1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội:

Ông Táo lên trời, sông hồ “no” rác

(Dân trí) - Từ trưa 23 tháng Chạp, người dân Hà Nội đã bắt đầu thả cá chép đưa ông Công ông Táo về trời. Cá chép đi rồi, túi đựng cá ở lại, sông hồ khắp Thủ đô được dịp “no” rác.

Các hồ như Ngọc Khánh, Thủ Lệ, Hồ Tây, Trúc Bạnh… bất cứ nơi nào có nước là nơi đó túi ni lông chất đống. Người dân thả cá xuống nước xong, túi bóng cứ hồn nhiên được vứt ngay tại chỗ. 

Đến chiều tối, người đi thả cả ít hơn lại là lúc sông hồ “lộ” rác rưởi. Chiều tối, chúng tôi có mặt tại con kênh nước Cầu Diễn (Từ Liêm) khi hai bên thành cầu đều đã ngập rác và tận mắt chứng kiến khoảng 30 người đến thả cá, người nào người nấy thả cá xong là thả luôn túi bóng lên thành cầu. Nhưng như thế vẫn còn may, những người kém ý thức hơn còn ném luôn túi bóng xuống dòng nước.
 
Ông Táo lên trời, sông hồ “no” rác - 1
Thành cầu ngập túi bóng.
 
Theo những người xe ôm đứng quanh đây, từ trưa tới giờ, nhân viên vệ sinh đã đến dọn rác mấy lần nhưng không xuể.

Chẳng những xả túi bóng, lễ thả cá cho ông Táo về trời còn trở thành dịp để nhiều gia đình thay chân hương, bàn thờ cũ. Hậu quả là gần như mặt hồ nào cũng có bàn thờ nổi lềnh bềnh.

Nằm trong công viên, hồ Thủ Lệ cứ tưởng thoát được “kiếp nạn”, nhưng đến chiều tối, hồ cũng đã ngập rác và nhiều người vẫn đang tiếp tục “vượt rào” vào thả cá. Anh Hạ bán giải khát gần hồ cám cảnh: “Thế này thì chỉ có chết, ô nhiễm môi trường quá đi mất”.
 
Ông Táo lên trời, sông hồ “no” rác - 2
Đến tối, các hồ ở Hà Nội vẫn còn “say rác”.
 
Tại hồ Ngọc Khánh, những chiếc xe rác của nhân viên vệ sinh đã chất đầy nhưng dưới hồ rác rưởi vẫn tràn ngập.
 
Thả cá chép ngày ông Công ông Táo là một tục lệ lưu giữ từ xa xưa, nhưng sau những thành tâm với ông Công ông Táo, nên chăng người thả cá hãy ý thức đến môi trường sống bằng việc bỏ rác đúng chỗ, có như vậy mới không làm xấu đi ý nghĩa đẹp của việc thả cá chép ngày 23 tháng Chạp hàng năm.

Hoài Nam