Ông già 70 tuổi “cõng” 6 sinh viên đại học

(Dân trí) - Một ông già hơn 70 tuổi, sáng sáng còng lưng trên chiếc xe đạp cà tang; hành trang là một cà mèn cơm mắm, một chiếc cuốc, cây rựa; đạp hơn 7 cây số ra đồng. Đó là hình ảnh không mấy xa lạ với người dân thôn Tiến Đạt (Quảng Tiến, Cưmgar, Daklak).

Ông là Đỗ Hồng Tấn (hay gọi là Bốn Lệ), được biết đến không chỉ như một ông già dẻo dai, giỏi lăn lộn, bươn chải mà còn là một người cha hết lòng vì sự học của các con.

 

“Nuôi chữ” từ hai bàn tay trắng

 

Rẫy cà phê rộng hơn 2 hecta, một tay ông vật lộn, xoay sở. Hết cuốc cỏ, bón phân, làm cành rồi kéo hơn 5 cuộn ống dây dẫn nước tưới… Dù trời có nắng đến cháy lưng hay mưa tầm tã, ông Tấn cũng không dám bỏ một ngày công bởi ông biết, trên lưng mình đang “cõng” đến 6 sinh viên đại học.

 

Lên cao nguyên Daklak từ năm 1967 chỉ với hai bàn tay trắng, ông Tấn cùng vợ làm thuê cuốc mướn, tằn tiện mãi mới dựng được cơ ngơi kha khá, có căn nhà, mảnh vườn và hơn 2 hecta cà phê. Trong thời gia đó, 11 người con lần lượt ra đời.

 

Cái đói nối tiếp cái khổ! Khổ chồng chất nhiều lúc tưởng chừng như tuyệt vọng. Song trong cái khổ ấy, ông càng nhận ra, con đường thoát nghèo duy nhất cho gia đình chính là phải bám lấy con chữ!

 

Ở đất cao nguyên này - nơi “tụ tập” của những người tứ xứ, nghèo đói và khát chữ - ông đã sớm thoát được nếp nghĩ ấu trĩ: “Cái ăn bỏ miệng còn chưa có, lấy gì học với chả hành”. Ông cương quyết nuôi bọn trẻ ăn học đến nơi đến chốn.

 

“Cho bọn nhỏ đi học, vợ chồng tui như chết đứng luôn. Mọi khi rẫy rừng còn có đứa phụ cuốc đất, tưới tắm, làm cỏ,… giờ một tay tui phải tự làm lấy hết”, ông nhớ lại những ngày đầu cơ cực.

 

Khổ nhất là vào mùa thu hoạch cà phê, hai vợ chồng già, sức yếu, trầy trật với những xe cà phê trên con đường lầy lội, trơn trượt, dốc núi. Ban đầu, thấy ông già phải gồng tay bẻ lái chiếc công nông nặng nhọc, đàn ông trong xóm thay nhau giúp đỡ. Nhưng bà con giúp cũng chỉ có hạn, họ bảo: “Ai bảo ông kham làm chi cho khổ người, kêu bớt chúng nó về mà làm, học với chả hành, chữ nghĩa có nuôi nổi sức già này không?!”.

 

Và những đền đáp xứng đáng

 

Bỏ qua mọi lời dị nghị, dè bỉu, ông luôn hóm hỉnh nói với vợ: “Tui với bà cực khổ bao nhiêu cũng nếm trải hết rồi. Với lại mình đẻ nhiều là trái với nghị quyết của Chính phủ, giờ phải chuộc lỗi chứ…”.

 

Ở cái tuổi ngoài 70, ông vẫn chưa được phép nghỉ ngơi an nhàn. Hàng ngày, ông vẫn oằn lưng lao động trên rẫy cà phê, lo cho 6 đứa con nhỏ đang ngồi trên giảng đường đại học. 5 người con lớn của ông đều đã lập gia đình.

 

Giữa cái nắng cháy trời cao nguyên, tạm dừng tay chống chiếc cuốc xuống, ông trầm ngâm: “Nuôi đến 6 đứa ăn học cực đủ đường đấy chứ, hết đứa này đến đứa kia hỏi xin tiền, chưa chi đã thấy hết tháng, vợ chồng tui cứ xoay vòng như chong chóng. Ngày thì đi làm vậy chứ đêm chắc gì đã ngủ ngon, sợ tờ lịch trên tường xé đến ngày 30…”.

 

Vợ ông cũng tầm tuổi chồng, già yếu, mất sức hơn chục năm nay nên không giúp được gì nhiều. Bà ở nhà nội trợ lo cơm nước, phó mặc rẫy rừng cho ông. Bà phân trần với chúng tôi: “Bấm bụng cho con ăn học chứ biết răng chừ cô. Nhiều người nói vợ chồng tui “bạo” quá, dám cho đến 6 đứa học học đại học lận. Ổng vẫn động viên tui: Đời mình khổ nhiều rồi, ráng khổ thêm tí nữa cũng chẳng làm sao. Đến đời tụi nhỏ phải có cái đầu để khỏi phải lo đói cái ăn, với lại để còn ngẩng cao đầu đi ra với người ta nữa chứ”.

 

Tháng 11/2006, gia đình ông Tấn vinh dự được UB MTTQ VN,UBND huyện Cưmgar trao tặng bằng khen Gia Đình Hiếu Học Tiêu Biểu duy nhất trong toàn huyện. Đây là niềm khích lệ lớn lao cho 2 ông bà già.

 

“Nhà tui nghèo vậy chứ có đủ hết nghen cô. Nè, kỹ sư có, cô giáo có, xây dựng có, nhà báo cũng có…” - Bà Lệ hồ hởi khoe, mắt ánh lên niềm phấn khởi, hân hoan.

 

Đỗ Lan