Phát hiện sân Đan Trì tại Hoàng thành Thăng Long

Sau gần 3 tháng khai quật thăm dò, hôm qua, 6/12, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ đã tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khảo cổ học tại khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long 2011.

Với 100m2 diện tích khai quật, bước đầu, các nhà khoa học đã phát hiện ra dấu tích của các nền móng gạch, móng tường… thời Nguyễn và Lê sơ, bên cạnh đó là sự có mặt của nhiều loại hình vật liệu kiến trúc cao cấp, đồ sành, đồ gốm men có niên đại từ thời Lý, Trần cho tới đầu thế kỷ 20.
 
Phát hiện sân Đan Trì tại Hoàng thành Thăng Long - 1

 

Đáng chú ý nhất trong cuộc khai quật này là việc phát hiện sân nền lát gạch vồ thời Lê sơ. Sân nền này có quy mô rộng toàn bộ từ Đoan Môn cho tới điện Kính Thiên. Dấu tích sân nền này xuất hiện cùng độ cao, cùng loại gạch, cùng kỹ thuật xây dựng ở cả 3 vị trí thám sát nhỏ Đoan Môn, sân điện Kính Thiên và sân Cục Tác chiến.

 

Các nhà khảo cổ khẳng định, đây chính là dấu tích Đan Trì kéo dài từ thời Lê cho tới Lê Trung Hưng. Cuộc khai quật này cũng đã cho biết thêm nhiều điều về điện Kính Thiên với 3 kiến trúc móng dầm phát lộ chiều dài rộng 4,2m, chiều rộng 2,3m.

 

Dự đoán nhiều khả năng đây chính là dấu tích của điện Kính Thiên thời Lê sơ. Và đây cũng là vị trí chứa đựng các dấu tích kiến trúc cực kỳ phức tạp. Hiện tại, việc khai quật nền điện Kính Thiên mới chỉ dừng ở tầng văn hóa thời Lê mà chưa đào sâu xuống các tầng văn hóa khác.

 

Trong thời gian tới, dự kiến sẽ tiếp tục đề xuất UBND thành phố và Bộ VH-TT&DL cho phép mở rộng diện tích khai quật nhằm làm rõ hơn nữa nền móng của nền điện quan trọng bậc nhất Hoàng thành.

 

Theo Quỳnh Vân

 An ninh Thủ đô