Phải đặt “thượng đế” lên trên hết

(Dân trí) - Nỗi lo “trắng” bóng đá nội ở vòng đấu khai mạc năm 2012 đã tạm qua, sau khi VTV “bắt tay” AVG truyền hình trực tiếp một số trận. Nếu “cuộc chiến” bản quyền vẫn diễn biến phức tạp và kéo dài, người hâm mộ sẽ là đối tượng phải gánh chịu phần thiệt thòi…

Phải đặt “thượng đế” lên trên hết - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)


Sau nhiều năm chứng kiến giải V-League diễn ra trong cảnh trắng - đen, thật - giả lẫn lộn, người hâm mộ đang chờ đợi được thưởng thức nhiều trận đấu gây cấn, hấp dẫn đúng với tinh thần “Fair - Play” gắn với sự kiện VPF được khai sinh. Niềm tin của người hâm mộ đang dần được cải thiện gắn với những lời tuyên bố mạnh mẽ về cuộc cải tổ chất lượng giải đấu, chất lượng trọng tài, đưa bóng đá đến gần hơn với người hâm mộ… mà ê kíp lãnh đạo đưa ra trong ngày VPF tiến hành Đại hội cổ công.

Khi người hâm mộ đang nóng lòng chờ đợi Super League, sự hào hứng lại đột ngột suy giảm ngay trước giờ bóng lăn vì “cuộc chiến” bản quyền phát sóng giữa VPF và đơn vị sở hữu hợp pháp AVG. Động cơ thúc đẩy VPF quyết lật lại bản hợp đồng 20 năm mà VFF ký với AVG (2010) chỉ nhằm cải thiện quyền lợi cho các CLB thành viên. Tuy nhiên, việc làm của “bầu” Kiên, người đại diện HĐQT VPF đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của lãnh đạo AVG, bởi AVG mới là thương hiệu được VFF xác nhận sở hữu bản quyền hợp pháp phát sóng 4 giải đấu chuyên nghiệp: Super League, hạng Nhất, Cup QG, Siêu Cup QG. Đây là hợp đồng dựa trên nguyên tắc “thuận mua vừa bán” công khai, minh bạch. Sau mỗi đêm, “cuộc chiến” lại được đẩy lên cấp độ cao hơn, khiến VTV và hàng chục nhà đài khác chẳng biết phải lên kế hoạch truyền hình phục vụ nhu cầu khán giả từ AVG hay VPF? Khi cuộc chiến “tầm cao” chưa kết thúc, người hâm mộ vẫn phải đối diện nguy cơ không được thưởng thức bóng đá nội, dù khán giả thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu khi VPF được khai sinh. Phải chăng, vì quá say sưa đến việc giành giật bản quyền mà những người giữ vai trò sáng lập ra VPF quên mất nhiệm vụ thiêng liêng này?.

Lý do khiến VPF muốn xem xét lại hợp đồng truyền hình AVG đang nắm giữ là mốc thời gian 20 năm, cùng mức giá 6 tỷ/mùa giải đầu tiên (lũy tiến mỗi mùa tiếp theo 10%). Thủ tục đàm phán và thời hạn hợp đồng đã được lãnh đạo VFF lên tiếng xác nhận tuân thủ đúng luật pháp. Riêng về mức giá 6 tỷ đồng, nhiều người cho rằng đây không phải mức giá quá thấp ở thời điểm chẳng có nhà đài nào dám mạo hiểm đặt bút ký với VFF một bản hợp đồng dài hơi vì khai thác quảng cáo qua các trận đấu bóng đá nội luôn rất khó khăn. Số tiền bản quyền hơn 6 tỷ đồng kể từ mùa giải 2012 bị cho là rẻ, nhưng nhiều người lại bỏ quên không tính đến khoản chi phí cả vài trăm triệu mà AVG phải bỏ ra chi phí sản xuất 1 trận đấu trước khi chuyển đến cho các đài khác khai thác. Đem nhân lên cả trăm trận, mức chi phí AVG bỏ ra cho mùa giải cũng tốn cả trăm tỷ/mùa.

Với mức độ căng thẳng ngày càng gia tăng, “cuộc chiến” bản quyền bóng đá nội chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt trong một vài ngày. Khi những va chạm không được giải quyết, các nhà đài khó có thể lên kế hoạch phát sóng và khán giả sẽ là người phải gánh chịu thiệt thòi, dù họ là nhân tố quyết định đến độ hấp dẫn của giải đấu.

AVG đầu tư vào bản quyền bóng đá nội là để hướng đến nhu cầu của người hâm mộ. VPF được hình thành cũng chỉ có muốn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, bền vững cho bóng đá Việt Nam. Ai đúng? Ai sai? Và nếu thật lòng vì nền bóng đá nước nhà, tại sao AVG và VPF không ngồi lại để cùng nhau giải quyết bất đồng, dựa trên cơ sở tôn trọng pháp lý cũng như quyền lợi và trách nhiệm từng bên? Và nên đặt quyền lợi của khán giả lên trên hết.

Ngọc Cương