Phải bảo vệ người tố cáo ngay từ đầu

(Dân trí) - Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội, Lê Thị Thu Ba cho rằng, nhiều vụ việc kéo dài 5 - 10 năm mới được làm rõ đúng sai - nếu lúc ấy quay sang khôi phục quyền lợi cho người tố cáo thì đã quá muộn.

Đó là một trong nhiều vấn đề được đặt ra tại phiên họp cho ý kiến dự thảo luật Tố cáo của UB Thường vụ Quốc hội, sáng 15/9.

Theo báo cáo thẩm tra dự thảo luật, đa số thành viên của UB Pháp luật tán thành với quy định tại khoản 2 điều 23 của dự thảo luật: “người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được”.

Các ý kiến này cho rằng, tố cáo không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của công dân đối với xã hội, với nhà nước và quy định như trên cũng góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo.

Hơn nữa, thực tế cho thấy trong thời gian qua, số lượng các tố cáo “nặc danh” thường tăng vào những thời điểm nhạy cảm như chuẩn bị bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự. Bên cạnh những trường hợp mang tính xây dựng, tích cực cũng có không ít người lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật gây mất đoàn kết nội bộ, tốn kém cả thời gian và tiền bạc cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết. Chưa kể, nếu thừa nhận loại tố cáo này thì vô hình chung sẽ khuyến khích tố cáo nặc danh, mạo danh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, thực tiễn có những trường hợp, thông tin nặc danh nhưng lại chính xác hoặc có những sự việc nếu người tố cáo lộ danh sẽ bị trù dập, trả thù… Chính vì vậy, theo ông Ksor Phước, cần có một điều trong luật quy định, trong trường hợp nào nhận được tố cáo nặc danh phải xử lý và xử lý ra sao.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội, Trương Thị Mai cũng đề xuất, cần có cơ chế riêng với trường hợp tiếp nhận tố cáo bằng thư điện tử, fax, điện thoại mà nội dung tố cáo gắn với các địa chỉ cụ thể để có trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết ngay. Bà Mai dẫn chứng, với các trường hợp tố cáo cán bộ hiếp dâm, chứa chấp hàng gian… phải xử lý ngay, không thể để lâu ngày.
Phải bảo vệ người tố cáo ngay từ đầu - 1
Bà Lê Thị Thu Ba: phải có quy định cụ thể bảo vệ người tố cáo

Chuyển sang việc bảo vệ người tố cáo, báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật cho rằng, cần nghiên cứu để quy định chi tiết, trong đó cần bổ sung quy định về cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ.

Chủ nhiệm UB Pháp luật, Lê Thị Thu Ba cho rằng, vụ tố cáo Phá rừng Tánh linh, người tố cáo phải “chui lủi”  hay nhiều vụ việc khác, người tố cáo bị buộc thôi việc, hạ bậc lương… nên vấn đề đặt ra,  phải có quy định để bảo vệ người tố cáo ngay từ ban đầu. “Nhiều sự việc kéo dài 5 - 10 năm mới được làm rõ đúng sai - lúc ấy quay sang khôi phục quyền lợi tố cáo thì đã quá muộn rồi”, bà Thu Ba phân tích.

Vấn đề này cũng là trăn trở của Phó Chủ tịch Quốc hội, Huỳnh Ngọc Sơn. Theo ông Sơn, rất nhiều trường hợp trong 88 tấm gương chống tham nhũng được biểu dương vừa qua đã bị trù dập, bị đánh đập. Thậm chí, một phụ nữ chống tham nhũng tại quận Tây Hồ (Hà Nội) vừa bị đánh trước khi được tuyên dương mấy ngày.

Theo ông Sơn, luật phải làm rõ vấn đề, người tố cáo phải được bảo vệ, được lo cho như thế nào? Trong đó, với trường hợp được bảo vệ, nhưng vẫn bị tấn công hoặc thậm chí hy sinh, phải được đối xử ra sao cũng phải cụ thể trong luật.

Về chủ thể tố cáo, đa số ý kiến của thành viên UB Pháp luật tán thành với quy định, chủ thể tố cáo là công dân. Theo UB, tố cáo là hành vi làm phát sinh những hậu quả pháp lý và trách nhiệm gắn với cá nhân, chẳng hạn trách nhiệm hình sự đối với trường hợp vu khống, bịa đặt (điều 122 - Bộ luật hình sự). Vì vậy, không thể quy định chủ thể tố cáo là tổ chức.

Tuy nhiên, chủ tịch Hội đồng dân tộc, Ksor Phước phân tích, việc có nhận đơn tổ chức hay không nên có điều quy định cụ thể. Ông đặt ra tình huống, có trường hợp nếu tố cáo đơn lẻ dễ bị trù dập, bị cô lập, nên phải là công đoàn, hội đứng ra tố cáo…  

Nên chăng với những việc như vậy, phải ghi rõ, người đầu tiên chịu trách nhiệm là người ký văn bản. “Theo tôi nên có điều ghi rõ, trong trường hợp người đứng tên đó là đúng, tổ chức đó là đúng thì phải tiếp nhận”, ông Ksor Phước phân tích.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cũng nhìn nhận, nếu không nhận đơn tố cáo của tổ chức độc lập, có tài khoản, con dấu, luật không điều chỉnh hết các vấn đề thực tiễn đang diễn ra. “Có những  việc không đụng đến cá nhân, nhưng động đến cơ quan thì anh nào đứng ra tố cáo”, ông Vượng đặt vấn đề.

Cấn Cường