“Phải bồi thường cho chúng tôi”

Những lao động mà chúng tôi đã gặp khi họ được trở về Việt Nam đều yêu cầu chủ sử dụng lao động phải trả đủ lương của 2 tháng 10 ngày mất việc làm và bồi thường thiệt hại vì đã vi phạm hợp đồng.

“Phải bồi thường cho chúng tôi”
Ông Nguyễn Tiến San - Trưởng ban Quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Malaysia (bìa trái) chứng kiến người lao động nhận lương và phụ cấp trước khi về Việt Nam.

Có những người sau khi trừ số tiền phải nộp vào công ty để được đi làm ở Malaysia, cộng với tiền lãi ngân hàng thì xem như họ đã đi làm không công gần 2 năm trời…

15 tiếng làm việc quần quật, còn bị bớt tiền công

Chị Hoàng Thị Phượng ở xóm Xuân Tân, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc - Nghệ An) dù vừa về được hai ngày và vẫn chưa đi vệ sinh được (do uống nước màu đỏ trong trại giam) nhưng đã phải bắt tay ngay vào công việc chế biến hải sản thủ công. Chị cho biết, phải trở về với nghề cũ thôi, biết làm sao bây giờ.

Cực chẳng đã, chị phải dừng lại một mẻ cá đang sấy để tiếp chúng tôi. Chị nói: Hợp đồng của chị bị ông chủ thu ngay khi vừa xuống sân bay. Nhưng chị vẫn nhớ là thời hạn 3 năm, vẫn đang còn hơn 1 năm nữa. Theo như hợp đồng ký với Cty Việt Hà thì mỗi ngày chị chỉ làm việc 12 tiếng, trừ chủ nhật, lương là 972RM. Thế nhưng, sang đó họ chỉ trả cho chị 840RM. Nhất là mức lương 8 tiếng làm việc ngày chủ nhật được thỏa thuận là 42RM, nhưng họ chỉ trả 21RM thôi.

“Thế rồi chúng tôi phải làm thêm 3 tiếng nữa để kiếm thêm thu nhập. Nhưng tôi cũng chỉ kiếm được 60 triệu đồng. Tính ra, trừ chi phí, tiền lãi... là đi làm không công. Bây giờ, nửa đường đứt gánh, đã nghèo lại càng nghèo. Nếu mình vi phạm hợp đồng, mình muốn chấm dứt trước thời hạn thì sẽ bị phạt. Vậy khi họ vi phạm thì phải có trách nhiệm, phải bồi thường cho mình chứ. Chúng tôi yêu cầu chủ sử dụng lao động phải bồi thường cho chúng tôi” - chị Phượng bức xúc.

Chị Trần Thị Loan ở xóm Thái Lão, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã đi được 1 năm 9 tháng, trong lúc hợp đồng là 3 năm. Chị rất bức xúc vì ra đi đàng hoàng, nhưng sang đó lại bị bắt, bị đối xử thậm tệ. Hai tháng bị mất việc vẫn chưa được chủ sử dụng lao động thanh toán. Chị kể phải nộp 21,5 triệu đồng để đi, chưa kể một số khoản chi phí khác. Thế mà gần 2 năm qua chỉ tích lũy được hơn 60 triệu đồng. Phải tìm việc khác ở Việt Nam thôi, như giúp việc gia đình, chẳng hạn. “Chúng tôi không vi phạm gì cả, chúng tôi ra đi đàng hoàng, vậy phía nào vi phạm thì phải bồi thường cho chúng tôi” - chị Loan quả quyết.
 
“Phải bồi thường cho chúng tôi”
Lao động Nguyễn Thị Hiển diễn lại cảnh vái lạy khi ở trại tạm giam của Malaysia.

“Tôi phải vái lạy họ”

Tôi đã tự giao cho mình phải tìm bằng được chị Nguyễn Thị Hiển - người mà chân đau không thể bò lết được nên đã phải vái lạy xin quản giáo ở nhà tù Juru. Xã đội trưởng xã Xuân Trường (Nghi Xuân) đã đưa tôi đến gặp chị. Không hề giấu giếm, chị kể: Họ phạt mọi người đứng lên ngồi xuống 100 lần, chị không chịu được đã bị ngã quỵ. Chị em đỡ dậy, họ phạt phải bò lết quanh nhà. Chân chị đau, trước đó lại bị đánh nên không thể lết được nữa. Chị đã phải phủ phục để vái lạy họ tha cho. Nhưng họ vẫn phạt phải lết đi.

Rồi chị nói về việc bị thu hợp đồng lao động, chẳng khác gì cách hành xử của những tên du côn. “Xe chạy được 150km, đến quãng rừng vắng thì tay chủ đòi thu hợp đồng. Một số người có ý phản ứng. Nó bảo, không nộp sẽ đuổi cổ xuống  xe. Giữa rừng vắng như vậy, ai dám không nộp” - chị Hiển cho biết.

Nói đến số tiền tích lũy, chị thở dài: Khi đi chị mới nộp cho công ty 14 triệu, xin khất nợ 7 triệu. Sang Malaysia làm việc được 2 tháng thì họ trừ hết tiền nợ. Sau khi chị trả xong nốt số 17 triệu còn lại thì chỉ gửi về nhà được 20 triệu. Tính ra là chả được gì. Chị mong Nhà nước can thiệp để các chị được bồi thường, vì mình có chấm dứt hợp đồng đâu. Về việc bị ngược đãi, chị Trần Thị Loan tâm sự: “Ra khỏi nhà tù Juru mới nghĩ mình được sống, em ạ!”.

TheoPhạm Việt Thắng
Lao động