Phát triển nghiệp đoàn nghề cá cả nước

(Dân trí) - Theo Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 3 năm tới (2012 - 2015) phấn đấu 100% số tỉnh, thành phố có biển của cả nước thành lập, tổ chức hoạt động ổn định nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC).

Tổ chức Công đoàn vận động, mở rộng, thành lập mới NĐNC tại những huyện, phường, xã và thị trấn ven biển đủ điều kiện thành lập để đến hết năm 2015 có từ 30% - 50% các địa phương này tổ chức được NĐNC, nhằm giúp ngư dân tiếp tục làm giàu từ nghề khai thác đánh bắt thủy sản trên ngư trường.

 

Với bờ biển trải dài hơn 2.000 km từ Bắc vào Nam, nước ta có 28 tỉnh, thành phố có biển với trên 4 triệu lao động đang làm việc trên 130.000 tàu cá, gồm hơn 40 loại nghề mang tính đặc thù khác nhau. Sản lượng thủy hải sản khai thác hàng năm trên 2 triệu tấn, tạo nguồn nguyên liệu cung ứng cho chế biến xuất khẩu và cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào, phục vụ đời sống dân sinh. Lực lượng lao động hiện nay trên các tàu cá chiếm trên dưới 15% lao động của ngành thủy sản và có vai trò rất quan trọng, vừa ngày đêm bám biển, bám ngư trường và tham gia quản lý, kiểm soát, đảm bảo khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái tạo của đất nước, vừa phối hợp với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

 

Từ nhu cầu thực tế đó, trong 2 năm (2010 - 2011), Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện thí điểm thành lập NĐNC tại 2 tỉnh Kiên Giang và Bình Thuận, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo chủ tàu cá, ngư dân và lao động biển. NĐNC xã An Hải đầu tiên đã được thành lập tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, với 120 tàu cá và 689 đoàn viên. Tính đến ngày 20/4/2012 đã có 13 NĐNC thành lập tại các tỉnh như: Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Quảng Ninh, Kiên Giang, Phú Yên và Bến Tre, với 405 tàu cá các loại, hơn 2.200 đoàn viên được kết nạp.

 

Trên thực tế, NĐNC đã cùng với các tổ chức khác hỗ trợ, giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện cho chủ tàu, ngư dân an tâm ra khơi, bám biển; góp phần nâng cao nhận thức của chủ tàu, ngư dân trong việc chấp hành những chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh hải quốc gia. Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết: Từng NĐNC đã xây dựng được quy chế làm việc của Ban chấp hành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ủy viên, quy định việc quản lý và định mức chi tiêu tài chính nghiệp đoàn. Khi có tàu cá về cập cảng, NĐNC tổ chức sinh hoạt, phổ biến các văn bản pháp luật nói chung và về ngành nghề nói riêng, chương trình hoạt động của nghiệp đoàn; tổ chức thăm hỏi, động viên giúp đỡ gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Các NĐNC sắp xếp, hình thành những nghiệp đoàn bộ phận, tổ nghiệp đoàn cho các tàu cá gia nhập nghiệp đoàn theo hình thức cùng đi chung đoàn và cùng đánh bắt chung ngư trường để thuận tiện cho việc sinh hoạt, quản lý đoàn viên và kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp sự cố, tình huống xấu trên ngư trường. Các NĐNC đã duy trì tốt quan hệ giữa chủ tàu và ngư dân, thể hiện tình cảm đùm bọc, thông cảm và chia sẻ khó khăn.

 

Hiện nay, cả nước tiếp tục tập trung cho các mục tiêu của Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó đẩy mạnh việc xây dựng mô hình sản xuất tập thể trên biển thông qua thành lập và phát triển nhiều hình thức tổ đội, hợp tác xã sản xuất, tiến đến thành lập các công ty, tập đoàn khai thác hải sản gắn với hiện đại hóa tàu thuyền đánh cá, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão… Đó là điều kiện hết sức thuận lợi để mở rộng, thành lập các NĐNC và đây là sức mạnh nội lực, tiền đề thực hiện mục tiêu Chiến lược Biển Việt Nam, điểm tựa tinh thần vững chắc và niềm tin của ngư dân trên biển.

 

Lê Huy Hải

 TTXVN