làm thủ tục chuyển nhượng, sang tên đổi chủ là đúng, hợp lý và cần thiết cho công tác quản lý. Việc đó một mặt để tính thuế thu nhập cá nhân đối với người chuyển nhượng tài sản và phí trước bạ đối với việc sang tên đổi chủ. Không làm nghiêm, Nhà nước sẽ mất một khoản thu. Trước nay làm chưa chặt việc này thì nay phải chấn chỉnh.

Ngoài ra, ông Thảo phân tích, khi xảy ra tai nạn hay vi phạm với phương tiện, nếu áp dụng biện pháp kỹ thuật là chụp biển số như ở các nước, phạt xe đậu sai chẳng cần gặp chủ xe, chỉ cần dán giấy phạt là chủ xe phải tự giác đi nộp, không nộp mức phạt sẽ lũy tiến, ngày càng nhiều. Điều đó chỉ thực hiện được khi xe là chính chủ. Nếu là xe đã qua nhiều lần đổi chủ lòng vòng, cơ quan công quyền khó “lần” theo được.
 
Đại biểu Đỗ Văn Đương, Ngô Văn Minh, Đinh Xuân Thảo (từ trái sang).
Đại biểu Đỗ Văn Đương, Ngô Văn Minh, Đinh Xuân Thảo (từ trái sang).

Vấn đề theo ông Thảo là cách làm, thiếu sự tuyên truyền, phổ biến, quán triệt để toàn dân có nhận thức đúng mà “đúng cái” đem ra phạt.

Hơn nữa, thực hiện nghị định này, ông Thảo cảnh báo sẽ vướng nhiều vấn đề khác. Chính phủ cũng có Nghị định cho phép hai người trao đổi xe ô tô, chỉ cần hợp đồng ủy quyền có công chứng và nộp phí đang có hiệu lực. Giờ Chính phủ lại ban hành tiếp Nghị định 71, quy định không sang tên đổi chủ ngay là vi phạm và phạt rất nặng.

“Nói chung, cách xử lý của cơ quan chức năng gây phản ứng trong dư luận xã hội. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã thống nhất kiến nghị Chính phủ để CSGT tạm dừng thi hành quy định này” - ông Thảo đánh giá đây là hướng đúng để “gỡ sai”.

Ông Thảo đề xuất Chính phủ có thêm một văn bản chính thức quy định rõ tạm dừng, hoãn hoặc lùi việc thi hành quy định này từ 6 tháng đến 1 năm và yêu cầu những người đang sử dụng ôtô, xe máy không chính chủ thực hiện việc chuyển đổi.. Hết thời gian gia hạn, ai không làm sẽ bị xử lý nghiêm, phạt nặng.

Việc phạt người sử dụng xe như hiện tại, theo ông Thảo cũng không chuẩn vì đây là vấn đề liên quan đến chủ xe. Việc mượn xe quyền hợp pháp của người dân, không thể cấm, nên phạt một người đang đi xe chỉ vì chiếc xe chưa sang tên là bất hợp lý. Luật giao thông chỉ quy định trách nhiệm của chủ xe trong trường hợp cho người không có bằng lái mượn xe. Theo đó, hướng xử lý là giao trách nhiệm xử phạt cho CSGT ông Thảo cũng chỉ ra điểm không chuẩn.

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cũng cảnh báo, quy định này có thể làm gia tăng đột biến số phương tiện vì những gia đình có điều kiện càng có lý do mua thêm xe cho mỗi thành viên dùng thoải mái trong khi đáng ra cả nhà 4 người chỉ cần dùng 1-2 xe.

Vấn đề phí chuyển nhượng, phí trước bạ cao khi sang tên đổi chủ được ông Thảo so sánh với việc phí chuyển nhượng nhà đất rất đắt trước đây, dẫn đến tình trạng trốn, lậu, hoặc thỏa thuận ngầm giữa người mua và người bán về giá thật, giá khai báo… khiến nhà nước thất thu.

“Suy cho cùng, mục đích của việc “ép” đăng ký chính chủ với phương tiện là để thuận lợi cho quản lý chứ không phải để thu tiền phạt. Nếu mỗi xe chỉ thu 10 đồng nhưng 100 người đến làm thủ tục thì còn hơn là thu gấp đôi nhưng chỉ có 10 người đến làm. Các thủ tục này cũng phải làm sao thuận tiện và gọn, chứ như hiện nay rất phức tạp, có khi phải mất hàng buổi đến chầu chực công chứng, nộp tiền, xếp hàng… thì ít người sẵn sàng” - ông Thảo phân tích.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Ủy viên thường trực UB Pháp luật) nêu thực tế, đại bộ phận người dân vẫn còn nghèo, nhiều gia đình cả nhà cùng mua xe, đi chung, khó phân tích xe chính chủ hay không chính chủ. “Như bản thân tôi không không có xe máy. Con tôi thì có. Tôi đi xe của con nhưng là xe con dâu, con rể đứng tên thì chứng minh làm sao quan hệ khi chúng tôi không cùng họ? Hoặc trường hợp 2 vợ chồng chỉ có một xe, đi đâu cũng phải mang theo đăng ký kết hôn? Nếu như vậy mà vẫn phạt là hết sức vô lý” – ông Minh cho rằng chủ trương quản lý đúng nhưng việc thực hiện cần có biện pháp đồng bộ hơn. Áp dụng “cứng” khó khả thi, lại gây phản ứng không cần thiết trong dư luận.

Việc giải bài toán giữa chủ trương, mục đích và cách thức thực hiện, ông Minh cho là nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn. Việc ban hành quy định không hợp lý, khả thi như này, đại biểu đánh giá, cơ quan ban hành chính sách phải tự điều chỉnh. Nếu không, đại biểu cũng có kiến nghị UB Pháp luật “thổi còi”.

TS. Đỗ Văn Đương (Ủy viên thường trực UB Tư pháp) cũng nhận xét đây là chủ trương đúng hướng nhưng khi ban hành chính sách pháp luật cần có thời kỳ quá độ, có sự chuẩn bị trước. Điểm “vướng” nhất theo ông Đương là việc chứng minh xe chính chủ. Theo đó, người dân ra đường phải đem theo đầy đủ giấy tờ sở hữu xe nhưng việc mượn xe là giao dịch dân sự hợp pháp, phải cân nhắc cách làm.

“Phải tính cho hết các trường hợp, không thể cứng nhắc quá. Không lẽ trong gia đình, mỗi người đều phải có một xe?” - ông Đương đặt câu hỏi. Đại biểu phán đoán, cơ quan quản lý nhà nước chưa lường hết các trường hợp xảy ra trong cuộc sống, chưa tính hết các quan hệ dân sự (cho mượn...). Biện pháp quản lý cũng phải hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và cá nhân. Mọi chính sách trước hết phải tính đến việc yên dân.

P.Thảo