“Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”

(Dân trí) - “Xương máu và thân thể của các anh đã hòa mình cùng sóng biển quê hương, nhưng tên tuổi và tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các anh là những thiên sử anh hùng, bất diệt. Khí phách sáng ngời của các anh đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ”.

Đó là những sẻ chia xúc động của ông Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - tại buổi tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa. Buổi tưởng niệm được diễn ra trên vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - nơi cách đây 27 năm đã diễn ra cuộc chiến đấu và sự hi sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vì sự toàn vẹn chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
“Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”
Ông Trương Minh Tuấn đã không kìm nổi dòng nước mắt, giọng nghẹn lại khi đọc lời tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa. (Ảnh: Thế Kha)

Ông Trương Minh Tuấn khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, mệnh lệnh trái tim, trí tuệ của mỗi người dân Việt Nam.

Đầu năm 1988 để ngăn chặn ý đồ của Trung Quốc đánh chiếm một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Hải quân nhân dân Việt Nam đã cùng các lực lượng vũ trang dũng cảm vượt khó khăn, gian khổ, chạy đua cùng thời gian, củng cố tăng cường thế đứng của Việt Nam trên khu vực quần đảo; chủ động, bình tĩnh, khôn khéo xử lý các tình huống và thực hiện nghiêm đối sách, kiềm chế đến mức tối đa vì nghĩa cử cao đẹp - giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị trong khu vực Biển Đông.

“Song, bất chấp công lý và lẽ phải, biết không thể khuất phục được ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, ngày 14/3/1988 Trung Quốc đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải, lực lượng công binh xây dựng đảo trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng, súng bộ binh với lực lượng tàu chiến hùng hậu của Trung Quốc có trang bị vũ khí hiện đại, các anh đã kết thành một vòng tròn - một “Vòng tròn bất tử” lấy thân mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, quyết tâm giữ và cắm lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam. 64 cán bộ, chiến sỹ dũng cảm chiến đấu với Trung Quốc đến hơi thở cuối cùng và vĩnh viễn ra đi trong trận chiến đầy khốc liệt ấy. Các anh đã không trở về với đất mẹ, với bao ước vọng của tuổi thanh xuân chưa kịp thực hiện”- ông Trương Minh Tuấn trầm giọng.

“Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”
Các thành viên trên tàu Trường Sa 571 thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. (Ảnh: Thế Kha)

Ông Tuấn dõng dạc: “Chúng tôi cảm phục tấm gương anh dũng hi sinh của Anh hùng, liệt sỹ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng, liệt sỹ, Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng Tàu HQ604; Anh hùng, liệt sỹ, Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công hung bạo của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ độ bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hi sinh, Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh mình, động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quanh của Quân chủng”. Đó là anh hùng, thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm”.

Ông Tuấn vừa dứt lời, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhà báo đến từ các cơ quan, đơn vị khác nhau có mặt trên tàu Trường Sa 571 đã không thể kìm nén được cảm xúc, khóc nấc lên. “Xương máu và thân thể của các anh đã hòa mình cùng sóng biển quê hương, nhưng tên tuổi và tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các anh là những thiên sử anh hùng, bất diệt. Khí phách sáng ngời của các anh đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ (…). Sự hi sinh của các anh rất đỗi vinh quanh, song để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nỗi nhớ khôn nguôi của những người cha, mẹ già, người vợ; hằn trong ký ức của những người thân hàng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa đợi trông, mong các anh trở về. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm sao khỏa lấp đầy….”- ông Tuấn chia sẻ.

“Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”
Thả hương hoa, lễ vật xuống Biển Đông tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988. (Ảnh: Thế Kha)

“Trong mênh mông biển trời của vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, với lòng thành kính, mỗi chúng tôi không thể cầm lòng. Mong sao các anh linh chứng giám, tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta, quân đội ta, cho chúng tôi thêm ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ vươn tới những thành công mới. Cầu chúc anh linh các anh yên nghỉ trong lòng đại dương, trong bóng hình sóng nước, phù hộ độ trì cho thế hệ hôm nay và mai sau giữ yên biển, trời Việt Nam”- ông Trương Minh Tuấn kết thúc lời tưởng niệm.

Sau phút mặc niệm, hơn 200 thành viên trên tàu Trường Sa 571 đã thắp hương, thả lễ vật và những bông hoa cúc trắng - vàng xuống biển, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ.

Cũng trên vùng biển đảo Cô Lin, Gạc Ma, các bạn trẻ tham gia hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” trên tàu HQ 996 cũng dự Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên quẩn đảo Trường Sa. Dưới đây là những hình ảnh xúc động tại buổi tưởng niệm diễn ra trên tàu HQ 996.

“Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”

Các bạn trẻ tham gia hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” tham dự Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên quẩn đảo Trường Sa.

“Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”

Chuẩn đô đốc Phạm Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Chính trị (Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam) đọc lời tưởng niệm.

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính.


Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Những giọt nước mắt tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống vì biển đảo quê hương.


Những giọt nước mắt tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống vì biển đảo quê hương.


Những giọt nước mắt tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống vì biển đảo quê hương.

Những giọt nước mắt tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống vì biển đảo quê hương.

Thành kính dâng hương tưởng niệm.


Thành kính dâng hương tưởng niệm.

Thành kính dâng hương tưởng niệm.

Hoa và hạc giấy được thả xuống biển.


Hoa và hạc giấy được thả xuống biển.


Hoa và hạc giấy được thả xuống biển.

Hoa và hạc giấy được thả xuống biển.

Thế Kha - Khánh Linh


Thế Kha - Khánh Linh


Thế Kha - Khánh Linh