Pháp có nguyện vọng bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên

(Dân trí) - Bảo tồn cầu Long Biên không chỉ là yêu cầu của Việt Nam mà còn là nguyện vọng của Chính phủ Pháp. Pháp đã có công hàm đề nghị bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên, dừng hướng xây dựng cầu mới được gợi ý trước đó…

Vào tháng 10 năm 2001 tại Hội thảo quốc tế về chủ đề “Cầu và các công trình nghệ thuật bằng kim loại - Di sản, biểu tượng và sử dụng” tổ chức ở Paris do chính phủ Pháp và Tổ chức Di sản không biên giới chủ trì. Hội thảo đã dành cho Cầu Long Biên của Việt Nam một vị trí trang trọng với một phiên thảo luận riêng.

Hội Thảo đã đi đến sự thống nhất về quan điểm, cần tôn vinh sự hiện diện của cầu Long Biên ở Hà Nội như một biểu tượng của lịch sử, công nghệ, vẻ đẹp cũng như sự trường tồn qua 2 cuộc kháng chiến.

Chính ý kiến từ diễn đàn này đã góp phần làm thay đổi quan điểm về dự án khôi phục lại cây cầu từ phía Chính phủ Pháp, khi có đến 34 báo đài của nước Pháp đã đồng loạt đưa tin với thông điệp, cầu Long biên là biểu tượng của công nghệ và thời thuộc địa của Thế giới nữa. Chính phủ Pháp đã tỏ rõ trách nhiệm, ngay sau cuộc hội thảo có công hàm đề nghị bảo tồn cầu Long Biên, dừng xây dựng cầu mới trên vị trí cây cầu lịch sử với nguồn vốn 200 triệu USD do Nhật Bản tài trợ.

Theo hướng này, Chính phủ Pháp cam kết tài trợ 1,5 triệu Fr xây dựng dự án bảo tồn nguyên vẹn cầu Long Biên để phía Việt Nam lên phương án bảo tồn cầu Long Biên tại vị trí hiện tại và đồng ý xây cầu mới cách cầu cũ 85m về phía thượng lưu.
Pháp có nguyện vọng bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên
Một phương án Bộ GTVT đưa ra là bảo tồn nguyên trạng 9 nhịp cầu về phía Hà Nội chưa bị bom đạn phá hủy, đoạn sau đấu nối với cầu mới.

Việc Bộ GTVT nêu phương án di dời cầu Long Biên và xây dựng cầu mới tại tim cầu cũ được biết do gặp khó khăn về việc giải phóng quỹ đất giao thông tại 2 đầu cây cầu mới.

Như vậy là phải xây một lúc hai cây cầu, có quá lãng phí? Điều đáng nói hơn, khi đó, cây cầu Long Biên sẽ biến đổi hình thức và công năng hoàn toàn do bị “nhổ” đi khỏi nơi nó tồn tại và trở thành lịch sử hơn 100 năm với bao biến cố của dân tộc. Nó bị tước đoạt sự sống, biến thành “phế tích” trưng bày, chỉ để làm cảnh?

Chúng tôi rất hy vọng Hà Nội sẽ có nhiều cuộc toạ đàm khoa học về số phận cầu Long Biên trước khi đặt bút quyết định chấp nhận hay không phương án di dời cây cầu này. Các cuộc tranh luận cần có mặt rộng rãi các ngành, giới, xã hội của Việt nam và Hà nội - vốn rất cần cho một quyết định ảnh hưởng tới lịch sử và văn hóa, cho số đông dân cư mà một vài cá nhân lãnh đạo không thể đại diện đủ.

Cầu Long Biên – khởi động đô thị Hà Nội

Việc xây dựng cầu Long Biên năm 1898 (tên gọi khi đó là Paul Doumer) khánh thành năm 1902 đánh dấu một giai đoạn chuyển hoá từ một đô thị truyền thống sang đô thị hiện đại theo trào lưu của thế giới. Cây cầu kim loại có qui mô lớn nhất thế kỷ (dài 1862m với 18 nhịp, 20 trụ đỡ cao hơn 20m) do người Pháp thiết kế đã được xây bằng chính những người thợ Việt Nam. Có thể nói chính sự kiện này đã thể hiện sức mạnh của văn minh và kỹ thuật, đi đầu trong công cuộc hiện đại hoá đất nước cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Chỉ đến khi cầu Long Biên xuất hiện tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mới hình thành, nghĩa là Hà Nội chỉ trở thành hoặc sắp thành đô thị bên đôi bờ con sông khi xuất hiện cầu Long Biên, cầu Chương Dương và những con cầu khác nữa trong tương lai.

Trong quá khứ, khi cây cầu được xây dựng, nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp Pino đã thống kê được sự tăng đột biến dân số Hà Nội thêm 1,2 vạn. Con số 2 vạn dân nội thành của Hà Nội năm 1945 cho thấy vai trò của cây cầu trong phát triển đô thị  - vai trò kiến tạo đô thị.

Nhờ đó, đô thị Hà Nội sau thời thuộc Pháp đã có cấu trúc không gian khá hoàn chỉnh với 3 thành phần cơ bản: 1.Thành cổ; 2. Khu phố buôn bán cổ của người Việt (khu 36 phố phường); 3. Khu phố Pháp cho các công sở. Với cây cầu này cấu trúc không gian của Hà Nội không còn bị giới hạn, bởi sông Hồng mà dã trở thành một cấu trúc lớn do sự thống nhất lãnh thổ đưa lại.

Trong qui hoạch phát triển đô thị Hà Nội đến năm 2020, Hà Nội sẽ có qui mô gấp 4 lần hiện nay. Đặc biệt là sự phát triển lên phía Bắc và Đông Bắc với các dự án lớn: Khu đô thị Bắc Thăng Long, Khu công nghiệp Sài Đồng; Khu đô thị Đông Anh và Gia lâm, Ô Cách. Điều này cũng có nghĩa là chuyển sông Hồng từ con sông phân định địa giới phía Bắc Hà Nội, thành con sông chảy qua khu vực trung tâm đô thị, theo kiểu sông Sen (Paris), sông Đanuyt (Budapest) với một hệ thống cầu đồ sộ nối liền 2 bờ Nam-Bắc gồm tám chiếc cầu, từ cầu vành đai liên tỉnh đến cầu cận trung tâm và cầu trung tâm. Trong qui hoạch này, rõ ràng cầu Long Biên trở thành cầu dân dụng của khu dân cư trung tâm Hoàn Kiếm - Gia Lâm chứ không phải cầu vận tải, nó mang một ý nghĩa mới, cùng với cầu Tứ Liên và cầu Chương Dương tạo cảnh quan đô thị có sông chảy qua giữa thành phố.

Di dời cầu = làm lịch sử biến mất?

Cần xem xét để bảo tồn cầu Long Biên như biểu tượng của lịch sử và biểu tượng kỹ thuật - công nghệ của Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20. Cây cầu cũng là biểu tượng bất khuất của cuộc kháng chiến chống Mỹ khi nó mang trên mình những vết thương mà vẫn đứng vững, là biểu tượng của văn hoá, lịch sử, cuối cùng là biểu tượng tinh thần bởi sự gắn kết của nó với cuộc sống của những người cần lao

Trong dự án phục chế cầu Long Biên, người ta đã đánh giá đúng giá trị của cây cầu với ý định sẽ phục chế nó, nhưng có một thiếu sót lớn nếu đề xuất xây dựng cạnh nó thêm một cây cầu đường sắt mới. Hướng đề xuất phá hủy cây cầu bằng cách di dời nhường vị trí cho cây cầu mới càng bất ổn hơn. Có nhiều cách để lịch sử biến mất nhưng cách làm này thô bạo hơn cả.

Điều này cần thận trọng bởi chỉ xây sát cầu Long Biên thêm 1 cây cầu mới là chúng ta đã tự phá vỡ ý định bảo tồn cầu Long Biên. Lý do rất đơn giản, cây cầu cần được bảo tồn không chỉ bản thân nó, mà cả cảnh quan xung quanh nó một cách khoa học. Khó có thể hình dung cầu Long Biên có được vẻ đẹp như nó vốn có nếu vây xung quanh tới 2 - 3 cây cầu hiện đại, che khuất vẻ thanh nhã và êm đềm mà nó mang lại cho cảnh quan khu vực nhạy cảm này.

Một lý do nữa, mặc dù là công trình giao thông, nhưng đã coi nó là di sản văn hoá (nếu không thì phục chế làm gì) thì nó cần được đối xử tinh tế như mọi đối tượng bảo tồn khác, có nghĩa là phải tôn trọng tuyệt đối tính nguyên mẫu của di tích. Mọi can thiệp như tăng thêm qui mô, nâng cao toàn bộ, sai lệch cấu trúc cũ, dáng vẻ, màu sơn v.v. đều có thể làm hỏng cây cầu, làm mất tính nguyên bản tức đánh mất lịch sử - cái cần để lại cho con cháu mai sau.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục (Bộ Xây dựng)