Ông Trương Tấn Sang đắc cử Chủ tịch nước

(Dân trí) - Với hầu hết số đại biểu bỏ phiếu tán thành, Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang đã đắc cử chức danh Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2011- 2016. Tân Chủ tịch nước có ít phút ra mắt Quốc hội, phát biểu nhậm chức trước khi thực hiện nhiệm vụ.

Ông Trương Tấn Sang đắc cử Chủ tịch nước - 1
Ông Trương Tấn Sang sẽ đảm nhận nhiệm kỳ Chủ tịch nước 4 năm (ảnh: Việt Hưng).
 

Công bố kết quả kiểm phiếu, trưởng ban kiểm phiếu cho biết, 487 đại biểu (tương đương 97,8% ) bầu cho ông Trương Tấn Sang.

 

Ông Trương Tấn Sang được UB Thường vụ QH mới thống nhất đề cử làm Chủ tịch nước chiều 23/7. Kết quả thảo luận tại các đoàn đại biểu sau đó nhất trí với phương án này, không có nhân sự nào được giới thiệu thêm.

 

Đầu buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng điều khiển buổi họp với việc báo cáo kết quả tổng hợp ý kiến tại các đoàn đại biểu về việc đề cử chức danh Chủ tịch nước. 100% trong số 498 đại biểu gửi phiếu cho ý kiến đều nhất trí tín nhiệm ông Trương Tấn Sang cho vị trí nguyên thủ quốc gia.
Ông Trương Tấn Sang đắc cử Chủ tịch nước - 2
Tân Chủ tịch nước tặng hoa cảm ơn người tiền nhiệm (ảnh: Việt Hưng).
 

Phát biểu nhậm chức, ông Trương Tấn Sang khẳng định, bản thân ông tự ý thức đây là vinh dự, đồng thời là trọng trách mà nhân dân giao phó. Tân Chủ tịch nước hứa, sẽ mang hết sức mình phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân.

 

Ông Sang cũng gửi lời cảm ơn người tiền nhiệm Nguyễn Minh Triết. Tân Chủ tịch nước đánh giá, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong nhiệm kỳ hoạt động của mình có sự đóng góp lớn trong những thành tựu đạt được của đất nước những năm qua. Ông Sang hi vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của người tiền nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 

Trên cương vị công tác mới, tân Chủ tịch nước đề ra mục tiêu trọng yếu là cùng góp sức đề xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992; đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch vững mạnh; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức.
Ông Trương Tấn Sang đắc cử Chủ tịch nước - 3
Tân Chủ tịch nước nhận bắt tay chúc mừng của đại biểu (ảnh: Việt Hưng).

 

Về việc thực hiện chức năng đối ngoại, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh sẽ thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, kiên trì giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với các nước liên quan bằng thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển 1982 của LHQ và nguyên tắc ứng xử của khu vực.

 

“Trên con đường phát triển, ta đang đứng trước thời cơ và thách thức to lớn. Tôi tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, bản lĩnh của người Việt Nam có truyền thống hàng nghìn năm giữ nước, chúng ta sẽ vượt qua mọi thách thức, xây dựng thành công đất nước giàu đẹp, văn minh, bảo vệ thành công thể chế XHCN”, tân Chủ tịch nước nhấn mạnh.
 
 
Ông Trương Tấn Sang đắc cử Chủ tịch nước - 4
Bộ máy lãnh đạo cấp cao nhà nước nhiệm kỳ mới dần hình thành (ảnh: Việt Hưng).

 

Ông Trương Tấn Sang sinh ngày 21/1/1949, quê xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, vào Đảng ngày 20/12/1969, là Cử nhân Luật, cao cấp lý luận chính trị. Từ những năm 1990, ông Trương Tấn Sang làm GĐ nông trường Phạm Văn Hai TP.HCM rồi được bầu là Bí thư huyện ủy Bình Chánh, quyền Chủ tịch rồi làm Chủ tịch UBND thành phố.

 

Trong Đại hội Đảng toàn quốc VIII (tháng 6/1996) ông được bầu vào Bộ Chính trị, làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. Bộ Chính trị phân công ông làm Trưởng ban Kinh tế TƯ Đảng năm 2000. Đến tháng 5/2006, ông giữ chức Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng.

 

Tiểu sử tóm tắt Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Sinh ngày 21/1/1949, quê tại xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

Dân tộc: Kinh                          Tôn giáo: không

Trình độ chuyên môn: Cử nhân Luật

Cao cấp lý luận chính trị

Nghề nghiệp chức vụ: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng

Ngày vào Đảng: 20/12/1969, Ngày chính thức: 20/12/1970.

Khen thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng ba

Là UVTƯ Đảng khóa VII, VIII, IX, X, XI
 
Là đại biểu QH các khóa IX, X, XI, XIII.

Tóm tắt quá trình công tác:

-1966-1968: Tổ trưởng thanh niên, xây dựng cơ sở mật trong sinh viên, học sinh (PK2)

-1969-1971: Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn Thanh niên, phụ trách Đội võ trang mật thị trấn Đức Hòa (Long An)

-1971-1973: Bị địch bắt, bị giam giữ ở nhà tù Biên Hòa, Phú Quốc. Đến năm 1973, được trao trả theo Hiệp định Pa-ri

-4/1975-10/1978: Cán bộ Công đoàn Gia Định, Phó Ban xây dựng kinh tế mới thành phố, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM các nông trường và Khu kinh tế mới TPHCM.

-1979-8/1983: Huyện ủy viên, Giám đốc Nông trường Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM, Thành ủy viên dự khuyết

-1983-1986: Giám đốc Sở Lâm nghiệp, Thành ủy viên phụ trách lực lượng thanh niên xung phong và Ban Kinh tế mới TP.HCM

-1986-1988: Ủy viên BTV Thành ủy, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, TP.HCM

-1988-1990: Đi học ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc TƯ (Hà Nội)

-1990-1991: Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp

-1991-1992: UVTW Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM

-1992-1996: Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND TP.HCM

-1996-1/2000: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM

1/2000-2006: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế TƯ

2006 đến nay: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư

P.Thảo