Ở nơi… “không có Tết”

(Dân trí) - “Nơi nào cũng có Tết còn ở đây chẳng bao giờ thấy bởi bệnh tật, cái chết đâu biết… ngày Tết mà tránh. Ai dám chắc là “chuông tử thần” không đổ vào đúng thời khắc năm mới”.

Ở nơi… “không có Tết” - 1
Cành mai giả là “sắc Xuân” duy nhất ở căn phòng ăn ngủ của nhân viên nhà xác ở BV Nhi đồng 2.

Đó là tâm tư của ông Trần Văn Lang, nhân viên nhà đại thể bệnh viện Nhi Đồng II khi những ngày cuối cùng của năm 2010 đang dần trôi qua. Nơi đâu mọi người đang hối hả đón năm mới chứ ở khu nhà xác, ngày tháng dường như không còn ý nghĩa gì.

Nơi không có khái niệm “Tết”

Bất kể ngày Tết hay thường, ông Lang và người đồng nghiệp - ông Nguyễn Văn Phú - sẽ luôn phiên công việc, làm một ngày nghỉ một ngày. Chỗ ăn nghỉ của họ được bố trí tại một căn phòng nhỏ sát khu nhà xác.

Tết năm nay, ông Lang sẽ trực vào những ngày lẻ 29, mùng Một, mùng Ba Tết. Còn ngày 30, ông Nguyễn Văn Phú sẽ có mặt ở nhà đại thể.

Công việc vẫn vậy, chẳng có chút gì thay đổi so với ngày thường, thậm chí họ còn hồi hộp và lo lắng hơn. Cách đây vài hôm, họ vừa tiễn đưa hai cháu nhỏ lìa khỏi trần gian vì không chống chọi nổi với bệnh tật. Có cháu còn bị bố mẹ bỏ rơi, được bệnh viện chôn cất theo diện không thân nhân.

“Các cháu bị bỏ rơi nhiều vô kể, con mất thì bố mẹ cũng trốn luôn. Cũng vì hoàn cảnh nhưng mà thảm thương quá. Mình là người cuối cùng bên các cháu lúc đó nhưng chẳng làm được gì ngoài một nén nhang cầu mong cho linh hồn các cháu siêu thoát?”, ông Lang ngậm ngùi.

Ông Lang xót xa kể về trường hợp cháu trai mới hơn 10 tuổi mất đúng ngày 23 tháng Chạp mới đây, khi mọi người đang hối hả tiễn ông Táo về trời, tất bật đón năm mới. “Cháu bị bỏng nặng vào viện được hơn một ngày thì mất. Tội cho thằng nhỏ, bị bỏng đến 90% cơ thể, người bị cháy đen… Chỉ vài ngày nữa là Tết, vậy mà…”.

Ở nơi… “không có Tết” - 2
Năm nay, theo ca trực, ông Phú sẽ đón giao thừa ở đây.

Không ít cái Tết, hai ông triền miên trong tang tóc. Ngày thường công việc đã buồn, giờ hai ông càng thấy sợ nếu không may phải tiễn đưa các cháu vào những ngày Tết. Tết lẽ ra gia đình được sum vầy, cầu mong cho một năm mới an lành thì không ít người bố người mẹ phải vật vã trong nỗi đau mất con.

Thâm niên hơn 16 năm “đeo mác” nhân viên nhà xác cũng chừng năm ông Phú đón Tết ở bệnh viện, mà chính xác hơn là ở căn phòng nhỏ sát vách nhà xác. Thay bánh kẹo, rượu bia chúc mừng năm mới như bao người, rất nhiều cái Tết của ông là lo cho các cháu được tươm tất, gọn gàng trước khi về thế giới bên kia.

Một ước mong giản dị

Cả ông Lang và ông Phú đều cho hay, trước đây những dịp Tết bệnh viện rất vắng nhưng mấy năm đổ lại đây, càng Tết càng đông bệnh nhân: “Ngày Tết ăn uống dễ bị ngộ độc, rồi các cháu nhỏ cũng hay bị gặp tai nạn. Bố mẹ bất cẩn chút xíu là ăn Tết ở viện ngay thậm chí mất Tết”.

Ở nơi… “không có Tết” - 3
Ước mong lớn nhất trong dịp Tết của những nhân viên nhà xác là tiếng điện thoại sẽ không đổ chuông…

Còn những ngày nghỉ, hai ông cũng chỉ ở nhà ăn ngủ dưỡng sức chuẩn bị công việc cho ngày hôm sau chứ họ cũng không đi đâu. Mà biết đi đâu bởi những người làm nghề như các ông tự hiểu rằng, chẳng người quen, bạn bè nào muốn tiếp đón, gặp gỡ với họ trong dịp năm mới.

“Người ta sợ chứ, mình suốt ngày ở gần xác chết, ngày bình thường mọi người còn ngại tiếp xúc, sợ xui xẻo huống chi là ngày Tết”, ông Phú nói.

Không có Tết nhưng họ vẫn trang trí cho chỗ ở và “văn phòng làm việc” của mình có không khí Tết. Ông Lang mới sắm cành hoa mai giả, treo thêm mấy túi lì xì đặt trong phòng để bớt ám khí. Muốn trang trí thêm cũng e dè bởi công việc nơi đây họ không thể lường được giây phút sau đó sẽ thế nào, “chuông tử thần” có thể reo ngay cả lúc họ đang đưa dở miếng cơm vào miệng, đang đặt chân lên giường ngủ hay đang lúc say giấc…

Ông Lang chỉ vào chiếc điện thoại bàn nơi phòng ăn ngủ, nói: “Sợ nhất là khi đêm đang ngủ mà… nghe tiếng chuông đổ. Thế là lại có cháu đi, trên viện người ta báo xuống. Chúng tôi gọi chiếc điện thoại bàn đó là “chuông tử thần”.

Còn ông Phú, mấy hôm nay đến ngày trực ông lại vào lau dọn khu nhà đại thể. Cuối năm ai ai cũng tân trang nhà cửa nên ông muốn nơi đây cũng sạch sẽ hơn: “Tôi trực giao thừa nên cũng sẽ làm một mâm cỗ nhỏ để cúng cho hương hồn các cháu”.

Mong muốn ngày Tết của các ông cũng đặc biệt lắm. Chẳng cầu xin giàu sang, phú quý như người ta, họ chỉ mong tiếng điện thoại kia sẽ không đổ lên những hồi chuông “chết người”.

Bài và ảnh: Hoài Nam