Ông Táo hối hả về trời

(Dân trí) - Kinh tế khó khăn, ông Táo xứ Nghệ cũng <a href="http://dantri.com.vn/c20/s20-303839/tao-quan-an-tet-nho.htm">ăn Tết nhỏ</a>, nhưng lễ thả cá chép, tiễn ông Táo lên chầu trời vẫn không vì thế mà bớt không khí nhộn nhịp.

Dạo quanh một vòng các tuyến đường của TP Vinh - Nghệ An, người dân đổ xô đi sắm đồ chuẩn bị cho Táo quân lên trời "báo cáo với Ngọc Hoàng". Mặt hàng không thể thiếu, như mọi năm là cá vàng, cá chép, giấy hàng mã, áo mũ, xe máy giấy…. 
 

Ngay từ sáng sớm, hầu hết người dân TP Vinh đã sắm lễ đã xong, công việc buổi chiều là đi mua cá chép, cá vàng và đúng thời khắc từ 17 -18 giờ ngày 18/1 (tức 23/12 âm lịch), người dân thành phố Vinh bắt đầu vui nhộn lễ thả cá chép tiễn ông Táo về chầu trời. Đặc biệt, năm nay "món" cá chép, cá vàng bán chạy nhất trong mấy năm qua, mỗi đôi cá chép có giá từ 20.000-30.000 đồng, cá đẹp to thì 50 ngàn đồng; riêng cá vàng (cá cảnh) có giá từ 10-30 ngàn đồng tuỳ to nhỏ...

Ông Táo hối hả về trời - 1

Cầu Bến Thuỷ là nơi người dân TP Vinh năm nào cũng thả cá chép, cá hồng tiễn Táo quân về trời


Có mặt tại nhiều điểm thả cá chép như: dòng sông Lam, hầu hết người dân đứng trên thành cầu thả xuống, tại các hồ cá như Cửa Nam, Hồ Goong, công viên trung tâm… Hàng trăm người thả cá chép rồi chắp tay lại ngửa mặt lên trời cầu mong một năm mới dồi dào sức khoẻ, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt… 

Ông Táo hối hả về trời - 2
Ba ông Táo ba... túi nilon.
 
Ông Táo hối hả về trời - 3

Nhộn nhịp thả cá 

TPHCM năm nay, cũng như mọi năm, ông Công ông Táo nhà “khá giả” thì “cưỡi” cá chép sống; nhà “khó khăn” thì cá chép giấy hóa vàng.

Như mọi năm, 5 giờ sáng ngày 23 tháng chạp, bà Trần Thị Hoa (phường 10, quận Gò Vấp) sau khi quét dọn bếp núc sạch sẽ, lên đường đi chợ Bến Thành mua đồ lễ tiễn ông Táo, tất nhiên không thể thiếu “phương tiện” đi lại của ông là cá chép vàng.
 
Ông Táo hối hả về trời - 4

Cá vàng được dịp lên giá.
 
Bà Hoa cho rằng đây là dịp để gia đình bà trả ơn cho “ông bếp” đã giúp đỡ nhà bà ăn nên làm ra trong suốt năm qua. Ngoài ra cũng nhờ “ông bếp” lên thiên đình xin cho gia đình khoẻ mạnh, con cháu làm ăn tấn tới, hạnh phúc. “Vì thế tôi mua cá chép càng to càng tốt để giúp ông lên trời thuận lợi”, bà cho biết.

Trong khi đó, chị Hoàng Thị Cúc ở quận 3 lại cho biết: “Năm nay kinh tế khó khăn nên nhiều nhà đã thay cá chép thật bằng cá chép giấy, còn có nhà thì mua cá chép nhỏ hơn để làm phương tiện đưa ông Táo lên trời. Năm nay cá chép thật một cặp đều trên 20 ngàn đồng đối với loại cá nhỏ, còn cá lớn thì bán theo kg có giá vài trăm ngàn đồng”.
 
Ông Táo hối hả về trời - 5

Thời buổi ô nhiễm, ông Táo đành khởi hành từ nơi ao tù nước đọng.
 
Cộng đồng người Hoa sinh sống tại khu chợ Lớn (quận 5), quận 11... thì đồng loạt thắp hương cúng ông Táo lúc 5 giờ sáng. Theo phong tục mâm cúng ông Táo của người Hoa, gồm có 5 loại mứt, 5 loại trái cây, 3 bộ áo mão ông Táo và tiền vàng giấy để làm lộ phí cho “ông bếp” lên trời. Có nhà còn cúng thêm cây mía để mong sự may mắn, ngọt ngào.

Trong ngày này, có gia đình còn dùng bếp lò mang ra đập vỡ rồi mua bếp lò mới. Đây được xem là sự thay đổi để khi ông Táo sau khi về lại có nhà mới để cư ngụ. Ngoài ra nhiều người dân tại thành phố còn quan niệm nên làm lễ tiễn ông Táo khi ánh sáng mặt trời còn, chứ cúng ban đêm, không có ánh sáng thả cá chép ra quỷ thần ăn mất nên đa số nhiều gia đình tổ chức cúng vào buổi sáng hoặc giữa trưa, vì cho rằng giờ này là thiêng nhất.

N.Duy - H.Lương - T.Kiên