Phát hiện một vài chỉ số cần lưu tâm trong nước biển ven bờ miền Trung

(Dân trí) - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề nghị Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế tiếp tục quan trắc, theo dõi chất lượng nước biển ven bờ khi phát hiện ra những thông số về Florua, pH, DO, Fe cần lưu tâm.

Tổng cục Môi trường yêu cầu tiếp theo dõi, quan trắc chất lượng nước biển ven bờ 4 tỉnh miền Trung,
Tổng cục Môi trường yêu cầu tiếp theo dõi, quan trắc chất lượng nước biển ven bờ 4 tỉnh miền Trung,

Tổng cục Môi trường vừa có báo cáo tổng hợp đầy đủ kết quả quan trắc nước biển ven bờ tại các bãi tắm thuộc 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) tính từ ngày 29/4 đến ngày 9/5.

Hầu hết kết quả tổng hợp từ các Trung tâm quan trắc môi trường địa phương cho thấy chất lượng nước biển tại các bãi tắm thuộc 4 tỉnh miền Trung đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển (QCVN 10:MT 2015/BTNMT) đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.

Tuy nhiên, các kết quả quan trắc tổng hợp được từ các địa phương cũng khiến Tổng cục Môi trường phải đưa ra khuyến cáo, yêu cầu “tiếp tục theo dõi trong những ngày tiếp theo”.

Cụ thể, kết quả quan trắc thông số Florua (F) vào buổi sáng ngày 4/5 tại bãi tắm Đá Nhảy (Quảng Bình) có giá trị bằng với giá trị tối đa cho phép trong Quy chuẩn.

Kết quả quan trắc ngày 5/5 cho thấy kết quả quan trắc các thông số Florua (F) vào buổi sáng tại bãi tắm Đá Nhảy (Quảng Bình), pH lúc 9h tại bãi tắm Thuận An (Huế) và pH lúc 13h40 tại bãi tắm Lăng Cô (Huế) có giá trị bằng với giá trị tối đa cho phép trong Quy chuẩn; thông số DO lúc 9h sáng tại bãi tắm Thuận An (Huế) có giá trị bằng với giá trị tối thiểu cho phép nằm trong Quy chuẩn.

Kết quả ngày 6/5 phát hiện các thông số pH buổi sáng tại bãi tắm Thuận An có giá trị bằng với giá trị tối đa cho phép trong Quy chuẩn; thông số DO lúc 11h30 tại bãi tắm Lăng Cô có giá trị bằng với giá trị tối thiểu cho phép trong Quy chuẩn.

Đáng lưu ý nhất, kết quả ngày 8/5, kết quả quan trắc thông số sắt (Fe) vào buổi sáng tại bãi tắm Xuân Hải và Thạch Hà (Hà Tĩnh) có giá trị vượt cho phép trong Quy chuẩn.

Tuy nhiên, kết quả tổng hợp từ các Trung tâm quan trắc môi trường địa phương ngày gần đây nhất (9/5) cho thấy, chất lượng nước biển tại các bãi tắm đã “trở lại quỹ đạo”, đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước.

Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, Tổng cục Môi trường đã có công văn hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu nước biển ven bờ gửi 4 tỉnh miền Trung. Cụ thể, địa điểm mẫu được lấy ở bãi tắm là trong phạm vi cách bờ không quá 1,5 km, nằm cách độ sâu cách mặt nước từ 0,3 m đến 0,5 m.

Có 22 điểm được tiến hành quan trắc, gồm 6 điểm tại Hà Tĩnh (Bãi tắm Xuân Thành; Bãi tắm Xuân Hải; Bãi tắm Thạch Hải; Bãi tắm Thiên Cầm; Bãi tắm Kỳ Ninh; Bãi tắm Mũi Đao); 4 điểm ở Quảng Bình (Bãi tắm Vũng Chùa, Quảng Đông, Quảng Trạch; Bãi tắm Đá Nhảy, Thanh Trạch, Bố Trạch; Bãi tắm Nhật Lệ, Tp. Đồng Hới; Bãi tắm Hải Ninh, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh); 3 điểm ở tỉnh Quảng Trị (Mũi Si, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh; Bãi tắm Gio Hải, xã Gio Hải, Gio Ninh; Bãi tắm Mỹ Thủy, xã Hải An, Hải Lăng); tỉnh Thừa Thiên - Huế là 9 điểm (Cửa biển Lăng Cô; Bãi tắm Lăng Cô; Bãi tắm Cảnh Dương; Cửa biển Vinh Hiền; Bãi tắm Vinh Thanh; Bãi tắm Thuận An; Cửa biển Thuận An; Bãi tắm Quảng Ngạn; Bãi tắm xã Điền Lộc).

Tổng cục Môi trường yêu cầu các địa phương quan trắc 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều và thường xuyên cung cấp số liệu cho người dân. Đồng thời Tổng cục Môi trường tiến hành lấy mẫu và thông báo kết quả trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường (www.monre.gov.vn) và Tổng cục Môi trường ( www.vea.gov.vn ).

Thế Kha