Thừa Thiên – Huế:

Phát hiện một tiêu bản gốm kỳ lạ trên 2.000 năm tuổi

(Dân trí) - Ngày 14/7, tại khu vực hạ lưu sông Hương, đoạn gần ngã ba Sình, những người chuyên đi trục vớt đồ cổ đã tìm được một tiêu bản gốm có hình dáng rất kỳ lạ - hiếm khi xuất hiện trong các tài liệu nghiên cứu.

Phát hiện một tiêu bản gốm kỳ lạ trên 2.000 năm tuổi - 1
Mẫu tiêu bản đồ gốm cổ độc đáo có tuổi đời trên 2.000 năm (Ảnh: Hồ Tấn Chính).
 
Được bảo quản dưới tầng nước sâu và cát sạch, tiêu bản gốm này gần như nguyên vẹn với màu đỏ gạch hơi nhạt, hình khối chóp, trong rỗng ruột, cao 20cm. Đường kính tại đoạn ruột rộng nhất đo được là 8cm. Tiêu bản gốm này gồm có một đầu tròn, một đầu có dạng hình nấm, trên thân có hoa văn tròn cách đều.

Theo nhà nghiên cứu chuyên về đồ cổ dưới đáy sông, ông Hồ Tấn Phan cho biết: Nhận định bước đầu, đây là một hiện vật khảo cổ có khả năng thuộc văn hóa Sa Huỳnh, cách đây trên dưới 2.500 năm.

Đây là mẫu vật chưa từng có với những chức năng, công dụng chưa thể xác định được. Thậm chí phần đầu và phần đáy cũng không thể biết được vì chưa có một sách vở nào tại Việt Nam mô tả. Dự đoán tiêu bản gốm cổ này có thể là hình tượng một Linga, hay đỉnh một công trình xây dựng hay là đồ tự khí thờ cúng.

Được biết, ảnh của mẫu gốm này đã được gửi ra Bộ môn Khảo cổ học (Khoa Lịch Sử, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội)n để nghiên cứu, xác định.

Đại Dương