1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phấp phỏng chờ CMTND kiểu mới

Tới nay, chính những quận, huyện được chọn thí điểm đầu tiên trên cả nước cũng chưa biết chính xác bao giờ tấm CMND đầu tiên cấp theo công nghệ mới sẽ “ra lò”.

Chứng minh thư kiểu mới không bắt người dân phải lăn tay lấy dấu vân
Chứng minh thư kiểu mới không bắt người dân phải lăn tay lấy dấu vân
 
Sau khi có thông tin sẽ cấp thí điểm chứng minh nhân dân (CMND) theo mẫu mới từ đầu tháng 7/2012, nhiều người đã chờ đợi, thậm chí nhờ cậy để được sở hữu ngay tấm căn cước “thông minh”. Nhưng tới nay, chính những quận, huyện được chọn thí điểm đầu tiên trên cả nước cũng chưa biết chính xác bao giờ tấm CMND đầu tiên cấp theo công nghệ mới sẽ “ra lò”.
 
Ba địa bàn thí điểm
 
Theo kế hoạch, 3 địa bàn thí điểm cấp CMND theo mẫu mới đầu tiên trong cả nước là các quận, huyện Hoàng Mai, Tây Hồ và Từ Liêm của TP.Hà Nội; sau đó sẽ triển khai rộng khắp các địa bàn khác. Dự kiến, đến năm 2016, việc cấp CMND theo công nghệ mới sẽ được triển khai trên toàn quốc. Tìm hiểu lộ trình cấp, đổi CMND theo mẫu mới, phóng viên đã có mặt tìm hiểu tại các địa phương được chọn làm thí điểm, ghi nhận tiến độ triển khai.
 
Theo đó, địa bàn thí điểm phải là nơi có mặt bằng rộng rãi để bố trí và bảo quản máy móc, thiết bị. Mỗi địa bàn thí điểm được phát 3 máy, gồm: máy chụp ảnh, máy in và máy truyền dữ liệu. Các máy này được bảo quản trong phòng chống ẩm, có điều hòa nhiệt độ 24h/24h để đảm bảo lúc nào cũng hoạt động tốt.
 
Theo giải thích của Công an các quận, huyện vừa nêu, người dân khi đến làm CMND theo mẫu mới sẽ không phải lăn tay trên mực như trước mà chỉ việc đặt các ngón tay lên một chiếc hộp, máy sẽ chụp lại các vân tay và lưu trữ. Ảnh cũng được chụp ngay tại địa điểm, không phải nộp ảnh theo kích cỡ ấn định như trước. 
 
Sau khi có thông tin sẽ cấp thí điểm CMND theo mẫu mới, nhiều người đã chờ đợi, thậm chí nhờ cậy để được sở hữu ngay tấm căn cước “thông minh” này. “Tôi nghe nói mẫu chứng minh nhân dân mới được cấp cho những đối tượng lần đầu được cấp nên đến đây hỏi để làm cho con trai. Gia đình thì không ai muốn đổi vì sợ nhiều rắc rối nảy sinh. CMND bao nhiêu năm nay gắn liền với các thủ tục như làm sổ đỏ, gửi tiết kiệm ngân hàng… bây giờ đổi thì biết các cơ quan đó có chấp nhận hay không?”, chị Phạm Thi Nga (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) băn khoăn. 
 
Đồng ý với suy nghĩ của người dân, Thiếu tá Quản Huy Minh - Đội Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Công quận Hoàng Mai, nói: “Thực tế, người dân dùng chứng minh thư 9 số quen rồi, bây giờ đổi thành 12 số thì sẽ vênh so với số CMND kê khai khi thực hiện các giao dịch cũ. Vì vậy phải xin lại xác nhận ở UBND, Công an... nên họ thấy rắc rối. Tâm lý chung là người dân không muốn xáo trộn và chạy đi, chạy lại”.
 

Trường hợp của chị Nguyễn Xuân Hồng (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn sử dụng CMND (cũ), chị hồ hởi nghĩ sẽ được cấp thẻ mới, nhưng khi đến hỏi trực tiếp ở công an quận thì chưng hửng khi được giải thích là cấp đổi vẫn phải cấp theo mẫu cũ, chưa triển khai theo quy định mới.

“Tôi không hiểu họ giải thích thế có “chuẩn” không. Theo tôi hiểu, việc áp dụng mẫu mới là để xóa dần cách làm thủ công. Việc tiếp tục cấp theo mẫu cũ, 15 năm nữa mới hết hạn, thử hỏi công an sẽ quản lý như thế nào, trong bối cảnh chúng ta đang hướng đến việc áp dụng mã số công dân...”, chị Hồng thắc mắc.

Bao giờ triển khai trên toàn quốc?
 
Mặc dù Thông tư 27/2012/TT-BCA ngày 16/5/2012 của Bộ Công an quy định về mẫu CMND mới đã hiệu lực từ 1/7/2012, nhưng cho đến nay tại 3 quận, huyện được chọn điểm thí điểm đầu tiên trong cả nước đều chưa sẵn sàng để phục vụ nhân dân. Nguyên nhân không thấy được nêu, nhưng theo tìm hiểu của PLVN, thì có lẽ là do máy móc, thiết bị chưa sẵn sàng.
 
Cụ thể, tại Công an quận Hoàng Mai, thiếu tá Quản Huy Minh vừa giải thích vừa chỉ về phía hai cán bộ đang sửa máy và cho phóng viên biết, máy được chuyển về quận từ tháng 3/2012 nhưng cho đến nay vẫn trục trặc, chưa thể hoạt động. Hiện hai cán bộ về công nghệ thông tin của Bộ Công an cử xuống đang sửa nhưng vẫn chưa sửa được. “Bệnh” của dàn máy hiện đại này, theo thiếu tá Minh: “Mấy hôm nay đang chạy thử nghiệm nhưng cứ  lấy được vân tay của khoảng 3 người là máy mờ tịt, không đọc được, máy ẩm rồi bị dừng luôn. Đổi mới, cải cách để tiện cho người dân là chính nhưng nếu máy cứ tậm tịt thế này, người dân đến ghi số rồi phải về vì máy hỏng thì dân vui vẻ sao được...”. 
 
Không phải khi về quận mà ngay trong thời gian tập huấn cho công án các địa phương tại Bộ, hệ thống máy móc thu nhận vân tay đã  hoạt động bập bõm. Trả lời câu hỏi, bao giờ hệ thống này có thể khởi động và cho “ra lò” những chiếc CMND mới, Thiếu tá Minh khẳng định, “khó nói trước khi nào bởi vì máy như thế, Bộ cũng chưa ấn định ngày.”
 
Tại hai địa bàn còn lại là huyện Từ Liêm và quận Tây Hồ, các cán bộ chuyên trách ở đây cho biết, máy móc không trục trặc nhưng cũng không biết bao giờ triển khai cấp, phôi chứng minh thư cũng chưa được chuyển về trong khi người dân đã đến hỏi nhiều về thời gian triển khai.
 
Theo một số cán bộ chuyên trách lĩnh vực này, nếu áp dụng công nghệ mới này thì rất tốt, đảm bảo nhanh, thuận tiện cho người dân và cả cơ quan quản lý. Có điều chắc chắn là chưa thể thực hiện một cách đồng bộ ngay được.Với máy thí điểm đã hiện “lỗi” như thế, nếu cứ triển khai thì có chăng công nghệ mới chỉ ưu điểm hơn cấp thủ công ở chỗ: người được cấp chứng minh thư không phải rửa tay mà thôi.
 

 

Lịch sử tấm căn cước
 
Ở Việt Nam, thẻ căn cước được sử dụng trong thời kỳ Pháp thuộc (từ 1945 trở về trước) như giấy thông hành hoặc giấy chứng minh trong phạm vi toàn Đông Dương. Đến năm 1946, theo Sắc lệnh số 175 - b ngày 6/9/1946 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thẻ công dân được sử dụng thay cho thẻ căn cước.
 
Thẻ công dân chứng nhận về nhân thân và những đặc điểm riêng của mỗi công dân, bao gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, tên cha mẹ, nguyên quán, trú quán, chức nghiệp... do Ủy ban Hành chính xã, thị xã hoặc thành phố, nơi nguyên quán hoặc trú quán của công dân cấp cho công dân Việt Nam tuổi từ 18 trở lên. Từ năm 1957, thẻ công dân được thay bằng giấy chứng minh. Tại miền Nam Việt Nam, dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, thẻ căn cước được sử dụng phổ biến đến cuối tháng 4/1975. Từ khi thống nhất đất nước sau chiến tranh, năm 1976, giấy chứng minh nhân dân được sử dụng thống nhất trong cả nước. Từ năm 1999, được thay bằng chứng minh nhân dân theo quy định của Chính phủ CHXHCN Việt Nam.
 
Theo Pháp luật Việt Nam