Phát hiện gần 7.000 văn bản vi phạm quy định của Chính phủ

(Dân trí) - Năm 2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương đã tự kiểm tra được hơn 1.255.800 văn bản, qua đó phát hiện 6.872 văn bản vi phạm quy định của Chính phủ. Đến nay vẫn còn 875 văn bản trái pháp luật đã được đưa vào kế hoạch để xử lý theo quy định (!).

(Tranh minh họa).
(Tranh minh họa).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật năm 2014

Theo đó, năm 2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ (bao gồm cả Bộ Tư pháp) và địa phương đã tự kiểm tra được 1.255.808 văn bản (tăng 23,35% so với năm 2013), qua đó phát hiện được 6.872 văn bản vi phạm quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010 (cấp Bộ: 12 văn bản; địa phương: 6.860 văn bản). Trong đó, số văn bản quy phạm pháp luật là 3.378 (cấp Bộ: 10 văn bản; địa phương: 3.368 văn bản), còn lại là văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luât.

Trong số các văn bản đã phát hiện vi phạm (6.872 văn bản), các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương đã xử lý xong 5.997 văn bản; còn lại 875 văn bản trái pháp luật đã được đưa vào kế hoạch để xử lý theo quy định và hiện đang được cơ quan ban hành văn bản nghiên cứu, xử lý.

Ngoài ra, trên cơ sở văn bản do các cơ quan ban hành gửi đến, các Bộ, cơ quan ngang Bộ (bao gồm cả Bộ Tư pháp) và địa phương đã kiểm tra được 495.737 văn bản (giảm 33,3% so với năm 2013); trong đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ kiểm tra được 7.393 văn bản (trong đó có 7.036 văn bản quy phạm pháp luật), các địa phương kiểm tra được 488.344 văn bản (trong đó có 36.494 văn bản quy phạm pháp luật).

“Qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, toàn ngành đã phát hiện 1.642 văn bản sai về thẩm quyền ban hành và nội dung (trong đó có 293 văn bản của  cấp Bộ; 1.349 văn bản của địa phương) và 5.482 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về hiệu lực văn bản, căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản” - văn bản của Bộ Tư pháp nêu rõ.

Bộ Tư pháp cho biết trên cơ sở các văn bản đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp của văn bản, cơ quan kiểm tra văn bản đã tiến hành phân loại và tùy vào mức độ vi phạm của văn bản mà tiến hành xử lý văn bản đó theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản theo quy định. Đối với những văn bản chỉ có dấu hiệu vi phạm về kỹ thuật trình bày, cơ quan kiểm tra văn bản chỉ trao đổi với các cơ quan ban hành văn bản xem xét, rút kinh nghiệm; đối với những văn bản có dấu hiệu vi phạm về căn cứ pháp lý, thẩm quyền, nội dung, cơ quan kiểm tra văn bản đã tổ chức họp, thảo luận, trao đổi trực tiếp với cơ quan đã ban hành văn bản và các cơ quan có liên quan để thống nhất về nội dung có dấu hiệu vi phạm tính hợp pháp của văn bản và biện pháp xử lý.

Theo đó, trong năm 2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương đã xử lý được 8.360 văn bản (trong đó có 7.159 văn bản đã được xử lý theo quy định của pháp luật, còn lại là số văn bản sai về kỹ thuật trình bày văn bản đã được cơ quan ban hành văn bản xem xét, rút kinh nghiệm); còn 1.319 văn bản trái pháp luật đã được đưa vào kế hoạch để xử lý và hiện đang được cơ quan ban hành văn bản nghiên cứu để xử lý theo quy định.

Bộ Tư pháp cho rằng việc triển khai hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản ở nhiều cơ quan cấp Bộ và địa phương vẫn còn chậm và chưa thường xuyên, đặc biệt là công tác tự kiểm tra, xử lý văn bản để kịp thời phát hiện những quy định không phù hợp với pháp luật. “Nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa coi trọng triển khai đồng đều các phương thức kiểm tra văn bản; chưa chú trọng việc kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn, kiểm tra văn bản theo các nguồn thông tin. Việc triển khai kiểm tra văn bản thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhiều bức xúc được dư luận quan tâm và việc kiểm tra văn bản trên cơ sở yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, các cơ quan thông tin đại chúng và của cá nhân còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế”- Bộ Tư pháp nhận định.

Đáng lưu ý, trong một số trường hợp, việc xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền của các cơ quan, người ban hành văn bản sau khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền còn chậm trễ, hoặc chưa triệt để, chưa đúng quy định của pháp luật; thậm chí còn chờ ban hành văn bản mới để thay thế nên các văn bản trái pháp luật này vẫn được áp dụng, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thậm chí gây bức xúc trong xã hội. Trong khi thể chế về công tác soạn thảo, ban hành và kiểm tra, xử lý văn bản còn nhiều khiếm khuyết, như: khái niệm văn bản quy phạm pháp luật còn chưa rõ và chưa thống nhất; việc quy định về thời điểm có hiệu lực của văn bản (sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành) chưa thực sự phù hợp, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực (tài chính, ngân hàng...); chưa làm rõ thế nào là văn bản ban hành trong tình trạng khẩn cấp.

“Chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức trong việc tham mưu soạn thảo, thẩm định, trình, thông qua và ký ban hành văn bản trái pháp luật và chưa quy định đầy đủ việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức trong việc tham mưu soạn thảo, thẩm định, trình, thông qua và ký ban hành văn bản trái pháp luật...”- Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thế Kha